Những người thầy 'anh cả' của sinh viên

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
18/11/2022 10:10 GMT+7

Thuộc thế hệ 9X, được sinh viên gen Z gọi là thầy, nhưng những giảng viên trẻ này không nghĩ mình là thầy, mà chỉ là 'anh cả' và luôn có tư duy cởi mở với sinh viên.

Cùng theo “trend” với gen Z

Cứ mỗi sáng, tiến sĩ Nguyễn Minh Đạt, giảng viên 9X (30 tuổi) kiêm Bí thư Đoàn khoa Quản trị của Trường ĐH Luật TP.HCM, vừa đạt giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2022, lại lướt một vòng báo mạng và các trang mạng xã hội để xem “trend” của hôm nay là gì, sự kiện nào khiến các nhân vật có tầm ảnh hưởng phải “giật tít”, các nội dung đó có liên quan đến môn học ở góc độ nào… Từ đó, thầy Đạt lại chuyển hóa thành những tình huống phù hợp với bài giảng.

Không chỉ dạy bậc ĐH các môn quan hệ công chúng, quản lý bán hàng, quản lý thương hiệu, quản trị nhân sự, quản lý nguồn nhân lực, thầy Đạt còn dạy bậc cao học các môn thương mại điện tử và pháp luật thương mại trong bối cảnh hội nhập. “Thông thường, sinh viên có xu hướng thích thú khi nghe các tình huống có thật hoặc các vấn đề nhức nhối trong xã hội, từ đó các bạn được bày tỏ suy nghĩ của mình. Tôi luôn khuyến khích sinh viên thể hiện quan điểm ở nhiều góc độ, phong phú và đa chiều thì kiến thức mới có thể toàn diện và sâu sắc”, thầy Đạt nhận định.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Đạt (trái) và thạc sĩ Trần Hoàng Lộc

T.Đ - NVCC

Theo thầy Đạt, với tốc độ phát triển nhanh chóng của mạng internet cũng như các xu hướng công nghệ, việc giảng dạy cũng dần thay đổi từ hướng truyền thông sang hiện đại hơn. “Khi tiếp xúc được với sinh viên gen Z, tôi thấy các bạn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết cũng như khả năng quan sát, phân tích các tình huống trong xã hội rất tốt. Vì các em rất giỏi nên trong quá trình giảng dạy, tôi luôn đặt tiêu chí “tôn trọng lẫn nhau” lên hàng đầu, tôi không nghĩ mình là “thầy”, mà luôn coi mình như người bạn, người anh của sinh viên, hỗ trợ, hướng dẫn các em cách tiếp cận kiến thức và cách tư duy”, nhà giáo trẻ chia sẻ.

Trong khi đó, đối với thạc sĩ Trần Hoàng Lộc (27 tuổi), giảng viên bộ môn thiết kế hệ thống nhúng và robot, Khoa Kỹ thuật máy tính Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM, gen Z là một thế hệ thú vị và tài năng, có khả năng tự nghiên cứu và học hỏi rất cao. “Các bạn được phát triển trong thời đại mà con người sống cùng lúc ở cả 2 thế giới: thế giới thực và thế giới ảo. Điều này làm cho việc hiểu rõ học trò của mình đối với người giảng viên trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bên cạnh việc phải liên tục cập nhật kiến thức, tôi cũng cố gắng làm mới bản thân qua mỗi buổi học. Tôi cảm thấy may mắn vì mình còn trẻ và cũng còn khá “chịu chơi”, do vậy mà tôi cũng thường cập nhật các trend mới và lâu lâu cũng “tung hứng” với học trò của mình”, thầy Lộc bày tỏ.

Xây dựng chi tiết khóa học trực tuyến

Trong tiết học của thạc sĩ Lộc, sinh viên cần phải tự học tại nhà và làm bài tập, làm việc nhóm tại lớp. Hiểu được tâm lý các sinh viên rất “ngán” phải tự học, do đó thầy Lộc đã chuẩn bị rất chi tiết một khóa học trực tuyến hoàn chỉnh trên hệ thống học trực tuyến của trường. Tại đó, sinh viên không chỉ được xem video bài giảng mà lồng ghép trong quá trình đó những bài tập tương tác giúp các em tập trung hơn trong quá trình học tập.

Được biết, thạc sĩ Lộc từng tốt nghiệp thủ khoa ngành kỹ thuật máy tính khóa 2013 - 2018 và tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM; và cũng vừa được giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương 2022.

Còn giảng viên trẻ Nguyễn Minh Đạt, người lấy bằng tiến sĩ năm 27 tuổi và đến nay có gần 30 bài báo khoa học đăng các tạp chí trong nước và quốc tế, thì luôn xây dựng hình ảnh mình là người “anh cả” cởi mở, thân thiện với sinh viên. Ngoài việc hỗ trợ sinh viên về nội dung môn học, thầy Đạt luôn dành thời gian giải đáp thắc mắc của đàn em liên quan về nghiên cứu khoa học, định hướng nghề nghiệp...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.