Những ông bầu cá tính nhất V-League

10/06/2020 08:47 GMT+7

V-League sẽ thật buồn nếu không có những ông bầu nhiệt tâm, giàu cá tính và không hề quá lời khi nói rằng chính họ làm nên một phần diện mạo sinh động, lắm màu sắc của bức tranh bóng đá Việt Nam . Mà trong đó, còn ai nổi hơn bầu Hiển, bầu Đức và bầu Đệ.

Từng được khuyên đừng làm bóng đá

Không ồn ào, không sở hữu những phát ngôn gây sốc nhưng về độ nổi tiếng, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) không hề thua kém bầu Đức. So về mức độ thành công ở đấu trường quốc nội, bầu Hiển hiện là người làm bóng đá giỏi nhất, may mắn nhất Việt Nam không chỉ nhờ vào tiềm lực tài chính hùng mạnh mà còn nhờ chiến lược bài bản và đúng đắn. CLB Hà Nội mà ông Hiển làm chủ cũng đang là CLB thành công nhất trong làng bóng đá nội. Chỉ tính riêng năm 2019, đội Hà Nội đã bảo vệ thành công ngôi vô địch V-League, đoạt Cúp quốc gia, đoạt Siêu cúp quốc gia; vào đến chung kết liên khu vực AFC Cup - một thành tích chưa đội bóng nào tại Việt Nam đạt được.
Ở cấp độ đội tuyển, những ngôi sao của đội bóng thủ đô như Hùng Dũng, Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Đức Huy… là trụ cột đội tuyển Việt Nam tại hàng loạt giải đấu quan trọng. Đứng đằng sau những gì mà đội Hà Nội đang có là người đàn ông sinh năm 1962. 
Nếu bầu Đức là nhân vật chính trong thương vụ đưa CLB Arsenal sang Việt Nam năm 2013 thì bầu Hiển lại là tác giả kịch bản của thương vụ cũng đình đám không kém: mời CLB Man.City đến Hà Nội năm 2015 với kinh phí lên đến 35 tỉ đồng.
Gần 15 năm trước, khi quyết định đến với bóng đá, bầu Hiển không được sự hậu thuẫn của gia đình và bạn bè. Thậm chí ông còn vướng phải rất nhiều lời khuyên can. Lúc ấy khối tài sản của ông Hiển chưa lớn như thời điểm hiện tại mà bản thân ông vốn là dân khoa học, chẳng biết gì về bóng đá ngoài những trận đấu “phủi” với bạn bè. Vợ con ông Hiển lo sợ chồng và cha mình thiếu kinh nghiệm sẽ dễ dẫn tới thất bại, ảnh hưởng đến cả tiền bạc lẫn danh tiếng. Gần 15 năm sau, ông Hiển chứng minh rằng con đường mình chọn là cực kỳ sáng suốt.
Tất nhiên, vẫn còn những lời ra tiếng vào về cách làm bóng đá của bầu Hiển. Báo chí đã tốn không ít giấy mực về câu chuyện “một ông chủ, nhiều đội bóng”. Trước luồng thông tin mình là ông chủ của đội SHB Đà Nẵng, cách đây nhiều năm, bầu Hiển đã từng phản pháo: “Về pháp lý, CLB Hà Nội T&T thuộc Công ty cổ phần thể thao T&T, SHB Đà Nẵng thuộc Công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng. SHB tài trợ cho Công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng và T&T tài trợ cho Công ty cổ phần thể thao T&T. SHB và T&T là 2 công ty hoạt động độc lập theo luật doanh nghiệp”.
Năm ngoái khi bầu Đức phát ngôn về việc “năm ông đánh một ông” có vẻ như nhắm tới bầu Hiển, ông Hiển nhẹ nhàng: “Tính anh Đức lâu nay thế mà. Kệ anh ấy muốn nói gì thì nói, tôi không quan tâm. Anh ấy cũng rất tâm huyết, có nhiều đóng góp nên chúng ta cần trân trọng và giúp anh ấy bình tĩnh, tập trung cống hiến cho bóng đá”.
Hậu vệ Đoàn Văn Hậu là cầu thủ Việt Nam duy nhất đang thi đấu tại châu Âu. Hơn 10 năm trước, bầu Hiển về Thái Bình, đến tận nhà dùng đủ mọi cách thuyết phục gia đình Văn Hậu và sau đó cả lãnh đạo Trung tâm đào tạo Thái Bình thì Hậu mới được lên Hà Nội tập luyện. Suốt quá trình phát triển của Hậu, ông Hiển theo sát từng bước, thậm chí trực tiếp nhắc nhở khi Hậu mải chơi, lơ là tập luyện hay có những tình huống “khó coi” trên sân đấu. Bầu Hiển cũng chấp nhận bỏ tiền trả lương thay Heerenveen (Hà Lan) để hậu vệ này về thi đấu cho U.22 Việt Nam tại SEA Games 30.

