Những người 'ngán Tết': 'Nhớ quê lắm chứ, mà biết sao về bây giờ?'

Phạm Hữu
Phạm Hữu
03/02/2019 12:12 GMT+7

Ngày giáp Tết không khí ở xóm trọ công nhân ở TP.HCM trở nên đìu hiu càng làm cho những công nhân bất đắc dĩ không thể về quê đón Tết càng thên buồn tủi.

“Làm người ai cũng vậy, nhớ quê chứ”

Xóm trọ nằm sâu trong con hẻm đường Hồ Học Lãm (P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân) thời gian này yên tĩnh hẳn. Một phần vì các công nhân làm việc ở khu công nghiệp đã về quê đón Tết. Số khác vẫn tiếp tục đi làm ngày cuối trước khi chính thức được nghỉ ngơi.
Trong xóm trọ nhỏ này là nơi công nhân ở nhiều vùng khác nhau ngụ dưới mái nhà chung của chủ nhà Võ Văn Thành. Tại đây, số công nhân về quê ăn Tết đã rời đi từ ngày hôm trước. Chỉ còn lại vỏn vẹn 3 gia đình ở lại bởi kinh tế còn quá khó khăn. Họ lại đón Tết tại xóm trọ như mọi năm.
Vợ chồng bà Mai, ông Tuấn (tên nhân vật được thay đổi) làm công nhân đã được gần 20 năm ở TP.HCM. Mười mấy năm trước, bà Mai rời Hà Nam vào Nam kiếm kế mưu sinh. Bà xin làm công nhân ở một công ty và gặp ông Tuấn người quê ở H.Tri Tôn (An Giang) và cưới làm chồng.
Sau những ngày làm việc mệt mỏi, bà Mai và ông Tuấn cũng được nghỉ Tết. Trưa 2.2 bà tranh thủ lau dọn phòng trọ, còn ông Tuấn sửa lại chiếc xe máy. Cũng như mọi năm, năm nay vợ chồng ông bà bất đắc dĩ ở lại phòng trọ ăn Tết vì tiền chi cho việc đi lại trong dịp Tết quá cao, hai vợ chồng không thể cùng về quê chung vui với gia đình.
Lâu lâu bà Mai mới về một lần đón tết, mỗi lần cách nhau đến vài năm, những khi bất đắc dĩ mẹ bệnh bà mới về quê thăm.
“Làm công nhân thì lương đâu có bao nhiêu, mà muốn đi về tới quê thì tốn rất nhiều tiền. Nào là vé tàu, vé xe rất cao làm sao mà đủ tiền”, bà Mai chia sẻ.
Ngồi ở phòng trọ, nhìn hàng xóm kéo nhau về quê lòng bà Mai buồn rười rượi.  Người nhà cứ gọi hỏi thăm “tết này em có về không”, bà chỉ biết nhắn lại “tết này em không về vì kinh tế quá eo hẹp”.
“Làm người ai cũng vậy, nhớ quê chứ…”, bà Mai nói lại ngắt quãng, mắt đỏ hoe rồi im lặng khi tưởng nhớ về không khí Tết ở quê nhà của những ngày xưa.
Còn quê nhà ông Tuấn ở An Giang, nếu muốn về bà Mai chỉ đi được xe máy vì không đi được xe khách. Nhưng ngồi xe máy 8 tiếng mới về đến nhà giống như cực hình làm bà ngán ngẩm. Không những vậy, qua 3 ngày Tết ông Tuấn phải bắt tay vào làm việc nên bà với ông chọn ở lại đón Tết nơi xứ người.
Cái Tết nơi phòng trọ của đôi vợ chồng già hầu như rất đơn giản, không mua sắm gì nhiều. Bà Mai đi chợ mua ít gạo, thịt, bánh mứt để cho qua ngày. Còn ông Tuấn chờ ngày giao thừa ra chợ hoa mua chậu bông vạn thọ rẻ rẻ rồi mang về phòng chưng. Ngoài ra ông cũng kho nồi thịt nho nhỏ để có chút không khí quê nhà.

Đi 16 năm, 3 lần về Tết

Trong dãy phòng trọ công nhân của bà Mai còn có hai hàng xóm không về Tết là chị Trần Thị Linh và Bạch Thị Kim Sanh (cùng ngê Quảng Ngãi). Thi thoảng buồn quá, nhiều chị em ra sân trước phòng trọ tỉ tê với nhau.
Năm nay, gia đình chị Trần Thị Linh ở lại thành phố ăn Tết. Chị Linh cho biết không đủ tiền để về quê ăn Tết. Cái Tết năm nay là năm thứ 6 liên tiếp chị ở lại phòng trọ. Trong 16 năm qua đếm lại chỉ về quê ăn Tết được khoảng 3 lần.
“Có chuyện gì đó tôi mới dám về, chứ mỗi lần về tiền nhiều quá. Gia đình cũng có kêu về nhưng tiền đâu mà về. Không về thì tôi gửi tiền về cho cha mẹ. Coi như mình nhín tiền xe của cả nhà để tặng cho cha mẹ”, chị Linh cho hay.
Chị Linh cho biết, chuyện mua vé về quê vô cùng khó khăn. Làm công nhân không thể nghỉ để canh mua vé tàu, có khi đến mua vé thì cũng đã hết vé đành quay về. Thậm chí có lần, nhà chị Linh chuẩn bị đồ đạc ra bến xe nhưng không mua được vé đành lủi thủi quay về phòng trọ.
Chị Bạch Thị Sanh đang dọn dẹp phòng trọ đón Tết xa quê Phạm Hữu
Còn vợ chồng chị Sanh, cũng tương tự, vừa phải lo gồng gánh chi tiêu mọi thứ hằng ngày vừa phải lo cho 2 đứa con nhỏ. Khoảng tiền lương mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng của chị “bay vèo” với chi phí tiền trọ và tiền nuôi con. Chỉ duy nhất chị trông cậy vào lương chồng để đắp đổi qua ngày.
Tết đến, giá cả tăng vọt, tiền vé xe về quê vượt khỏi khả năng của gia đình chị Sanh. Do đó, chọn cách ở lại là cách cuối cùng.
Ông Võ Văn Thành, chủ xóm trọ công nhân chia sẻ, từ ngày xây phòng trọ cho thuê đến giờ, mỗi năm ông đều đón giao thừa cùng công nhân ở lại. Ông làm tiệc nhỏ tiếp đãi công nhân. Ngày cúng ông bà ông mời công nhân sang nhà dùng bữa cơm gia đình cho họ bớt tủi thân một chút.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.