Réhahn Croquevielle đã trở nên khá quen thuộc với những người yêu nhiếp ảnh sau khi cuốn sách ảnh mang tên Vietnam - Mosaic of Contrasts (tạm dịch: Những mảnh ghép tương phản) xuất bản năm ngoái.
|
Sẽ có một 'Việt Nam từ trên cao'
Với chàng nhiếp ảnh Pháp 34 tuổi này, Việt Nam không chỉ là “nơi của những niềm vui” mà còn là một quê hương thật sự. Trong suốt gần 2 tiếng trò chuyện, Réhahn nói không ngừng. Chẳng ai có thể tin rằng Réhahn từng là cậu học trò nhút nhát, chuyên giả bệnh để trốn thuyết trình. Anh thừa nhận nhiếp ảnh không chỉ là sở thích mà còn là phương thức giúp anh vượt qua sự rụt rè của mình, bằng cách trò chuyện với nhân vật trước khi chụp.
“Ban đầu tôi cũng ngại lắm, nhưng chỉ cần chụp xong một hai người thì phấn chấn hẳn. Tôi thích trò chuyện. Có khi tôi đứng nói chuyện với nhân vật cả tiếng, rồi nhằm ngay lúc họ say sưa nói thì đưa máy lên. Mọi thứ cứ diễn ra một cách tự nhiên và vui vẻ. Có những nhân vật yêu cầu tôi trả cho họ 1, 2 USD để chụp, tôi nói “thôi mà,” họ lấy tay che miệng cười và thế là… “tách”, một bức ảnh rất dễ thương ra đời. Sau đó thì không hỏi tiền bạc gì nữa” - Réhahn cười, nhớ lại.
Khi nói về bức ảnh bìa của cuốn sách ảnh Vietnam - Mosaic of Contrasts, hình một cụ bà da đầy nếp nhăn, lấy tay che miệng chỉ để lộ ánh mắt tươi rói, thì mắt Réhahn cũng lấp lánh theo: “Bà cụ chèo thuyền này đã 71 tuổi khi tôi chụp. Giờ thì 76 tuổi rồi, nhưng rất khỏe. Lúc tôi ghé thăm lại, tặng cho bà cuốn sách ảnh thì bà rất vui, nằng nặc mời tôi về nhà. Nhà bà rất nghèo, bà mời tôi ly nước, nói thật là nhìn nó có vẻ không sạch lắm. Tôi hơi ngại nhưng vẫn uống hết. Kết quả là bệnh cả tuần (cười). Nhưng tình cảm chân thành mà bà dành cho tôi thì không sao quên được”.
|
|
Réhahn cũng “bật mí” về dự án mình đang thực hiện tạm gọi là Vietnam from the Sky (Việt Nam từ trên cao) - một cuốn sách ảnh chụp khoảng 20 thành phố của Việt Nam từ trên cao. Và bức ảnh đầu tiên, dĩ nhiên là Hội An. Phương pháp chụp cũng không như mọi người nghĩ - ngồi trên trực thăng hay khinh khí cầu - mà Réhahn sẽ điều khiển máy ảnh của mình bằng một thiết bị… gần giống như máy bay mô hình.
“Lần đầu tiên để cái máy ảnh lên thiết bị bay đó, tim tôi muốn rớt ra ngoài, vì nó cứ lượn lòng vòng còn tôi thì sợ chiếc máy ảnh đắt tiền, yêu quý của mình bị rơi. Tôi tự nhủ mình phải làm dự án ngay lúc này, khi tôi 34 tuổi và tim còn đủ khỏe”, Réhahn hóm hỉnh. “Dự định của tôi là chụp 20 địa điểm như TP.HCM, Hà Nội, Hạ Long, Sa Pa, Mù Cang Chải, Mộc Châu… nhưng đến bao giờ hoàn thành thì không nói trước được”.
Réhahn cho biết thêm, sau Việt Nam từ trên cao sẽ là một sách ảnh về chân dung trẻ em Việt Nam, chân dung bà con dân tộc thiểu số để quyên tiền cho một số chương trình từ thiện.
Làm gì đó trước khi quá muộn
Năm 2007, Réhahn đến Việt Nam lần đầu để thăm gia đình hai bé gái mình trợ cấp từ hồi còn bên Pháp. Bốn ngày gặp gỡ giữa ba con người không cùng ngôn ngữ đã thay đổi cuộc đời cả ba.
|
Những chuyến đi về cứ nhân lên với khoảng thời gian ngày càng ngắn dần, cho đến một ngày, Hội An chính thức trở thành nhà và hai bé gái Việt Nam trở thành thành viên mới của gia đình Réhahn. Mở một tiệm kem café để kinh doanh và hàn huyên với bạn bè, nhưng đó cũng chính là nơi anh tiếp những người hâm mộ và bán sách. Hàng chục ngàn lượt like trên trang http://www.facebook.com/Rehahn.Photography cũng là minh chứng cho sự thừa nhận những tác phẩm của anh.
“Lúc chọn 140 tấm từ 30.000 bức ảnh cho cuốn sách đầu tiên, tôi băn khoăn lắm. Liệu tôi có nên cho thế giới thấy một Việt Nam với những người nghèo khổ, già nua, khó khăn mưu sinh hay không? Nhưng tôi nghĩ, người ta luôn cần nhìn những góc khuất và những tia sáng rọi vào góc khuất đó. Không bao giờ tôi thấy nụ cười tắt trên môi những con người này. Đó không phải là một Việt Nam quá tuyệt vời sao?”.
Không chỉ góp phần quảng bá Việt Nam bằng hình ảnh, Réhahn còn đôi lần “cứu vớt” những du khách cứ phàn nàn rằng Hội An không như họ nghĩ, sau khi gặp phải tour du lịch rởm hay dịch vụ hét giá. Bằng uy tín của mình, Réhahn thuyết phục họ đổi vé, dẫn họ đi thăm thú những vùng ngoại thành, đạp xe ngắm cảnh hay uống trà.
Điều mà Réhahn băn khoăn không dừng lại ở việc chụp ảnh, mà còn là những giá trị sống đang dần mai một trong giới trẻ. “Ngay tại Pháp, giới trẻ cũng đang mất phương hướng trước quá nhiều nguồn thông tin, phương tiện giải trí. Thay vì trò chuyện với nhau thì mỗi người một góc, cắm mặt vào iPhone hay máy tính bảng. Điều này tôi cũng thấy ở Việt Nam và thật sự phải làm gì đó trước khi quá muộn”.
Và sự thật là, điều Réhahn làm được, không chỉ dừng lại ở việc những tác phẩm của anh đã kéo không ít du khách trở lại Việt Nam để tận mắt chứng kiến những điều họ thấy khi xem sách mà còn khiến nhiều người Việt chạnh lòng, liệu mình đã yêu đất nước mình được như anh chàng người Pháp này chưa?
Kim
>> Nhiếp ảnh gia Pháp với 'Nụ cười tiềm ẩn' VN
>> Trẻ thơ qua lăng kính nhiếp ảnh gia Pháp
>> Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Vẽ cuộc đời bằng tâm và tài
>> Nhiếp ảnh gia... tọc mạch
Bình luận (0)