Thuê nhà trọ để đi chụp ảnh
Ông Đinh Trung Dũng (48 tuổi, ngụ P.Núi Sam, TP.Châu Đốc, An Giang) có hơn 20 năm trong nghề cho biết, từ ngày 12.12 (27 Tết), khi đường hoa xuân Mậu Tuất thuộc Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) khai mạc là lúc ông cùng đồng nghiệp từ các tỉnh về đây chụp ảnh dạo.
tin liên quan
Người dân Huế chụp ảnh với hoa XuânTheo ông Dũng, khoảng 6 giờ sáng ông sẽ bắt đầu công việc, chủ yếu đứng đón và đi xung quanh đường hoa để kiếm khách chụp ảnh cho đến 10 giờ tối mới về nhà trọ. Suốt ngày đi đứng ngoài đường, tối về chân, tay, cột sống tê nhức ông phải mua thuốc uống giảm đau. Với mỗi tấm ảnh khổ 20x25 giá 50.000 đồng và size nhỏ hơn giá 30.000 đồng, ngày nào đắt khách, ông kiếm được từ 1 - 1,5 triệu đồng, nếu ế cũng hơn 500.000 đồng/ngày.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Dũng (39 tuổi, ngụ TP.Châu Đốc) có 22 năm trong nghề, cho biết trong mấy ngày tết, với công việc chụp ảnh dạo, anh kiếm được khoảng 15 triệu đồng. “Bí quyết làm nghề cũng khá đơn giản. Trước tiên phải nắm vững các bước cơ bản về chụp ảnh, cách sử dụng máy, bố cục… Bên cạnh đó phải có cách mời riêng, tùy theo mỗi người sẽ mời theo mỗi cách khác nhau để gây thiện cảm. Thông thường những đứa trẻ thường ít chụp, còn khách chụp đa phần là những người cao tuổi hoặc những gia đình”, anh Dũng chia sẻ.
|
Chữ “tâm”, chữ “tín” làm đầu
|
Anh Lê Minh Nhật (27 tuổi, ngụ Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ), là khách đến tham quan đường hoa và thuê chụp hình cho biết: “Do đi cùng với bạn bè từ quê lên đây chơi, để lưu giữ một tấm hình đẹp nên cả nhóm thuê thợ chụp để có tấm hình ưng ý thay vì chụp bằng điện thoại độ nét không cao, hình lại không đẹp. Chỉ mất vài phút là có tấm hình đem về treo làm kỷ niệm, giá cả lại phải chăng”.
Đang ngồi nghỉ tại gốc cây ven đường sau hơn nhiều giờ chụp hình mệt nhoài, ông Huỳnh Ngọc Hiếu (60 tuổi, ngụ TP.Châu Đốc) với thâm niên trong nghề hơn 40 năm cho biết: “Từ khi máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại thông minh ra đời, hầu như ai cũng có thể tự chụp ảnh cho mình và gia đình. Vì vậy, những người chụp ảnh dạo mất dần chỗ đứng. Tôi đoán vài năm nữa có thể nghề này sẽ “chết” do nhu cầu thuê chụp không còn nhiều”.
|
|
|
Vì lòng yêu nghề, vì mưu sinh mà những người thợ chụp ảnh dạo vẫn không quản nắng mưa hay tuổi tác, ngày ngày vẫn tiếp tục công việc mà họ đã gắn bó suốt chục năm trời. “Nghề này tuy cực mà vui. Giúp người ta lưu giữ lại kỷ niệm đẹp qua những tấm ảnh là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi trong nghề. Làm nghề này phải lấy chữ “tâm”, chữ “tín” làm đầu. Lúc trả ảnh mà khách không hài lòng thì phải hoàn tiền”, ông Hiếu bộc bạch.
Bình luận (0)