Chị Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, một trong 64 chiến sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma năm 1988, không phải là người duy nhất ở vậy nuôi con, nhưng những gì mà chị đã “nếm” suốt 27 năm qua thì không phải người vợ liệt sĩ nào cũng trải qua.
Chị Đỗ Thị Hà với di ảnh của chồng - Ảnh: Nguyễn Chung
|
Lối ngõ vào nhà chị Hà ở P.Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh (Khánh Hòa) hôm nay chừng như sáng hơn chứ không còn lầm lụi như 3 năm trước, khi chúng tôi lần đầu đến đây, mang một ít tiền của bạn đọc Báo Thanh Niên giúp mẹ con chị.
“Báo chí các anh không nhắc đến ông xã cũng như các liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma thì chắc hai mẹ con tôi vẫn ở mãi căn nhà cũ xập xệ ấy chứ không biết lấy tiền đâu để sửa sang lại như thế này”, nói rồi chị nhìn lên di ảnh trên bàn thờ. Người đàn ông của chị trong ảnh mỉm cười, như muốn nói với chị rằng những bất hạnh, tai ương cùng bao lam lũ khó nghèo mà chị đã gánh gồng suốt mấy chục năm qua, nay đã là dĩ vãng. Giờ chị có thể nhẹ lòng mà nói với anh rằng: “Em đã giữ lời hứa trước vong linh anh, kể từ khi em biết anh mãi mãi không về, rằng em sẽ nguyện ở vậy để nuôi con cho đến khi con khôn lớn trưởng thành”. Những cam kết tâm linh không văn tự của chị với người đã khuất, giờ thành hiện thực.
“Bà mối” Trần Văn Phương
Năm 2012, khi các anh ở Hải quân Vùng 4 trao cho chúng tôi bảng danh sách 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma năm 1988 cùng địa chỉ của họ, tôi để ý đến cái tên Đinh Ngọc Doanh, quê ở H.Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Để ý là vì ở phần “trích ngang” của liệt sĩ này, có thêm tên của người vợ, quê ở Cam Ranh. Điện hỏi các cơ quan chức năng ngoài Ninh Bình thì được trả lời là “không rõ hiện nay vợ con anh ấy ở đâu”. Lần tìm mãi mới ra địa chỉ của vợ liệt sĩ Doanh ở P.Cam Nghĩa này. Hóa ra nhà chị Hà chỉ cách nhà em Thủy, con liệt sĩ, trung úy Trần Văn Phương, người đã giành giật lá cờ với quân xâm lược Trung Quốc ở Gạc Ma, chỉ một con hẻm. “Cơ duyên nào chị gặp anh Doanh, chồng bắc vợ nam vậy?”, tôi hỏi chị Hà. Chị nói: “Anh Trần Văn Phương làm bà mối đấy”. Chị kể: “Anh Phương là bạn với người chị trong nhà nên anh làm mối bạn mình - anh Doanh - cho cô em là tôi”. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, bộ đội Hải quân Vùng 4 hễ đến chủ nhật là “xả trại”. Nhiều anh quê các tỉnh phía bắc đã “cắm rễ” ở Cam Ranh là vậy. Đinh Ngọc Doanh là một trong số đó.
Chị Hà kể, nhà anh Doanh nghèo quá, vả lại hồi ấy tàu xe thật khó khăn nên đại diện cho họ nhà trai trong lễ cưới là... thủ trưởng anh Doanh. “Tôi cũng hơi buồn một chút nhưng hoàn cảnh vậy, biết làm sao được.
Nhưng về ở với nhau, tuy ngắn ngủi nhưng tôi luôn nghĩ, mình đã chọn “một nửa còn lại” không nhầm. Ảnh là người chồng rất mực thương yêu vợ con và luôn có trách nhiệm với mọi người”, chị Hà kể về người chồng của mình đầy vẻ tự hào.
Về quê chồng trong nước mắt
Chị Hà sinh cháu Đinh Thị Mỹ Lệ hơn một năm thì một hôm, anh Doanh nói với chị: “Anh sắp ra Trường Sa rồi, tình hình căng lắm. Nhưng chắc vài tháng là anh về thôi. Chúng mình sẽ đưa con về quê ra mắt bố mẹ, họ hàng”. Không ngờ, câu nói ấy thay một lời vĩnh biệt. Chị Hà nhớ lại: “Một tối giữa tháng 3.1988, đứa cháu đang chơi trên trên quốc lộ 1, hớt hải chạy về báo tin: Dì ơi, cháu nghe đài vừa nói là tàu gì đó của hải quân mình bị Trung Quốc bắn chìm ngoài Trường Sa, mấy mươi người mất tích, trong đó có tên dượng! Tôi nghe mà rụng rời tay chân. Mấy ngày sau, các anh trong Vùng 4 đến nhà báo tin cho tôi, đúng như những gì mà thằng cháu đã nói. Dù vậy, tôi vẫn hy vọng có một phép màu nào đó, anh Doanh sẽ trở về với mẹ con tôi”. Nhưng “phép màu” mà chị Hà hy vọng ấy đã không xảy ra. Một năm sau thì chị nhận giấy báo tử của chồng.
Chị Hà bế con về quê chồng trong nước mắt. Ngày ra mắt họ hàng nhà chồng lẽ ra phải là một ngày vui của đời chị nhưng đó là một ngày trĩu nặng đớn đau. Chuyến tàu về quê anh Doanh ngày ấy đã vắng một chỗ ngồi. Suốt 27 năm qua, trong mỗi bữa ăn hằng ngày, mâm cơm nhà chị cũng luôn khuyết một chỗ, dù chị vẫn đặt trên mâm cơm thêm một cái chén cùng đôi đũa. Luôn đau đáu với nỗi hao khuyết từ người chồng của mình như thế, hỏi làm sao chị cầm lòng mà đi bước nữa!
Làm phụ hồ nuôi con
“Hằng ngày, sau khi gửi cháu Lệ cho nhà trẻ, tôi lên chiếc xe đạp cà tàng này để đến các công trường xây dựng tìm việc. Làm phụ hồ để nuôi con chứ chẳng có cách nào khác”, chỉ vào chiếc xe đạp nơi xó hè, chị Hà nói về những tháng ngày vất vả của đời mình. “Sao chị không chọn nghề nào khác, buôn bán chẳng hạn, có phải nhẹ nhàng hơn không?”, tôi hỏi. Chị cười. Nụ cười như vừa chắt ra từ những giọt mồ hôi mặn đắng. “Tôi biết phụ hồ là công việc nặng nhọc chớ! Sau mỗi buổi phụ hồ là người tôi như muốn vỡ ra từng mảnh. Không còn nghĩ điều gì khác ngoài việc chăm con. Nhưng đó cũng là một cách để tôi quên tuổi xuân của mình”. Nói rồi, chị Hà quay mặt vào vách, cố giấu những giọt nước mắt tủi hờn mà chị đã cố kiềm giữ suốt mấy mươi năm qua.
“Ngày cháu Lệ thi đại học, cháu đi một mình vì nếu cả hai mẹ con cùng đi thì tốn kém quá. Ngày nhập học vào đại học, cháu cũng chỉ đi một mình. Giờ cháu đã có việc làm ổn định tại Sài Gòn nhưng mỗi lần nghĩ đến con, nhớ lại những bước chân “một mình” năm cháu 18 tuổi, lòng tôi lại nhói đau. Giá như anh Doanh còn sống...”, chị Hà nói về con nhưng cũng chính là nói về mình. Chị luôn “một mình” như thế, 27 năm rồi...
Bình luận (0)