Điều đặc biệt là những thành viên mê cải lương của Câu lạc bộ (CLB) còn rất trẻ, có bạn chỉ mới mười mấy tuổi, có bạn đang là sinh viên, hoặc nếu đã đi làm thì công việc cũng không liên quan gì đến nghệ thuật.
Nghe cải lương mới học bài được
Đó là câu nói tưởng như đùa của Phạm Nguyễn Lan Tường, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng là thành viên của CLB, khiến người viết phải hỏi đi hỏi lại để xác nhận. Nhưng đó lại là điều bình thường đối với những bạn trẻ mê loại hình nghệ thuật này.
Và câu chuyện của các thành viên trong CLB là những minh chứng. Công Bình là giáo viên, đi dạy được vài năm thì nhận ra mỗi ngày của mình trôi qua như thiếu vắng điều gì đó và chưa tìm thấy được niềm vui thật sự. Chợt nhớ lại ngày nhỏ đã từng rất thích thú khi lần được bà ngoại dắt đi xem cải lương, thế là thầy giáo trẻ lên mạng tìm các CLB sinh hoạt cải lương để đi xem.
|
“Lúc đó mình chỉ nghĩ đi xem để tìm niềm vui, do từ nhỏ đã rất thích loại hình này, thích những bộ đồ cổ trang mà các nghệ sĩ cải lương mặc, nhìn rất đẹp. Cũng chưa bao giờ dám nghĩ một ngày sẽ theo nghề này và được đứng trên sân khấu hát. Thế nhưng, như một cơ duyên, càng đi xem lại càng mê. Nhất là khi đã tiếp xúc và nghe nhạc trẻ thường xuyên, giờ tự dưng nghe những giai điệu cải lương thấy rất hay và ý nghĩa”, Công Bình chia sẻ.
Và khi đã đi hát, diễn trên nhiều sân khấu lớn nhỏ khác nhau, Công Bình, với nghệ danh Minh Quân, đã thành lập CLB để giúp những người trẻ cũng có đam mê nhưng không có điều kiện và thời gian theo học các lớp chuyên nghiệp như mình ngày xưa.
Lan Tường cho biết nhờ tham gia CLB mà cô học được cách hát, cách diễn phù hợp với từng nhân vật và còn được thử sức với các dạng vai khác nhau.
Tự viết tuồng để diễn
Cũng xuất phát từ niềm đam mê cải lương, Nguyễn Bình Yến Ngân, cựu sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, còn tự viết được tuồng cho các thành viên trong CLB diễn.
“Mình là người miền Tây nên từ nhỏ đã quen với cải lương, lúc đó mơ ước sau này được lên TP.HCM, đi xem các cô chú diễn là mãn nguyện rồi. Sau khi tốt nghiệp, đi làm, vô tình tham gia CLB cải lương và từ đó mình bắt đầu tập hát. Lúc đầu do mình hát không được nên mới tự viết vì nghĩ đơn giản là mình viết chắc mình hát được. Viết xong tải dạng karaoke lên YouTube và được các bạn đón nhận, rồi mọi người động viên viết dài hơn nên dần dần mình viết các trích đoạn để các bạn trong CLB diễn”, Yến Ngân kể.
Hành trang để Yến Ngân đến với những trích đoạn cải lương không có gì ngoài đam mê: “Mình chưa được học về cải lương nên khó khăn lớn nhất là không hiểu rõ về nhịp của các thể điệu. Lúc mới viết, mình chọn một thể điệu, một đoạn ngắn từ vở cải lương thích nhất, viết lời bài hát của đoạn đó ra giấy, đếm số chữ và xem dấu thanh trong câu văn mẫu và viết theo. Sau này khi quen dần thì mình nghe beat, cảm âm và viết theo cảm nhận. Viết xong mình gửi thầy đờn xem qua có vấn đề gì về nhịp hoặc văn trắc thì mình chỉnh lại cho dễ hát hơn”.
Hiện nay cứ mỗi lần nhớ sân khấu, các thành viên trong CLB lại góp mỗi người một ít tiền và thuê quán cà phê để diễn cho khán giả xem miễn phí.
Và mỗi lần diễn như vậy là Yến Ngân lại viết một kịch bản mới, và nếu trích đoạn đó nhận được phản ứng tích cực từ khán giả, Yến Ngân sẽ phát triển thành trọn tuồng.
Với tụi mình cải lương là niềm vui sống mỗi ngày, được mặc đồ diễn và đứng trên sân khấu, dù sân khấu đó chỉ là sân khấu nghiệp dư do tụi mình tự tổ chức, nhưng đó cũng là niềm vui. Và hơn thế nữa, tụi mình mong muốn sẽ lan tỏa tình yêu cải lương, cũng như những loại hình nghệ thuật xưa cổ, đến với nhiều bạn trẻ hơn nữa
Nguyễn Bình Yến Ngân, thành viên câu lạc bộ
|
“Ngày 6.7 vừa qua, mình đã dùng tiền để dành tổ chức buổi diễn trọn tuồng Lan Lăng Vương nhập trận khúc do mình tự viết, với sự giúp đỡ của các bạn trong CLB và sự hỗ trợ từ những diễn viên trẻ tốt nghiệp trường sân khấu, yêu nghề và muốn thử sức với kịch bản mới. Đa số nghệ sĩ cải lương hiện nay diễn đi diễn lại những tuồng kinh điển, hoặc viết lại kịch bản cũ, bình cũ rượu mới (giữ nguyên cốt truyện, thay đổi bài bản khác, thể điệu khác…). Mình không mong sẽ được nhiều người biết đến, mà chỉ muốn mang một món ăn tinh thần mới lạ làm cho cải lương trở nên phong phú hơn”, Yến Ngân bộc bạch.
Yến Ngân cho biết đối với những trích đoạn ngắn và ít vũ đạo, các bạn trong CLB sẽ tự chỉ nhau. Còn để diễn trọn một tuồng thì phải nhờ đến những diễn viên trẻ tốt nghiệp trường sân khấu điện ảnh về dựng và hỗ trợ vũ đạo cho nhóm. Và tất cả mọi chi phí từ quá trình tập luyện, thuê trang phục, địa điểm… đều do các thành viên trong CLB góp lại.
“Với tụi mình cải lương là niềm vui sống mỗi ngày, được mặc đồ diễn và đứng trên sân khấu, dù sân khấu đó chỉ là sân khấu nghiệp dư do tụi mình tự tổ chức, nhưng đó cũng là niềm vui. Và hơn thế nữa, tụi mình mong muốn sẽ lan tỏa tình yêu cải lương, cũng như những loại hình nghệ thuật xưa cổ, đến với nhiều bạn trẻ hơn nữa”, Yến Ngân gửi gắm.
Bình luận (0)