Những người lao mình vào thảm họa: Vợ con lúc nào cũng nín thở, chấp nhận hy sinh

01/03/2023 11:57 GMT+7

Từng khuyên chồng bỏ nghề không được, những người vợ - hậu phương của cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ dần thấu hiểu công việc, chu toàn việc nhà để người chồng xông pha.

Nín thở lo lắng

  • Ba, nghề của ba nguy hiểm quá à!
  • Ai cũng chọn nghề bình yên cho mình thì nghề này ai làm giúp dân.
  • Ba làm công việc, nhiệm vụ; nhưng ba phải nghĩ đến gia đình, con cái còn nhỏ.

Cuộc hội thoại của chị Hoàng Thị Hạ cùng chồng là thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo của hơn chục năm trước. Sau lần đó, chị không còn bàn ra về nghề PCCC và cứu nạn cứu hộ của chồng, chuyển sang động viên anh đảm bảo an toàn khi đi chữa cháy.

Mở tấm ảnh chụp lại bản tin VTV phát tấm ảnh chồng ăn bánh mì khi đi cứu hộ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, chị Hạ sụt sùi: "Coi mà rớt nước mắt".

Những người lao mình vào thảm họa: Hậu phương 'quên' mình để người lính xông pha - Ảnh 1.

Gia đình thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo cùng Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an TP.HCM

Ngọc Dương

Nhà gần nhau, chị Hạ biết rõ "máu" giúp người, cứu người luôn âm ỉ trong anh Đạo. Nhưng phải đến ngày chính thức về một nhà, chị mới biết công việc của chồng nguy hiểm đến thế nào.

Chị kể, anh là trinh sát, khi đến đám cháy thì anh là người đầu tiên phải vào, giám sát xem cháy thế nào, bên trong ra sao, ra báo chỉ huy xem tình hình rồi mới đưa lực lượng vào.

Ngày anh đưa về tấm ảnh chân dung do phóng viên ảnh Diệp Đức Minh – Báo Thanh Niên chụp, chị vừa lo, vừa thương vì thấy quá nhiều hiểm nguy. Chồng đi làm trực 1 ngày, nghỉ 1 ngày, nhưng nhiều khi đang ở nhà, nghe tiếng xe cứu hỏa anh cũng lật đật chạy theo.

Vì tính chất công việc của chồng, chị Hạ xin nghỉ việc ở nhà chăm sóc gia đình để chồng yên tâm công tác Ảnh: Vũ Phượng

"Biết nghề của chồng, ngày sinh bé thứ hai xong tôi nghỉ làm xưởng may, ở nhà lo cơm nước, đưa đón 2 con đi học. Anh không bao giờ kể về công việc anh làm thế nào, ra sao vì sợ ở nhà lo, coi ti vi, hình ảnh, tôi mới biết việc của chồng là thế nào", chị nói.

Sau mỗi lần chồng trở về nhà với những vết thương trên người, trầy xước, chị Hạ lại đi mua thuốc sát khuẩn cho mau lành. 20 năm làm nghề, chị cũng không nhớ hết bao nhiêu lần anh bị thương khi đi chữa cháy, cứu hộ dưới nước, cứu người nhảy lầu, bắt tổ ong.

Nước mưa cuốn đá đất xuống hang khi Cảnh sát PCCC và CNCH đang cứu nạn tại hang sâu 280 m (Hà Giang)

Chị tâm sự: "Có lần hết ca trực mà thấy anh chưa về, tôi gọi không được. Vài tiếng sau anh phờ phạc về nhà, hỏi thì anh nói hết ca nhưng có cháy nên anh chạy luôn. Lần khác, anh đi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại Q.7, bị cắt sóng điện thoại. 1 ngày đêm không liên lạc được với chồng, bao lo lắng dồn dập, tôi đứng ngồi không yên. Đến khi đồng nghiệp anh gọi báo tin tôi mới thở phào".

Hơn chục năm làm vợ lính chữa cháy, nhưng cứ thấy xe chữa cháy đi ngoài đường chị lại nơm nớp lo sợ, gọi hỏi chồng có đi làm nhiệm vụ không, dù biết nếu đang đi thì chồng sẽ không cầm máy. Chị lại canh vài giờ sau gọi lại để hỏi chồng đã về đến đơn vị chưa, có an toàn không.

Bà Mai Thị Tú (74 tuổi, mẹ thiếu tá Đạo) cũng kể: "Biết nghề nó vậy nên tôi chỉ dặn làm gì làm cũng phải giữ an toàn cho mình. Nói vậy mà nó có nghe đâu. Cứ lao vào, tới khi về bỏng rát, vết thương đầy người nó cứ bảo không sao".

Hậu phương vững chắc

Là vợ của một người nhiều lần đánh cược với mạng sống của mình để cứu nạn cứu hộ, chị Phạm Thị Thắm (41 tuổi), vợ trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chọn lui về chăm con để chồng yên tâm công tác.

Những lần nghe anh nhận nhiệm vụ ở Hà Giang, Cao Bằng đưa nạn nhân ở hang sâu như tòa nhà 90 tầng, chị chỉ biết vờ giận chồng, hỏi anh "Đi ra làm gì?". Anh cũng thật thà: "Chưa biết sẽ làm gì". Sau đó, đọc các bài báo, xem clip về hành trình cứu nạn cứu hộ, chị chỉ biết cảm ơn trời đất vì anh vẫn bình yên trở về.

Những người lao mình vào thảm họa: Hậu phương 'quên' mình để người lính xông pha - Ảnh 4.

