12 giờ trưa, nhiệt độ mặt bê tông đường băng Tân Sơn Nhất hiển thị 51,4oC. Các tổ phục vụ mặt đất, kỹ thuật, an ninh sân bay vẫn miệt mài với công việc dù người đã mướt mồ hôi.
Không một bóng mát
Giữa phi trường rộng lớn với hàng chục "chú chim sắt" khổng lồ, những người làm việc dưới đường băng nhìn từ xa chỉ còn là những chấm nhỏ nhòe mờ vì nắng nóng.
Khi ra sân đỗ bắt đầu công việc bảo dưỡng chiếc Airbus A350 trước giờ khởi hành, anh Đào Anh Tuấn (52 tuổi), kỹ sư cơ giới máy bay bịt khẩu trang, đeo găng tay chống nóng, mặc áo phản quang, đội nón lưỡi trai có dây cột, bịt tai và bắt đầu công việc.
Làm việc ở đường băng Tân Sơn Nhất: Hàng chục năm tập quen với cái nóng 50 độ C
Mặt trời chiếu thẳng đứng, bóng mát duy nhất khi đó chỉ là phần bụng dưới chiếc máy bay. Anh Tuấn tỉ mỉ kiểm tra tất cả các thông số theo yêu cầu từ phần đầu, lốp, cánh, đuôi, động cơ… nhiều vòng liên tục. Nắng mỗi lúc một gắt gao, mồ hôi bắt đầu lấm tấm trên gương mặt, người đàn ông 30 năm trong nghề vẫn tập trung từng chi tiết nhỏ của máy bay.
Anh Tuấn cho hay, ngày nào nhiệt độ dự báo 35, 36oC thì nhiệt độ trên sân đỗ luôn là trên 40oC, những thời điểm nắng nóng nhất trong ngày nhiệt độ cảm nhận có thể lên trên 50oC.
"Trên đường băng, sân đỗ không có một bóng mát nào để giảm nhiệt độ đi cả, toàn là bê tông và nhựa đường nên nhiệt độ cảm nhận tăng lên rất nhiều so với thực tế", anh chia sẻ.
30 năm làm việc trong đường băng sân bay, anh Tuấn nhận xét, năm nay nắng nóng đến sớm với cường độ nắng nóng không khác gì thời điểm cao điểm
Độc Lập
Theo người đàn ông 30 năm kinh nghiệm, mùa nắng nóng nhất với người làm việc ở đường băng sân bay là khoảng trước Tết Nguyên đán 1 tháng và sau tết từ 1,5 – 2 tháng. Tuy nhiên, năm nay, ngay trong cao điểm tết, nắng nóng đã ập đến.
Anh nhận xét, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm và cường độ nắng nóng không thua kém gì so với thời gian cao điểm của mọi năm. Làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt, anh và đồng nghiệp đều trang bị bảo hộ, uống nước mát để duy trì sức khỏe.
"Khoảng 1 tuần trở lại đây, buổi sáng nắng nóng có phần bớt gay gắt hơn, nhưng từ 10 giờ đến 15 – 16 giờ chẳng khác gì thời điểm nắng nóng gay gắt, rất nóng là đằng khác", anh nói.
Kỹ sư bảo dưỡng máy bay cho hay, thông thường, thời gian bảo dưỡng, kiểm tra mỗi chiếc máy bay trước giờ khởi hành tùy thuộc vào yêu cầu của từng hãng. Nhưng khi thời tiết nắng nóng, cường độ làm việc của kỹ sư sẽ được bố trí giãn cách để mỗi người có thêm thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe.
Xem nhanh 20h ngày 14.3: Làm việc ở đường băng Tân Sơn Nhất
Nguyên tắc đặc biệt trong sân đỗ
Đi máy bay, trước khi khởi hành, hành khách có thể nhìn thấy tiếp viên, phi công hay nhân viên mặt đất ở cửa lên máy bay. Nhưng thực tế, từ trước khi hành khách bước lên máy bay, có rất nhiều bộ phận làm việc trực tiếp dưới đường băng để bảo đảm an toàn cho chuyến bay, bất kể nắng mưa.
Tiếp nhận bảo dưỡng chiếc máy bay chuẩn bị khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất đi sân bay Nội Bài lúc 13 giờ, anh Bùi Vĩnh Hưng (39 tuổi), kỹ sư điện và điện tử máy bay đã có mặt trước 2 tiếng để làm việc.
