Thêm một người nhặt rác, bớt đi một người xả rác
Thành lập từ năm 2019, đến nay số lượng thành viên của nhóm đã lên đến hàng ngàn người. Dự án thu hút đông đảo người tham gia, nhưng chủ chốt vẫn là những tình nguyện viên, bộ đội.
Đã có sinh hoạt là có rác thải. Nếu bắt tay vào làm sạch môi trường, khó có thể biết nên bắt đầu từ đâu. Anh Huỳnh Văn Thương, đại diện nhóm kể lại: "Đầu năm 2019, mình đến Sa Cần (xã Bình Thạnh, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), thấy một bãi biển đẹp, xung quanh là một vùng sông nước hữu tình bị bức tử, tôi nghĩ phải làm một dự án cộng đồng để mong một sự thay đổi nào đó, dù nhỏ nhất". Và đó cũng là xuất phát điểm của nhóm, mang tên "Tử tế với Sa Cần". Về sau, nhóm đã tổ chức thêm các hoạt động "Tử tế với sông Trà Bồng", "Tử tế với Sa Kỳ", "Tử tế với Mỹ Khê"… và lấy tên chung cho nhóm là "Tử tế với môi trường Quảng Ngãi".
Những bãi cát bất đắc dĩ trở thành bãi rác. Sau khi đội quân "Tử tế" mở những chiến dịch càn quét rác, đã được trả lại cảnh quan và không khí vốn có. Con sông Trà Bồng lại "khoác" lên mình chiếc áo xanh mượt mà. Hàng tấn rác thải nhựa đã được đi xử lý, góp phần bảo vệ mỹ quan và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Với phương châm "Thêm một người nhặt rác, bớt đi một người xả rác", nhóm "Tử tế" đã vận động được người dân cùng tham gia dọn dẹp. Đồng thời cũng vận động, tuyên truyền cho người dân phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định. Và tặng thùng rác để người dân có nơi chứa rác thải, thành lập tổ thu gom rác thải để gom từ trong ngóc ngách mang về bãi tập trung…
Vì môi trường
Từ khi bắt đầu đến nay, môi trường ở một số địa phương tại tỉnh Quảng Ngãi được cải thiện rõ rệt. Điều ấy được người dân ủng hộ. Nên mỗi khi thanh niên ra quân dọn dẹp, là bất kể già trẻ, gái trai… đều hoan nghênh và cùng tham gia bảo vệ môi trường.
Các thành viên trong nhóm đều có "tiền sự" tham gia hoạt động đoàn thể tích cực. Nhờ đó mà mọi lần ra quân đều rất thành công, ai nấy đều phấn khởi.
Chị Võ Thị Mai Nhật (33 tuổi), thành viên của đội quân "Tử tế với môi trường" chia sẻ: "Đây là một hoạt động rất thú vị và có ích đối với cộng đồng cũng như môi trường. Tôi thích ngắm những con đường gọn gàng, sạch sẽ, có hoa lá và cây xanh. Nên khi thấy có hoạt động về môi trường, tôi ủng hộ hai tay hai chân. Chiến dịch "Tử tế với Mỹ Khê" đánh dấu lần đầu tôi tham gia cùng nhóm, vì đây là bãi biển tôi yêu thích. Cái gì mình yêu thì sẽ muốn làm cho nó đẹp lên. Dần dần, tôi tích cực tham gia cùng với nhóm, không phải vì thích mà là vì môi trường. Trong tương lai, nếu có thể sắp xếp được công việc, tôi sẽ thường xuyên tham gia hoạt động "Tử tế với môi trường".
Song song với những việc làm đó, đội quân "Tử tế với môi trường" cũng đã xác định được rằng, "cực chẳng đã" người dân mới phải trở thành những người vô ý thức. Nguyên nhân là do vấn đề quản trị xã hội. Do không thành lập được đội thu gom rác, không có các thùng rác công cộng, không có nơi xử lý rác thải, không ai hướng dẫn cho người dân phân loại rác… Nên tình trạng ô nhiễm môi trường đã xảy ra. Chứ thực chất, khi được vận động tham gia bảo vệ môi trường, người dân hưởng ứng rất nhiệt tình, thực hiện rất tốt.
Với những hoạt động đó, nguồn năng lượng tích cực của nhóm đã truyền từ Sa Cần đến các xã Tịnh Khê, Tịnh Kỳ… và cả huyện đảo Lý Sơn cùng thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ vào những đóng góp của thanh niên "Tử tế với môi trường" mà tình trạng ô nhiễm đã giảm đáng kể. Ngoài ra, tại các địa điểm ra quân, nhóm còn tổ chức trồng cây, đáp ứng được ba tiêu chí bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp.
Mới đây, vào cuối tháng 2 vừa qua, cùng với Đoàn thanh niên huyện Bình Sơn, nhóm "Tử tế với môi trường" đã tổ chức chiến dịch "Tử tế với sông Trà Bồng" với sự tham gia của khoảng 300 đoàn viên, thanh niên.
Bình luận (0)