Những người trẻ ở Hồng Kông

12/04/2016 11:30 GMT+7

Nhiều người như cô thấy Hồng Kông không còn của người Hồng Kông, kể từ vài năm trước. “Hồng Kông đang bị kiểm soát. Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra. Chúng tôi muốn kết thúc nó”.

Khi có dịp đến Hồng Kông hồi tháng 1 năm ngoái, tôi đã tìm tới khu vực hành chính Admiralty ở trung tâm đặc khu để gặp những người biểu tình còn bám trụ sau sự kiện Chiếm trung hoàn (Occupy Central) của phong trào Cách mạng dù (Umbrella Revolution). Tôi đã trò chuyện với một cô gái còn rất trẻ trong căn lều trước cửa tòa nhà chính quyền đặc khu giữa sự theo dõi của lực lượng cảnh sát. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi đó đã ám ảnh tôi đến tận bây giờ.
Khu vực lực lượng biểu tình bám trụ trước trụ sở chính quyền Hồng Kông hồi tháng 1.2015
Phong trào đòi phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông đã lắng xuống nhưng những dư âm của cuộc Cách mạng dù vẫn còn đó. Mới đây, hồi tháng 3, nhóm Học dân tư triều (Scholarism, khởi xướng các cuộc biểu tình ở Hồng Kông nhằm phản đối những chính sách mà Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông) do thanh niên 19 tuổi Hoàng Chi Phong làm thủ lĩnh tuyên bố giải tán. Tuy nhiên, đấy không phải là chấm hết cho một phong trào dân chủ mãnh liệt, khiến lãnh đạo đất nước hơn 1 tỉ dân phải đau đầu tìm cách trấn áp. Việc giải tán nhóm là để bắt đầu cho một hành trình dài hơi hơn ở phía trước, khi Hoàng Chi Phong cùng những người khác trong nhóm lập đảng chính trị để mở rộng quy mô, tính chất đấu tranh đòi dân chủ cho Hồng Kông thay vì chiếm đường phố. Hoàng Chi Phong sẽ cùng đảng của mình ứng cử vào Hội đồng lập pháp Hồng Kông vào tháng 9 năm nay đồng thời đặt mục tiêu trong vòng 10 năm tới tự tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định tương lai Hồng Kông sau năm 2047. Năm 2047 là thời điểm tròn 50 năm Hồng Kông về với Trung Quốc và kết thúc “một quốc gia, hai chế độ”.
Không phải người Hồng Kông nào cũng quan tâm một cách sâu sắc tới thời cuộc, vì khi tôi hỏi đường tới bức tường Lennon Wall nhiều người không biết. Thậm chí, nhiều người ngại nói lên suy nghĩ của mình về phong trào biểu tình. Lennon Wall nằm ở ngay cạnh tòa nhà của lãnh đạo chính quyền Hồng Kông, từng là biểu tượng của Cách mạnh dù, khi bức tường có cầu thang bộ kết nối với tòa nhà chính quyền Hồng Kông trở thành nơi để những người biểu tình và ủng hộ biểu tình dán các mảnh giấy nhỏ đầy màu sắc bày tỏ thái độ của mình. Bức tường dày đặt các mảnh giấy được lan truyền khắp nơi trên thế giới, cùng với cây dù vàng, như là sức mạnh của phong trào. Lennon Wall là một cầu thang bộ từ Harcourt đi lên cầu vượt để có thể đến các tòa nhà xung quanh, rồi từ đó có thể đi thang máy chừng hai tầng lầu để xuống sân trước tòa nhà chính quyền, nơi thời điểm đó vẫn còn nhiều người biểu tình bám trụ.
Lennon Wall ở Hồng Kông là phiên bản của Lennon Wall tại Prague (Cộng hòa Czech). Lennon Wall được lấy cảm hứng từ ca sĩ nhóm Beatles John Lennon, khi cuối những năm 80 của thế kỷ trước, giới sinh viên Tiệp Khắc đã thuộc lời nhiều bài hát của John Lennon và vẽ hình ông lên bức tường để phản đối chính quyền.
Khi tôi đến nơi, Lennon Wall đã không còn bất kỳ mảnh giấy nào dán trên tường. Bức tường trở lại nguyên trạng. Nhưng cảnh sát thì vẫn đi lại từng nhóm từng nhóm ở đây. Ngày 31.12, báo chí Hồng Kông đưa tin một cô bé 14 tuổi đã dùng phấn trắng vẽ hai đóa hoa và một chiếc dù ở chính giữa lên bức tường và ngay lập tức bị cảnh sát bắt giữ trong 17 giờ. Cô bé buộc phải đến nhà dành cho trẻ em không có ba mẹ để được giáo dục trước khi đưa trở về nhà với ba mẹ. Câu chuyện khiến nhiều người bị sốc.
Rồi báo chí Hồng Kông đưa tin, sau khi tại ngoại, cô bé phát biểu rằng: Đừng từ bỏ phong trào mà chúng ta đã làm suốt ba tháng qua.
