Nếu những người khởi xướng được xem là “nhà tiên giác” thì phong trào được mở rộng là nhờ những người “thực hành Duy Tân”, mà thành công của phong trào khiến chính quyền thuộc địa phải xem xét lại chính sách.
Nhà thực hành Duy Tân - chí sĩ Lê Cơ sinh năm 1870 tại làng Phú Lâm, nay thuộc xã Tiên Sơn, H.Tiên Phước (Quảng Nam), là anh em cô cậu với chí sĩ Phan Châu Trinh. Ông từng có câu nói nổi tiếng: “Không thể làm được trong toàn thiên hạ, thì thử nghiệm trong một làng vậy”.
Các nhà sử học nhận định rằng: Không có tư tưởng nào, lĩnh vực nào, chủ trương nào của phong trào Duy Tân mà không được đưa ra thử nghiệm và trở thành hiện thực hết sức sinh động tại làng Phú Lâm. Ngoài việc mở trường học tư thục Phú Lâm vào cuối tháng 4.1904, lập các hợp thương, hợp xã, nông đoàn để phát triển sản xuất và buôn bán..., chí sĩ Lê Cơ còn viết những bài thơ cổ động cho đổi mới nổi tiếng mà đến nay người dân địa phương vẫn còn thuộc, như bài Gióng trống Duy Tân.
Từ Phú Lâm, công cuộc duy tân của chí sĩ Lê Cơ đã mở rộng ra nhiều làng ở Tiên Phước, Tam Kỳ, Thăng Bình, Điện Bàn, Hòa Vang (ở gần Đà Nẵng), rộng đến 30 xã ở Quảng Nam lúc bấy giờ và lan ra nhiều tỉnh khác, với sự tham gia của các nhà nho: Phan Thúc Duyện, Mai Dị, Phan Thành Tài, Trần Quý Cáp, Lê Bá Trinh, Lâm Quang Tự... Phong trào gây nhiều lo lắng cho cả chính quyền thực dân Pháp và triều đình phong kiến VN đương thời.
Chí sĩ Lê Cơ còn là một trong những yếu nhân của phong trào chống thuế 1908 lan rộng đến nhiều tỉnh Trung kỳ và ông bị chính quyền thực dân bắt giam tại nhà lao Hội An suốt 3 năm. Đến tháng 5.1916, ông cùng Thái Phiên, Trần Cao Vân lên đường ra Huế trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Duy Tân và cùng bị bắt với các đồng chí do âm mưu bị bại lộ. Sau đó ông bị đày đi lao dịch tại nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) và hy sinh tại đây ngày 26.10.1918. Sự nghiệp duy tân và sự hy sinh lẫm liệt của ông sau này được các nhà cách mạng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng nhiều lần ca ngợi, tôn vinh...
Bài học lịch sử bao giờ cũng là một thông điệp. Thông điệp quan trọng của chí sĩ Lê Cơ thể hiện trong lịch sử bản thân ông và những việc ông làm mang tính khai mở và quên mình.
Thử nghiệm trong làng
Lê Cơ ra đời khi thực dân Pháp nổ súng tấn công cửa Hàn - Đà Nẵng, mở đầu xâm lược Việt Nam. Thân sinh ông là chủ một gia đình trung nông, nhờ đó từ nhỏ ông được ăn học. Nhưng sau khi thi hỏng tú tài, ông ở lại làng làm nông và sau đó nhận chức lý trưởng do chính quyền cấp trên chỉ định. Tính tình bộc trực, ngay thẳng, không khiếp sợ trước uy lực, cho nên sau khi nghỉ học, Lê Cơ đã nhiều lần thưa kiện bọn cường hào tới tận tòa tỉnh và làm được những việc như sau này lịch sử đã ghi lại...
Vào đầu thế kỷ 20, khi Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng cuộc vận động Duy Tân, tại làng Phú Lâm, Lê Cơ lúc đó nhận chức lý trưởng với suy nghĩ “Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương” (Nếu không làm được việc lớn cho thiên hạ, thì cũng làm thử nghiệm việc đúng trong một làng). Và ông đã thực hành những điều học được từ “Tân thư” như các vị cùng thế hệ mình, được người dân gọi tên một cách trân trọng yêu thương: ông Xã Sáu.
Trong vai trò một lý trưởng, ông mở trường dạy quốc ngữ đầu tiên, có cả nữ sinh; mở hội buôn, nông hội theo mô hình hợp tác cho người nông dân trong xã mình và nhiều cải cách dân chủ khác trong làng. Một làng Phú Lâm thuở đó chỉ có 1.200 dân mà đã có hơn nửa thông thạo quốc ngữ thì không phải chuyện nhỏ! Trường tân học ở Phú Lâm không chỉ dạy quốc ngữ mà còn cả tiếng Nhật, tiếng Pháp, môn thể dục, khoa học, quân sự... Tiếng tăm vang dội, nhờ vậy đến năm 1906, Lê Cơ tham gia cùng với các nhân sĩ Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh tiếp tục vận động thành lập Trường Dục Thanh (trường tân học ở Phan Thiết) và Công ty Liên Thành...
Sự nghiệp canh tân của ông Xã Sáu có 2 vấn đề. Trước hết là vai trò của ông trong “dòng thác” Duy Tân, đi đầu làm gương như một “điểm trình diễn” ngay tại làng mình. Từ “điểm” đó, phong trào mở ra thành diện rộng. Cho nên, chính ông là nhà thực hành lỗi lạc và hiệu quả nhất của phong trào Duy Tân lúc bấy giờ trên nhiều phương diện. Thứ hai, đó còn là mô hình của một trí thức, một người có năng lực biết làm gương và quên mình, biết chia sẻ những ao ước của nông dân và tạo ra sự lôi cuốn đối với họ.
Khi viết trên Báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh Thúc Kháng từng ca ngợi làng Phú Lâm:
“Mừng thay mấy kẻ đồng tâm
Thăng Bình là huyện, Phú Lâm là làng
Nọ thương cuộc, nọ học đường
Này cơ bảo hiểm này phường quế viên
Trong hương sự mười phần chấn chỉnh
Cùng nhân tâm huấn chỉnh đôi lời...”.
Bình luận (0)