Những người tự do tiếp cận tổng thống Mỹ

17/07/2016 06:00 GMT+7

Các nhiếp ảnh gia chính thức của Nhà Trắng thường được so sánh như những chứng nhân của lịch sử Mỹ.

Một trong những di sản mà Tổng thống Barack Obama để lại sau khi rời Nhà trắng là kho ảnh vô cùng lớn và sinh động về công việc và cuộc sống của người đàn ông quyền lực nhất thế giới. Đó là nhờ công tác tư liệu của nhiếp ảnh gia chính thức của Nhà Trắng - Pete Souza. Souza cùng với những người tiền nhiệm thường được so sánh là chứng nhân của lịch sử Mỹ. Và công đầu phải dành cho cố Tổng thống John F. Kennedy.
John F. Kennedy là tổng thống Mỹ đầu tiên tuyển Cecil William Stoughton làm nhiếp ảnh gia toàn thời gian cho ông. Trước đó, hầu hết các tấm ảnh chính thức về tổng thống Mỹ là do các nhiếp ảnh gia quân đội chụp.
“JFK hiểu sức mạnh của ảnh tĩnh hơn bất kỳ ai. Lincoln từng có lần nói với Mathew Brady (nhiếp ảnh gia đầu tiên của Mỹ, người nổi tiếng với những tấm ảnh về cuộc nội chiến - PV) rằng các tấm ảnh của ông và bài phát biểu tại Tổ chức Cooper Union đã đưa ông lên làm tổng thống, nhưng Kennedy mới là người đầu tiên thực sự hiểu được công việc này”, nhà nhiếp ảnh David Hume Kennerly cho biết.
50 năm với các tổng thống 
Kennerly, người được trao tặng giải thưởng danh giá Pulitzer năm 1972 cho bộ ảnh về chiến tranh Việt Nam, luôn tự hào về quãng thời gian không dài nhưng cực kỳ tốt đẹp giữa ông với cố tổng thống Gerald Ford.
Kennerly kể lại: “Khi Ford hỏi ý tôi về công việc của một nhiếp ảnh gia Nhà Trắng chính thức, tôi nhớ lại chuyện xảy ra với người tiền nhiệm Atkins. Tôi nói rằng tôi muốn làm việc trực tiếp cho ông ấy và có quyền được tiếp cận ông ấy tối đa. Ông ấy nhìn thẳng vào tôi và nói: “Thế anh có muốn bay Air Force One vào cuối tuần không?”.
Sở dĩ nhà báo ảnh 69 tuổi này “nghĩ đến Atkins” khi nhận được cơ hội từ tổng thống Ford năm ông chỉ mới 27 tuổi là bởi trước đó tổng thống Richard Nixon không phải là người thân thiện với giới truyền thông và ngay cả với nhiếp ảnh gia riêng của ông là Ollie Atkins. Vào đêm tổng thống Nixon từ chức năm 1974, ông ấy đã không cho Atkins chụp ảnh. “Vậy mới hiểu tại sao tấm ảnh được hỏi nhiều nhất về tổng thống Nixon là tấm ảnh chụp ông ấy với danh ca Elvis Presley”, Kennerly nói.
Khác hoàn toàn với thời Atkins, Kennerly đã giúp Ford, người đầu tiên và duy nhất của Mỹ ngồi ghế phó tổng thống và tổng thống mà không thông qua bầu cử, có được kho lưu trữ hình ảnh sâu đậm nhất (tính theo quãng thời gian ông làm chủ Nhà trắng - chỉ 2 năm rưỡi từ 1974 - 1977). Kennerly có mặt ở mọi cuộc hội họp, mọi chuyến đi và mọi sự kiện của tổng thống Ford, ghi lại gần như mỗi phút của ông Ford trong văn phòng.
Nói về sự tự do của mình ở Nhà trắng, Kennerly kể lại: “Đệ nhất phu nhân điều hành cánh Đông và khu nhà ở. Có một khu vực giống như DMZ - khu phi quân sự giữa cánh Đông và cánh Tây. Tôi có thể đi lên lầu, xuống lầu. Và điều này là duy nhất”. Thế nên NBC News đã kết luận “nhiệm kỳ của Ford ngắn nhưng di sản hình ảnh của ông lại vô cùng to lớn”.
Để có được điều này, Kennerly ghi nhận vị trí mà tổng thống Ford dành cho ông: “Ford muốn tạo sự khác biệt giữa ông ấy với Nixon. Ông ấy muốn cởi mở hơn nhiều và điều đó đã giúp tôi. Ông ấy còn là người ít kiêu ngạo nhất mà tôi từng gặp trong đời. Điều này khá khác thường đối với một chính trị gia”. Và họ rời Nhà Trắng vào cùng một ngày, sau đó Kennerly tiếp tục sự nghiệp chụp ảnh các tổng thống Mỹ, để cho đến nay con đường ấy đã đi được 50 năm.
Những người tự do tiếp cận tổng thống Mỹ 2
David Valdez Ảnh: Boston Magazin
10 năm gắn bó với Bush cha
David Valdez, năm nay 67 tuổi, cũng tự nhận ông là người may mắn khi được làm việc với cựu tổng thống George H.W.Bush suốt 10 năm (1983 - 1993) từ lúc Bush cha là phó tổng thống dưới thời Ronald Reagan trong 2 nhiệm kỳ, đến thời ông lên nắm ghế tổng thống. May mắn thứ nhất là khi Valdez viết thư cho thư ký báo chí của Bush cha để xin chụp ảnh lễ khai trương văn phòng của phó tổng thống và được chính ông Bush trực tiếp phỏng vấn.