Những người trẻ ở Hồng Kông chính là những người nắm vai trò chủ chốt của Cách mạng dù. Như Hoàng Chi Phong và cô bé 14 tuổi bị bắt chỉ vì vẽ những bông hoa ủng hộ lực lượng biểu tình. Như cô gái tôi gặp bên trong căn lều ở trước cửa tòa nhà chính quyền ở khu Admiralty.
Xoay người về phía ống kính, cô gái đang phơi chiếc khăn ngoài căn lều gần cầu thang máy đề nghị tôi không chụp mặt cô, vì cảnh sát có thể dễ dàng bắt giữ cô. Trong căn lều lớn có 4 lều nhỏ của nhóm bạn cô gái. Tất cả đều đang ngủ. “Tôi đã ở đây hơn một tháng rồi”, cô nói rồi mời tôi vào lều để trò chuyện. “Chúng tôi ở đây để đòi được quyền lựa chọn, đấu tranh cho dân chủ và công bằng. Dù nhiều người đã rời đi và không còn tiếp tục chiến đấu, nhưng chúng tôi vẫn ở đây với nhiệm vụ của mình”, cô một lần nữa đề nghị không nêu tên.
Cô gái này còn rất trẻ, chừng 24 tuổi, như rất nhiều những người trẻ còn bám trụ ở khu vực này. Cô đang làm việc cho một công ty ở Hồng Kông, sau giờ làm việc hoặc cuối tuần lại về với căn lều của mình, thay vì về nhà với ba mẹ ở Sha Tin (khu Tân Giới). Nhiều bạn trẻ làm việc ở khu vực xung quanh đến ở trong lều vào giờ nghỉ trưa hoặc bất cứ lúc nào rảnh rỗi.
“Chúng tôi không nghĩ rằng mình sẽ chiến thắng trong thời gian ngắn. Có thể là một, hai năm hoặc nhiều hơn nữa. Nhiều lúc chúng tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, khi không còn có một cuộc sống bình thường mỗi ngày như những người khác. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác”, cô gái nói.
Nhiều người như cô thấy Hồng Kông không còn của người Hồng Kông, kể từ vài năm trước. “Hồng Kông đang bị kiểm soát. Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra. Chúng tôi muốn kết thúc nó”, cô chia sẻ. Ba mẹ cô gái ủng hộ cuộc sống của cô hiện thời, như là quyền được lựa chọn của những người trẻ tuổi.
“Chúng tôi không nghĩ rằng mình sẽ chiến thắng trong thời gian ngắn. Có thể là một, hai năm hoặc nhiều hơn nữa. Nhiều lúc chúng tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, khi không còn có một cuộc sống bình thường mỗi ngày như những người khác. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác”, cô gái nói.
Vì lý do công việc và cả du lịch, tôi đã đến Hồng Kông 5 lần. Nơi đây gắn với tôi nhiều kỷ niệm, đặc biệt là lần đầu tiên và lần cuối cùng hồi tháng 1 năm ngoái – sau cao trào biểu tình trong cuộc Cách mạng dù. Tôi rành rẽ từng ngõ ngách ở trung tâm Hồng Kông và một số nơi ở biên giới với Trung Quốc – như Sha Tin (khu Tân Giới) hoặc Lohu (cửa khẩu nối Hồng Kông và Thâm Quyến). Sự thay đổi của Hồng Kông, vì thế, tôi cảm nhận được tương đối rõ rệt trong mỗi lần đến. Vào khoảng năm 2009 - 2010, Hồng Kông vẫn là thành phố lịch thiệp mang phong cách châu Âu, thì gần đây, nó trở nên xô bồ, kiểu của một đô thị đặc trưng Trung Quốc.
Du khách đến từ Đại lục chiếm tới 80% trong tổng số 40 triệu du khách tới Hồng Kông mỗi năm. Trong các khu vui chơi, mua sắm, nhiều người nói to, kêu gọi í ới, và đặc biệt là chen lấn, xô đẩy khiến Hồng Kông không còn là một điểm đến lịch sự. Ở khu mua sắm Tung Chung gần Sân bay quốc tế Hồng Kông, người Trung Quốc oach tạc các cửa hàng, kêu la to tiếng. Trên các chuyến tàu điện ngầm, người Trung Quốc chen lấn để vào trước và ngồi trên những chiếc ghế ưu tiên cho những đối tượng đặc biệt.
Bởi thế, sau lần thứ 5 đến Hồng Kông hồi năm ngoái, tôi đã không còn nghĩ rằng mình sẽ quay lại Hồng Kông, dù vẫn rất nhớ cảm giác co ro trong cái lạnh cuối năm, ngắm pháo hoa từ quảng trường hoa Dương Tử Kinh (Golden Bauhinia) rực rỡ ở bên kia vịnh. Quảng trường hoa Dương Tử Kinh chính là nơi diễn ra cuộc trao trả Hồng Kông về cho Trung Quốc năm 1997.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.