Làm việc dưới nắng gắt nhưng những người làm việc trên sân đỗ không được mang theo chai nước
Độc Lập
Dưới cái nắng chói chang buổi giữa trưa, anh Hưng chia sẻ, trang bị kỹ càng về thể lực, quần áo, trang bị bảo hộ, chế độ ăn uống rất quan trọng với người làm việc trực tiếp dưới nắng nóng gay gắt.
"Ra đường băng cần có giày bảo hộ chống trượt, chống tích điện và chống nóng; nón phải có dây tránh bị gió thổi bay; kính tránh chói nắng; bịt tai nhằm chống tiếng ồn… Đó là những đồ cơ bản nhất làm trên đường băng cũng phải có", anh tâm sự.
Làm việc dưới nắng gắt gao, cổ họng nhiều lúc khát khô, tuy nhiên, theo các kỹ sư, trên sân đỗ rất hạn chế uống nước vì liên quan đến FOD (tránh vật thể lạ trên đường băng). Vì vậy, mọi người vào làm việc không mang theo chai nước. Ngoài ra, người làm việc trên đường băng không được mang theo hộp quẹt. Đây cũng là 2 nguyên tắc chúng tôi được nhắc kỹ lưỡng trước khi vào khâu kiểm soát an ninh nghiêm ngặt để theo chân đội kỹ sư bảo dưỡng máy bay ra sân đỗ.
Anh Hưng kể: "2 năm trước là thời điểm nắng nóng gắt gao nhất. Mồ hôi nhiều lúc ướt hết đầu tóc, quần áo, tới tay chân. Khi đó, kỹ sư phải dùng khăn lau tay cho khỏi trơn rồi mới làm tiếp. Về đến nhà, tôi cũng chỉ kể cho mọi người nghe là công việc làm dưới nắng nóng, chứ không nói kỹ nắng nóng ra sao vì sợ cả nhà lại lo lắng".
Cùng ca phục vụ mặt đất trước giờ khởi hành chiếc chiếc Airbus A350 với anh Tuấn, anh Nguyễn Hùng Châu Kha (31 tuổi), đội phục vụ kỹ thuật cũng chia sẻ, dù có chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng ngày mới vào nghề anh cũng bị "sốc đột ngột" vì thời tiết trên đường băng quá "gắt gỏng" – lúc thì nắng chói chang, lúc lại mưa nặng hạt. Trong 8 năm làm nghề, đã vài lần anh hứng trọn cơn mưa, sau đó, nắng lên lại, bộ quần áo mặc trên người tự được hong khô ngay trong ca trực.
Công việc của anh Kha là vận hành xe thang, xe đặc chủng, xe chở trang thiết bị đặc biệt phục vụ cho các chuyến bay. Ca làm việc của đội phục vụ kỹ thuật kéo dài 8 tiếng, mỗi chuyến bay làm trên sân đỗ kéo dài khoảng 50 phút đối với tàu thân nhỏ và hơn 60 phút đối với tàu thân rộng.
"Ca làm việc ban đêm thì mát mẻ khá dễ chịu, còn với ca ban ngày như cả tháng qua thì chúng tôi luôn phải đối mặt với hơi nóng từ động cơ máy bay, bê tông bốc lên, nắng từ trên trời đổ xuống, nhiều ngày không một bóng mây. Giữa sân đỗ rộng lớn, tàu bay cũng rất to, trang thiết bị cồng kềnh, nhiều khi thấy mình thực sự nhỏ bé. Năm nay khác mọi năm, vừa qua tết nắng đã khắc nghiệt", anh nhìn nhận.
Giữa sân đỗ rộng lớn với các tàu bay to, những người làm việc trên sân trở nên thật nhỏ bé
Độc Lập
Theo anh Kha, từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều là thời điểm nắng nóng nhất trong ngày từ tết tới nay, đôi lúc có thể khiến anh hoa mắt, chóng mặt. Sau mỗi ca trực dưới thời tiết nắng nóng, mồ hôi tuôn như tắm, nhưng nhìn các tàu bay chở hàng trăm hành khách cất cánh an toàn, những người làm việc trên đường băng lại thở phào…
Bình luận (0)