Biết tính chồng hay xông pha các nhiệm vụ khó, chị Thắm cùng các con ở nhà thường nơm nớp chờ tin

Ngọc Dương

Chị kể, trong căn nhà trọ nát thuê với giá 2 triệu đồng gần đơn vị của chồng, 4 người trong gia đình vẫn ngủ chung trong căn phòng dán chi chít băng keo với nhiều mảng tường loang màu. Những lần chồng đi làm nhiệm vụ, chị lại thấp thỏm chờ tin vì biết tính chồng luôn nhận hết việc khó về mình.

Chị cũng từng khuyên anh bỏ nghề, nhưng nhiều lần thấy chồng bị bỏng rát, trầy xước trở về mà nụ cười vẫn nở trên môi, chị biết chồng hạnh phúc khi làm nghề. Chị lại tự luyện cho mình ý chí mạnh mẽ để chấp nhận công việc của chồng.

Những người lao mình vào thảm họa: Hậu phương 'quên' mình để người lính xông pha - Ảnh 5.

Các chiến sĩ PCCC và cứu nạn cứu hộ hạnh phúc trở về với gia đình sau 9 ngày làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ

Ngọc Dương

22 năm làm lính cứu nạn cứu hộ, anh Thành cùng đồng đội đã tham gia cứu sống nhiều người. Thực hiện nhiệm vụ xong anh cũng không biết tên nạn nhân, không giữ liên lạc, nhưng đó là điều hạnh phúc vô bờ của người lính cứu hộ.

"Nghề lính cứu nạn cứu hộ không như sách vở, trường lớp mà phải sử dụng kinh nghiệm thực tế để đối phó, xử lý. Cha mẹ và vợ con rất hiểu công việc đặc thù này của tôi, họ là hậu phương vững chắc, động lực tinh thần lớn để giúp tôi vững tin tiếp tục công việc của mình. Tôi hạnh phúc khi nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình", trung tá Nguyễn Chí Thành tâm sự.

"Nghề giúp người bằng rất nhiều tình"

Tự hào về công việc của chồng, chị Nguyễn Thị Kim Khanh (34 tuổi), vợ thượng úy Nguyễn Văn Trung kể, ngày vừa quen nhau, chị biết anh làm chữa cháy nhưng nghĩ đơn giản chữa cháy là cầm vòi xịt nước vào đám cháy, chưa hình dung những nguy hiểm chồng phải đối mặt.

Những người lao mình vào thảm họa: Hậu phương 'quên' mình để người lính xông pha - Ảnh 6.

Thượng úy Nguyễn Văn Trung (thứ hai từ trái qua) tham gia cứu nạn động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ

PC07

"Khi ra mắt gia đình, ba mẹ mình cũng nói công việc nguy hiểm quá, xin chuyển việc khác được không, nhưng rồi cả tôi và gia đình dần hiểu ý nghĩa công việc. Nghề này không giúp người được bằng tiền, mà giúp người bằng rất nhiều tình", chị chia sẻ.

Hằng ngày, chị vừa chăm 2 con, vừa bán thêm hàng online để phụ chi tiêu trong nhà. Thấy vợ tạm gác những hoài bão trong công việc để chăm lo gia đình, sau giờ làm, thượng úy Trung cũng chủ động rửa chén, quét dọn, dọn dẹp, lau nhà, giặt đồ.

Từ ngày vừa hẹn hò, cho đến bây giờ có 2 con, vợ chồng chị vẫn giữ thói quen nói chuyện điện thoại cả tiếng đồng hồ mỗi khi anh trực đêm. Do đó, những đêm không gọi được cho chồng, chị lại bồn chồn không thể chợp mắt.

Chị Phương Thanh từng khuyên chồng "Anh ở nhà em nuôi" khi biết công việc vất vả của người lính PCCC và cứu nạn cứu hộ - Ảnh: Ngọc Dương, Vũ Phượng, NVCC

Cũng không ít lần vợ chồng chị "gây lộn" vì chồng tham gia cứu nạn cứu hộ dưới nước mà 1 ngày chưa liên lạc được. "Mỗi lượt lặn xuống làm cao lắm 2-3 tiếng đồng hồ nhưng sau 1 ngày không điện nên tôi lo lắm, không làm gì được hết. Anh nói sao không nghĩ đến chuyện điện thoại anh hết pin. Thì biết là hết pin vậy nhưng lúc đó nỗi lo của mình đã bao trùm lên tất cả rồi", vợ thượng úy Trung cười chia sẻ.

Cùng chung nỗi lo của hậu phương, chị Phạm Thị Phương Thanh (30 tuổi), vợ thượng úy Nguyễn Nhật Phương từng nói với chồng "Anh ở nhà em nuôi". Biết tính chồng sợ ma, run rẩy khi tiếp xúc với thi thể, thậm chí hay ngủ mơ sau mỗi ngày cứu nạn cứu hộ nên chị nhiều lần khuyên chồng suy nghĩ lại.

"Vậy mà không hiểu sao giờ ảnh vượt qua được nỗi sợ, làm gì cũng nói bình thường. Biết ảnh mê việc quá rồi nên không ai cản được. Nhiều lần đi làm về, thấy người anh bị trầy xước, chảy máu, hỏi thì anh chỉ bảo do lặn dưới kênh đen va trúng mảnh kính, mắc vào cây cối, vật sắc nhọn. Anh vẫn luôn bảo nghề này giúp người ta cứ như giúp mình nên tôi rất tự hào về anh", chị Thanh bày tỏ.

(Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.