Nhớ tiếng cò kêu
Hơn 30 năm gầy dựng, gắn bó với vườn cò, nhưng ông Châu Văn Tỷ (Tư Tỷ, sinh 1942), ngụ ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Hòa, H.Giang Thành (Kiên Giang) không biết chán. Những khi đi xa vài ngày, ông Tỷ lại nhớ con cò. “Tôi nhớ tiếng cò kêu lúc chúng đi kiếm ăn, lúc về tổ khi chiều tối. Chỉ cần nằm võng ngắm, nghe tiếng cò, tôi “đã” con mắt và “sướng” lỗ tai”, ông Tỷ nói.
“Trước kia, giao thông qua Cà Mau rất cách trở. Có lần tôi đi đám cưới ở Cà Mau 3 ngày, nhưng hơn 1 ngày tôi thuê xe về nhà vì nhớ tiếng cò. Ngoài ra, tôi sợ không ai giữ, người ta săn bắt cò”, ông Tỷ kể. Không những vậy, 10 năm qua, để lại nhà cho vợ con, ông Tỷ qua vườn cò cất chòi để ở. Theo ông, cò cần không gian yên tĩnh. Chỗ nào người ra vào thường xuyên là cò không về trú ngụ, sinh sản nữa. Do vậy, ông phải giữ không cho ai vào vườn cò nhằm tránh ảnh hưởng đến sinh trưởng của chúng.
|
Theo ông Tỷ, để giữ, dẫn dụ được loài “chim trời” này, người nuôi phải giữ được môi trường sinh thái tự nhiên. Tức là người nuôi phải trồng, tái tạo rừng tràm, bạch đàn hay cây bình bát; xung quanh cần có đầm lầy; hạn chế đi lại trong vườn cò.
Với tình yêu thiên nhiên, qua nhiều năm, ông Tỷ gây dựng được vườn cò hơn 8ha, tạo điều kiện trú ngụ cho các loài cò, vạc, giang sen và nhiều loài chim khác. “Cò đẻ mỗi lần 4-5 con, tôi thường giữ lại 1-2 con. Theo đặc tính, cò chỉ giữ được 2-3 con/lứa. Hiểu được đặc tính chọn lọc tự nhiên, tôi cũng chọn cò con khỏe mạnh để giữ lại và bán cò con yếu hơn để có tiền thuê người giữ, tái tạo đàn”, ông Tỷ nói.
Anh Lê Văn Đô (41 tuổi), ngụ xã Phú Lợi, H.Giang Thành, làm công cho ông Tỷ nhiều năm, khẳng định: “Nếu không yêu quý thiên nhiên, người nuôi giữ loài “chim trời” không được lâu bởi công việc này đòi hỏi sự đầu tư tiền bạc, công sức rất lớn”.
Tình yêu thiên nhiên
|
Đến thăm vườn cò của anh Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1972) tại ấp Số 8, xã Sơn Kiên, H. Hòn Đất (Kiên Giang), tôi được anh giới thiệu về vườn cò, về tình yêu thiên nhiên của anh. “Chiều nào tôi cũng theo dõi từng đàn cò bay về tổ; đàn vạc từ tổ bay đi ăn đêm. Đứng trên cao, nhìn cánh cò, cánh vạc bay, hòa cùng thiên nhiên, tôi càng yêu công việc mình làm”, anh Thanh cho biết.
|
Nhìn về vườn cò rộng hơn 22ha, anh Thanh cho biết: “Vất vả 10 năm, từ trồng tràm, tạo môi trường sinh thái… tôi mới có vườn cò như ngày hôm nay. Tôi phải tạo đất lành chim mới đậu”.
Để giữ được vườn cò, ngoài việc bỏ kinh phí, công sức, anh Thanh phải mềm mỏng tuyên truyền để người dân xung quanh hiểu giá trị của việc bảo tồn thiên nhiên, lợi ích cân bằng sinh thái mà loài “chim trời” mang lại. “Có lần một người dân bắt cò, tôi phải mua lại, phân tích, giải thích để họ hiểu. Hiện người dân xung quanh hiểu việc của tôi làm góp phần giữ gìn môi trường sinh thái, tái tạo thiên nhiên nên rất ủng hộ”, anh Thanh cho biết thêm.
|
Từng công tác trong ngành kiểm lâm (giai đoạn 1993-2009), anh Thanh quyết gây dựng nên vườn cò trên mảnh đất gia đình. Từ năm 2009, anh lặn lội khắp nơi học tập, mua tràm về trồng, mua cò giống về thuần dưỡng. “Tôi đầu tư rất nhiều tiền, công sức để gây dựng vườn cò. Tôi nghĩ tình yêu thiên nhiên, bảo tồn giá trị và cân bằng sinh thái để loài “chim trời” này sinh trưởng đến lúc nào đó sẽ được đền đáp xứng đáng”, anh Thanh bộc bạch.
|
Am hiểu đặc tính, tập quán của từng loài “chim trời”, anh Thanh chỉ từng đàn cò bay về tổ, nói: “Hôm nay cò bay về tổ sớm hơn thường lệ, tôi biết trời sắp mưa. Vì cò bay về và ổn định ở tổ trước khi trời mưa khoảng 20-30 phút”. Và y như rằng, khi chúng tôi đứng trên cầu quan sát cò bay về tổ chừng 20 phút sau, trời đổ mưa.
|
Tình yêu thiên nhiên giúp người “nuôi giữ chim trời” bỏ tiền, công sức để gây dựng vườn cò, vạc… Có người cho họ là ngông, là làm việc vô ích, nhưng chính nhờ sự cố gắng của người “nuôi giữ chim trời” mà có những mảnh đất lành để đàn “chim trời” đậu.
|
Bình luận (0)