Những người trẻ F0 chiến thắng Covid-19: 'Để không lọt xuống hố sâu chán chường'

15/08/2021 08:18 GMT+7

N.Q.P.G (23 tuổi, trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể gia đình cô có tất cả 7 người đều là F0 gồm: cô, ông bà ngoại, ba, mẹ, dì, em gái 10 tuổi, mỗi người được đưa đi điều trị ở một bệnh viện khác nhau.

 Riêng N.Q.P.G có 30 ngày “chiến đấu” với Covid-19: 14 ngày đầu ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, khi triệu chứng giảm dần, cô được đưa sang Bệnh viện dã chiến số 4 tới khi khỏi bệnh.
Theo N.Q.P.G, những ngày đầu mệt mỏi, có hơi sốt, đau họng và ho rất nhiều, ho đến mệt lả; những ngày sau thì mất khứu giác, vị giác. “Tôi chẳng thể nào quên, ngày mình bị loét vòm họng không ăn được cơm mà chưa đăng ký cháo, cô y tá đã đi sang từng phòng khác tìm hỏi xin cho tôi gói cháo ăn liền và dặn dò dù khó nuốt cách mấy cũng nhớ ráng ăn vào nha”, N.Q.P.G kể.
N.Q.P.G cho biết để mình không lọt xuống hố sâu chán chường, mỗi sáng thức dậy cô đều tự động viên mình. Ngày thứ 9, P.G dần khỏe hơn và bỗng thấy thèm ăn rất nhiều. “Ba mẹ tôi và em gái, 3 F0 đều khỏi bệnh và xuất viện từ 2 tuần trước, tôi và dì mới được xuất viện trở về. Dì tôi có một khối u trong bụng nhưng cũng đã chiến thắng Covid-19. Như vậy, gia đình tôi có 7 F0 thì 5 thành viên đã khỏi bệnh. Riêng ông bà ngoại tôi lớn tuổi, mắc nhiều bệnh nền, đã mất”, N.Q.P.G kể lại. Cô cũng không quên gửi lời tri ân tới những y bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng tình nguyện viên trong suốt những ngày tháng chống dịch vừa qua.
Còn câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Ngân (32 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) với cả 6 F0 trong gia đình đều khỏi bệnh và chiến thắng Covid-19 là động lực rất lớn cho những ai chẳng may nhiễm bệnh. Ngày 4.7, ba của chị Ngân bắt đầu sốt, ho, chảy nước mũi kèm ăn uống kém và sốt khó hạ kéo dài. Ngày 6.7, ba của Ngân đến bệnh viện test thì nhận kết quả dương tính và cả chồng của chị cũng vậy, được đưa đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi để cách ly điều trị.
“Rồi chuyện gì đến cũng đến, mẹ chồng mình sốt, ho, mất ngủ rồi bỏ ăn nằm rên rỉ. Một tuần lễ ở nhà vật vã với 3 bà cháu, bà nội nhốt mình trong phòng, sốt thì uống thuốc sốt, ho thì thuốc ho...”, chị Ngân kể. Bản thân chị thì bị đau họng và ho, ăn uống kém ngon chứ không mất vị giác, khứu giác. Bé lớn 7 tuổi hầu như bình thường không có biểu hiện gì nhiều. Riêng bé nhỏ 4 tuổi sốt rất cao (39,5 độ) mà lại khó hạ mặc dù đã uống thuốc và lau mát tích cực. Chị Ngân cũng gọi điện cho bạn làm ở Bệnh viện Nhi đồng 1 và được cho chỉnh liều hạ sốt phù hợp nên hai hôm sau bé giảm sốt và khỏe dần…
“Khi bệnh thì ngoài thuốc, dinh dưỡng cũng rất quan trọng vì cơ thể rất cần trong lúc này để chống chọi lại bệnh tật. Nên mọi người nếu lỡ mắc bệnh thì tuyệt đối đừng bỏ ăn vì sẽ bị hạ đường huyết và mệt thêm. Ăn ít từng chút, ăn nhiều lần, cố gắng uống thêm sữa. Cháo là lựa chọn số 1 khi khó khăn và nuốt khó”, chị Ngân cho biết.

Bác sĩ ơi! Mắc Covid-19 làm sao tăng sức đề kháng | Trò chuyện cùng chuyên gia trong đại dịch

Cũng theo chị Ngân, một điều rất quan trọng là tinh thần; nếu cứ lo sợ, hoảng loạn thì bệnh càng trầm trọng thêm. “Nên vận động nhẹ nhàng phù hợp với sức mình, đừng nằm hoài một chỗ, đừng nghe tin buồn, đừng xem phim buồn, thay vào đó xem phim hài… Đặc biệt người già rất sợ hãi những chuyện người này người kia qua đời nên đừng nhắc hay đề cập. Đây là cách mình vực dậy tinh thần cho cả nhà, nhất là mẹ chồng mình để khỏe và hết bệnh”, chị Ngân nói.
Đến ngày 13.7, chị Ngân, mẹ chồng và 2 đứa con được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 4 ở Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh. “Khi vào đây thì gần như cả nhà mình đã khỏe vì các triệu chứng bắt đầu giảm hẳn và chờ xét nghiệm để về. Vì thế, quá trình mình tự chăm sóc ở nhà là vô cùng quan trọng. Ba chồng và chồng ở khu cách ly Bệnh viện dã chiến Củ Chi cũng dần hồi phục và ngưng thuốc chờ ngày xuất viện. Đến ngày 2.8 thì cả nhà 6 F0 trong gia đình đã khỏi bệnh và được đoàn tụ tại nhà. Thật hạnh phúc!”, chị Ngân kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.