“Có những buổi tuyên truyền bảo hiểm y tế được tổ chức ngay trên cánh đồng vừa mới gặt, người dân lật gốc rạ, ngồi giữa đồng nghe tư vấn chính sách”, ông Đinh Trọng Thắng, một trong những người đầu tiên bán BHYT của VN kể lại.
Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh (giữa) thăm BHYT Hải Phòng ngày 9.11.1990 - Ảnh: Tư liệu do ông Bùi Thành Chi cung cấp |
Trung tâm bảo hiểm sức khỏe Hải Phòng được thành lập ngày 27.9.1989 với 9 cán bộ, là đơn vị đầu tiên của cả nước làm nhiệm vụ nghiên cứu thí điểm bảo hiểm y tế (BHYT) do ông Bùi Thành Chi (sau này là Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và hiện đã nghỉ hưu) làm giám đốc. “Điểm đến” đầu tiên cho thí điểm này là H.Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Ông Đinh Trọng Thắng, nguyên Phó giám đốc BHYT Hải Phòng, nguyên Chánh văn phòng BHYT VN kể lại, tại H.Thủy Nguyên, có những xã cách trung tâm huyện 30 - 40 km. Các cán bộ ròng rã trên những xe đạp, đi đến các xã để tuyên truyền. Nông dân mình nghèo nhưng tấm lòng rộng mở, chính sách tốt của nhà nước thì hết lòng ủng hộ. Người đi tuyên truyền mồ hôi lấm tấm trên mặt, không micro, không loa, không cả tài liệu cầm tay, nhưng cán bộ vẫn say sưa thuyết trình.
Những cán bộ bán BHYT đầu tiên của VN vẫn nhớ như in những cuộc họp nông dân như thế được triển khai tại tất cả các xã, trên cánh đồng, tại sân kho, thậm chí là trên những chiếc thuyền thúng đi câu biển của ngư dân. “Chúng tôi bán BHYT thường chọn “giờ vàng” là sau buổi gặt hay sau giờ cơm tối để vận động. Không kể thời gian và địa điểm, cứ tập hợp được đông nông dân là chúng tôi đến để tuyên truyền”, ông Thắng kể.
Niềm tự hào
“Công việc bán BHYT giống như một chuỗi vô tận kéo chúng tôi đi, buổi sáng ra khỏi nhà có khi trời còn mờ tối, buổi tối về nhà thường khi các con đã ngủ, những bữa cơm đầm ấm với gia đình thật hiếm hoi”, ông Thắng nhớ lại.
Còn với ông Bùi Thành Chi: “Suốt 3 tháng chuẩn bị cho thí điểm BHYT là một thử thách lớn lao của cuộc đời. Đó là một núi công việc mà tôi phải vượt qua, làm việc một ngày không dưới 12 tiếng, cứ 3 giờ sáng là thức dậy biên tập tài liệu chuẩn bị các nội dung làm việc giải trình với các cấp, các ngành. Đã sau 26 năm, những thói quen đó vẫn lặp lại trong các giấc ngủ hằng đêm mặc dù bây giờ không còn việc gì phải suy nghĩ nhiều như thế. Thói quen của 3 tháng chuẩn bị BHYT đã đi suốt cuộc đời tôi”. Cũng may, khi bắt tay vào công việc mới này, ông Chi đã có kinh nghiệm từng 12 năm làm Chánh văn phòng Sở Y tế Hải Phòng (năm 27 tuổi) giúp ông có đủ số liệu, dữ liệu để viết đề án thí điểm BHYT. Ông là tác giả đề án thí điểm BHYT tại VN, với sự chỉ đạo trực tiếp của cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Song.
Còn dược sĩ Trần Thị Dung, người 26 năm trước giữ vị trí Trưởng phòng Khai thác của Trung tâm bảo hiểm sức khỏe Hải Phòng, khi đó 34 tuổi, là phụ nữ tiên phong làm BHYT tâm sự: “Buổi đầu đi xuống Thủy Nguyên từ tờ mờ sáng, theo trưởng thôn đi hết nhà này đến nhà khác. Đến quá trưa, đoàn tìm quán ăn mà không có. Lúc này mới biết người dân chỉ ăn hai bữa cơm sáng và chiều, không phải như người dân thành phố ăn ngày ba bữa. Hôm đó, ai cũng đói lả khi chiều về bởi đã qua một ngày nhịn đói đi tuyên truyền. Rồi lúc mưa to gió lớn cũng vẫn lên đường xuống thôn xóm. Khó khăn đến vậy nhưng khi đó anh em đều đồng lòng, lạc quan tin tưởng BHYT sẽ thành công”. Tháng đầu tiên đội nắng, tắm mưa, đoàn phát hành được 15% dân số trong xã Đông Sơn mua thẻ BHYT. Người đầu tiên nhận tấm thẻ BHYT của H.Thủy Nguyên và cũng là của VN là ông Đào Xuân Thạo, khi đó là Chủ tịch UBND huyện.
“Chặng đường 26 năm từ khi triển khai làm BHYT tại H.Thủy Nguyên cho đến nay, chúng tôi vô cùng tự hào đã là những người đầu tiên, những đơn vị đầu tiên trong cả nước nghiên cứu thực hiện thí điểm BHYT với tinh thần nhiệt huyết, ý thức trách nhiệm cao, không ngại khó khăn gian khổ đi tiên phong thực hiện một chính sách xã hội mới chưa từng có ở VN. Đến nay cả nước đã có khoảng 70% dân số tham gia BHYT, giúp giảm gánh nặng viện phí cho người bệnh và thay đổi căn bản chính sách tài chính y tế ở VN”, ông Bùi Thành Chi bày tỏ.
Bình luận (0)