Những người trẻ nhặt rác xuyên tết

Thúy Hằng
Thúy Hằng
06/02/2019 15:12 GMT+7

Dù ở Hà Nội, TP.HCM hay đã về quê đón một cái tết đầm ấm cùng gia đình, nhiều bạn trẻ vẫn tranh thủ thời gian đểcó thể nhặt rác , làm sạch môi trường ở mỗi vùng đất họ đặt chân qua.

Mong ước nhặt hết rác ở Việt Nam!

22 tháng Chạp, trước ngày lễ ông Công ông Táo một ngày, Bùi Thị Thủy, 28 tuổi cùng nhiều bạn trẻ của doanh nghiệp xã hội khởi nghiệp Green & Book Ambassadors mà cô là một trong những thành viên sáng lập, đã tổ chức một buổi cùng trẻ em huyện Đông Anh, Hà Nội, nhặt rác ở các hồ nước trong vùng, kể chuyện cho các bé nghe sự tích ông Táo, đồng thời nhắn nhủ với người dân địa phương, thả cá chép chứ không thả túi ni lông, đừng xả rác bừa bãi ra môi trường cũng như hướng dẫn người dân phân loại rác.
Thủy trở về quê nhà ở huyện Xuân Trường, Nam Định ăn tết từ ngày 23 tháng Chạp, tuy nhiên cô và nhiều bạn trẻ trong xã Thọ Nghiệp vẫn dành ra ngày 30 tết để vớt rác ở các con sông trong xã và trên mảnh đất trống ở quanh nhà. Thủy không nhớ đã bao nhiêu bao tải rác thải thu gom được, nhưng cô tin chắc rằng, việc cô và những bạn bè của mình nhặt rác hôm nay sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người dân quê mình. Ngày mùng 5 tết sắp đên, cô và mọi người  sẽ lại tiếp tục hành trình nhặt rác này.
Một bạn trẻ nước ngoài cũng gom rác ở Nam Định K.Y
Nhiều người còn vui tết, những bạn trẻ vẫn say mê làm sạch đường quê trước khi đón xuân sang K.Y
“Giống như tim niềm vui ở những chuyến du xuân, chúng tôi thấy nhặt rác cũng rất vui. Năm mới, tôi ấp ủ nhiều giấc mơ. Ước mơ đầu tiên dành cho mọi người đó là niềm vui và sự vững vàng trong cuộc sống. Ước mơ dành cho tôi, đó là dù tôi có là một cô gái yếu đuối tới đâu nhưng không bỏ cuộc, phải đi đến cùng những hoài bão của mình.
Tôi mong ước, năm mới sẽ có thể truyền thêm cảm hứng cho nhiều người hơn về việc nhặt rác và có thể nhặt hết rác ở Việt Nam để Việt Nam không còn nằm top 5 quốc gia ô nhiễm rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất trên thế giới. Tôi luôn mơ về một cuộc sống nơi những trái tim gần hơn với những trái tim, thấu hiểu cảm xúc của chính mình, tìm ra chìa khóa cho những khó khăn, thử thách, nuôi dưỡng ý chí, nghị lực, niềm tin và sự bình yên”, nhà đồng sáng lập Green & Book Ambassadors chia sẻ.

Mong ước lan tỏa những điều tốt đẹp trong năm mới

Ở phía Nam đất nước, Giang Thị Kim Yến,  36 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, đang kinh doanh bất động sản, yêu thích các hoạt động bảo vệ môi trường,  cũng bắt đâu khai xuân bằng việc nhặt rác ngày mùng 1 tết ở huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước quê cô.
Hôm nay, ngày mùng 2 tết, Yến đang cùng nhiều người bạn của mình di chuyển về xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn để tặng bánh tét cho bà con, lì xì cho trẻ em.
“Tôi từng nghe kể ở Lộc An khó khăn, nhưng khi đặt chân tới nơi rồi mới thấy sao mà họ khổ đến thế. Nhà cửa xiêu vẹo, tạm bợ, cơm không có gì ăn chỉ lỏng chỏng ít canh và cơm trắng. Họ nhận bánh tét của chúng tôi mà mừng rỡ vô cùng”, Yến chia sẻ.
Cuộc sống khó khăn của bà con Lộc An, huyện Lộc Ninh, Bình Phước mà Yến đã đi qua K.Y
Yến (trái) và người bạn cùng nhặt rác ngày mùng 1 tết K.Y
Năm mới 2019, Yến ước mong cô có nhiều hơn những cơ hội được giúp đỡ cho những mảnh đời khó khăn ở ngay Bình Phước quê hương cô, đồng thời lan toả cho người Việt Nam thói quen tốt, đó là giữ gìn môi trường thiên nhiên, cùng nhau nhặt rác.
“Một người nhặt được 100 cái túi ni lông một ngày chẳng hạn, nếu một người này có thể truyền cảm hứng cho ít nhất 10 người khác, rồi cứ thế nhân lên, mỗi ngày sẽ có thêm nhiều hơn những người biết bảo vệ môi trường. Khi người ta đã biết nhặt rác, người ta sẽ không còn xả rác bừa bãi nữa, đó là cách để cuộc sống xung quanh chúng ta xanh hơn, ý nghĩa hơn”, Yến bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.