“Người thợ trẻ giỏi” là giải thưởng cao quý nhất của T.Ư Đoàn dành cho thanh niên công nhân có tay nghề cao, có thành tích lao động xuất sắc và có các sáng kiến sáng tạo được áp dụng trong lao động sản xuất.
Thanh Niên xin giới thiệu một số điển hình trong 60 gương thanh niên được tuyên dương khen thưởng lần này.
Sáng chế máy vặt quả vải
Ý tưởng sáng chế máy vặt quả vải của Lê Doãn Lệ, công nhân nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu, thuộc Công ty cổ phần Nafood Group (Nghệ An), là kỳ tích ở doanh nghiệp này.
Anh Lệ kể năm 2012 công ty anh nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu vải thiều đi nước ngoài. Khổ nỗi khi mua vải từ các nhà vườn thì vải được bó thành chùm, công nhân phải vặt từng quả để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ở thời điểm ấy, công suất vặt vải thủ công trong một giờ với lượng nguyên liệu khoảng 3 tấn thì công ty phải huy động từ 120 - 150 công nhân làm việc liên tục, khiến chi phí nhân công đội lên quá lớn.
“Mùa thu hoạch vải diễn ra rất ngắn, khoảng 40 - 45 ngày, nếu cứ vặt vải bằng tay thì lỡ rất nhiều đơn hàng xuất khẩu. Công ty đặt hàng đối tác nước ngoài họ cũng bó tay vì không thể tìm ra loại máy vặt vải. Thế là tôi cùng anh trong công ty mày mò nghiên cứu chế tạo máy vặt vải”, anh Lệ kể.
Chiếc máy vặt quả vải của anh Lệ và đồng nghiệp có chiều dài khoảng 3 m và rộng 3 m, có nhiều lớp răng lược. Khi đưa vải chùm vào, máy vận thành theo chu trình khép kín, hệ thống răng lược giữ lại cành và tự động cắt bỏ để cho ra quả vải rời. Máy có công suất lên tới 3 tấn/giờ.
Chiếc máy góp phần tiết kiệm và làm lợi cho doanh nghiệp của anh gần 700 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm chiếc máy này vẫn giúp đơn vị tiết kiệm nhiều chi phí nhân công lao động, đẩy nhanh tiến độ cung cấp các đơn hàng để đưa nhiều loại quả VN ra thị trường thế giới.
Lê Doãn Lệ còn là tác giả của nhiều sáng kiến cải tiến quy trình chế biến gấc. Theo anh, nếu làm theo dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thì hàm lượng thịt thu được từ quả gấc chưa đạt mức tối đa, gây lãng phí nguồn nguyên liệu. Anh Lệ mày mò nghiên cứu chế tạo thành công máy cắt quả gấc cũng như áp dụng giải pháp cải tiến máy chà tách dịch từ quả đạt hiệu suất tối đa và thanh trùng sản phẩm chế biến gấc. Các sản phẩm, giải pháp kỹ thuật trong chế biến quả gấc do anh Lệ sáng chế góp phần làm lợi cho công ty trên 1,6 tỉ đồng.
|
Đã lựa chọn, phải làm việc hết mình
Thái Khiết Vỹ, Trưởng ca quản lý sản xuất xưởng chiết - đóng gói của Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi, cho biết: “Mình chỉ luôn cố gắng làm tốt công việc, để làm sao năng suất luôn ở mức cao nhất, chứ không có mục đích làm để được khen thưởng”.
Vỹ là tác giả sáng kiến “Kiểm soát két lỗi trước khi vào máy hút chai”. Khi đưa vào áp dụng, sáng chế này đã góp phần giảm thiểu hư hỏng thiết bị do sự cố két rỗng, góp phần tăng hiệu suất hoạt động của máy hút rỗng với tổng giá trị làm lợi theo đánh giá là “không tính được”.
Vỹ cũng là đồng tác giả sáng kiến “Sử dụng tuần hoàn nước của bơm chân không máy chiết” góp phần giảm thiểu năng lượng sử dụng, giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu suất bơm hút chân không máy chiết với giá trị làm lợi gần 700 triệu đồng.
Và rồi, Vỹ tiếp tục là đồng tác giả sáng kiến “Cải tiến công tác in thùng carton - bia xuất khẩu”. Sáng kiến góp phần tiết kiệm nhân công, nâng cao hiệu suất - chất lượng - ngoại quan sản phẩm xuất khẩu cho nhà máy.
Vỹ cũng thực hiện sáng kiến “Thay thế và calib encoder động cơ servo SEW”, góp phần nâng cao chất lượng bảo trì, đảm bảo vật tư dự phòng luôn ổn định và sẵn sàng nhằm giảm thiểu tối đa thời gian ngưng máy trong quá trình sản xuất. Tổng giá trị làm lợi là 600 triệu đồng.
Mới đây, sáng kiến “Giải pháp kiểm soát tự động quy trình kiểm tra các chức năng - máy soi chai” mà Vỹ tham gia thực hiện góp phần nâng cao tầm soát lỗi cho hệ thống với giá trị làm lợi cũng được đánh giá là rất lớn.
Vỹ chia sẻ: “Khi đã lựa chọn một công việc để theo đuổi, thì phải làm bằng tất cả nhiệt huyết, đam mê. Mình không nghĩ đến những gì quá cao siêu, cũng không làm việc để được khen thưởng mà luôn nghĩ khi cấp trên giao cho mình việc gì, mình phải cố gắng hết sức để hoàn thành nó. Đơn giản vậy thôi”.
|
Luôn học hỏi để đổi mới
Nguyễn Lê Khôi hiện đang là kỹ sư của Công ty cổ phần thiết bị điện Đồng Nai. Chàng trai này từng được nhận giấy khen “Đã có mô hình, sản phẩm sáng tạo có khả năng ứng dụng vào thực tiễn” do Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Đồng Nai cấp, bằng khen “Đã có công trình, đề tài, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ VIII” của T.Ư Đoàn.
Khôi cũng có hàng loạt sáng kiến, sáng tạo đã được công nhận, như cải tiến máy biến áp 3 pha công suất 250, 400, 560 kVA tiêu chuẩn Điện lực miền Nam vào năm 2016. Sản phẩm này đã được ứng dụng thực tế với giá trị làm lợi tính đến thời điểm hiện tại là hơn 1 tỉ đồng.
Cũng năm 2016, Khôi tiếp tục đưa ra sáng kiến cải tiến máy biến áp 1 pha công suất 50, 75 kVA - tiêu chuẩn Điện lực miền Nam - 2608 và máy biến áp 1 pha công suất 100 kVA tiêu chuẩn Điện lực thành phố - 797, tiết kiệm vật tư, được ứng dụng thực tế cho Điện lực miền Nam và Điện lực thành phố với giá trị làm lợi gần 1 tỉ đồng.
Bình luận (0)