“Ông ấy chỉ vào những tấm ảnh trên bàn làm việc và nói về tầm quan trọng của một quan hệ tốt đẹp… Và rằng cần có lòng tin, lòng chung thủy giữa chúng tôi”, Valdez kể lại.
Từ một nhiếp ảnh gia riêng của ông Bush, khi Bush trở thành tổng thống, Valdez đã được “thăng chức” lên làm nhiếp ảnh gia chính thức với chức danh Giám đốc Văn phòng ảnh của Nhà trắng. “Tiêu tốn” 65.000 cuốn phim dành cho người đứng đầu nước Mỹ, ông Valdez cho biết sở dĩ có được kho ảnh “khủng” như thế là bởi “niềm tin là điều to lớn nhất. Cũng như khả năng vô hình. Bạn lúc nào cũng ở đó nhưng không bị nhận ra trong khi đang ghi lại những khoảnh khắc ấy”.
“Tôi cho rằng mình làm công việc ghi lại tư liệu lịch sử. Tôi có mặt ở đó suốt thời gian khó khăn, chẳng hạn như khi ông Bush gọi điện cho Bill Clinton chúc mừng chiến thắng của ông ấy cũng như suốt thời gian hạnh phúc - như khi các đứa cháu của ông ấy chào đời”, Valdez kể lại.
Cái ngày họ chia tay nhau luôn là một kỷ niệm không bao giờ quên với Valdez. Trưa 20.1.1993, tổng thống Bill Clinton chính thức thế chỗ Bush cha. “Vậy là tôi thất nghiệp. Tôi cũng chụp vài tấm ảnh tổng thống Clinton tuyên thệ rồi bay về Houston với gia đình ông Bush. Tôi quay lại Nhà trắng đêm hôm đó để trả lại máy ảnh, phù hiệu, thẻ mật vụ. Gia đình Clinton lúc ấy đi tham dự tiệc nhậm chức. Khi xong việc ở cánh Tây, tôi tắt hết đèn và đi tiếp”.
Chuyên gia PR
So với những người tiền nhiệm, nhiếp ảnh gia chính thức hiện tại của Nhà trắng - Pete Souza có nhiều điều kiện hơn để làm tốt công việc của ông. Souza mỗi tháng chụp khoảng 20.000 tấm ảnh về tổng thống Barack Obama và gần một nửa số ảnh đó được đưa lên trang Flickr của Nhà trắng. Nhờ có được lượng người theo dõi khổng lồ trên Twitter, Instagram và Flickr, việc cập nhật hình ảnh tổng thống của ông Souza diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, góp phần xây dựng hình ảnh một vị tổng thống thân thiện bậc nhất thế giới.
“Souza làm công việc truyền ảnh trực tiếp đến công chúng. Báo chí có thể truy cập để lấy ảnh còn công chúng chỉ việc ngồi đấy và xem. Ở các đời tổng thống trước đây, mọi thứ phải thông qua phương cách truyền thông cũ”, giáo sư dạy môn ảnh báo chí Michael Martinez của Đại học Tennessee nhận xét.
Martinez cho biết Souza làm được điều này là bởi Obama là một trong những tổng thống có tính tình rộng rãi nhất. “Bạn có thể nhìn thấy sự tương tác giữa Michelle, Obama và các đứa trẻ”, Martinez cho biết.
Ngay cả bản thân Souza cũng từng tâm sự: “Tôi không phải là nhiếp ảnh gia chính thời tổng thống Reagon. Tôi chỉ là nhân viên. Tôi có được mối quan hệ ưu tiên với tổng thống Obama mà không có được với tổng thống Reagan. Reagan hơn tôi gần 50 tuổi khi tôi lần đầu đến Nhà Trắng làm việc. Còn giờ đây, tôi chỉ lớn hơn tổng thống Obama vài tuổi”.
Hình ảnh do nhiếp ảnh gia Pete Souza chụp ông Obama và chú cho tên Bo của gia đình Obama vui chơi trong Nhà Trắng Pete Souza/Nhà Trắng
Nhưng việc gì cũng có mặt trái của nó và theo lời giáo sư này thì “Souza làm công việc xây dựng hình ảnh công chúng - PR cũng nhiều như làm công việc tư liệu hình ảnh. Điều này bắt đầu ngay từ khi Obama lên nắm quyền”. Nhà trắng áp dụng chiến thuật không cho các phóng viên ảnh của các báo có mặt ở nhiều sự kiện quan trọng của tổng thống Obama và sau đó phát đi các tấm ảnh do Souza chụp để báo chí sử dụng. “Điều này không hay tí nào bởi như vậy là làm PR chứ không phải là làm tư liệu”, Martinez nói về vị trí của Souza.
Đã là người bên cạnh tổng thống Mỹ thì không thể tránh khỏi chỉ trích. Với Souza, ông tự hào khi được đi cùng Obama từ năm 2004 (chụp ảnh Obama cho tờ New York Times) đến giờ và được chính Obama làm “chủ xị’ cho đám cưới của ông năm 2013 tại Vườn Hồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.