Luôn biết cách gây sốc

Những ông bầu cá tính nhất V-League1

Bầu Đức tạo ra dấu ấn đặc biệt trong làng bóng đá nội

ẢNH: KHẢ HÒA

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) là người mê bóng đá cuồng nhiệt và thuộc diện dám nói, dám làm với tầm nhìn xa trông rộng. Ông sẵn sàng bạt 5 ha cao su đang vào độ sung sức để xây Học viện HAGL JMG với giấc mơ tạo ra lứa cầu thủ tài đức vẹn toàn. Theo đuổi triết lý toàn mỹ, ông muốn cầu thủ phải là những người đá bóng đẹp, làm người đàng hoàng rồi mới tính đến chiến thắng. Cả nước mê đắm lứa U.19 Việt Nam được đào tạo từ lò của bầu Đức xây dựng, với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Hồng Duy…
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, bầu Đức đã chi ước chừng trên 76 triệu USD (gần 1.800 tỉ đồng) cho bóng đá. Trong hai năm 2017 - 2018, mỗi tháng ông chi 800 triệu đồng lương cho HLV Park Hang-seo (tổng khoảng 1 triệu USD - hơn 23 tỉ đồng). Trong 10 năm gắn tên với Arsenal, HAGL đã chi mỗi năm 5 triệu USD (tổng cộng 50 triệu USD - hơn 1.200 tỉ). Từ năm 2007 mỗi học viên nhí của Học viện HAGL JMG được đầu tư khoảng 1 tỉ đồng/năm, đến nay ước tổng hơn 460 tỉ đồng, chưa kể lớp năng khiếu hoạt động song song. Ngoài ra, bầu Đức chi khoảng 120 tỉ đồng nữa để các cầu thủ trẻ tập huấn trong và ngoài nước suốt hơn 10 năm, đá giao hữu với các lò JMG toàn cầu từ châu Âu đến châu Phi, trong đó có U.19 Việt Nam tập huấn dài hạn tại châu Âu.
Ông Đức thuộc diện dám nói “thẳng ruột ngựa” nhiều khi gây sốc. Năm 2016 khi HLV Toshiya Miura tại vị, bầu Đức tuyên bố hùng hồn: “Sa thải Miura, tôi sẽ lo tất cho đội tuyển Việt Nam”. Mùa 2019, ông khẳng định đội TP.HCM không thể vô địch V-League vì “5 thằng ốm đánh 1 thằng mập thì thằng mập chịu sao nổi” (ý nói về việc bầu Hiển sở hữu đến 5 đội bóng tại V-League).
Đến giờ, giấc mơ xuất khẩu cầu thủ HAGL ra châu Âu vẫn dở dang khi Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… đều phải về lại Việt Nam. Nhưng trong vai trò tiên phong, bầu Đức đã thực sự để lại những dấu ấn đậm nét, khai phá con đường mới. Vẫn là người gây ra nhiều tranh cãi, nhưng không phải vô cớ bầu Đức luôn nhận được sự tin yêu của rất nhiều khán giả.

“Tôi sẽ không can thiệp vào chuyên môn nữa”

Những ông bầu cá tính nhất V-League2

Bầu Đệ (phải) tiếp tục cuộc phiêu lưu với HLV nội

ẢNH: PHÚC NGƯ

Nếu như bầu Đức và bầu Hiển đến với bóng đá theo cách tự nguyện và chủ động hoàn toàn thì bầu Đệ lại khác hơn một chút. Mùa giải 2009, bóng đá Thanh Hóa xuống dốc không phanh và suýt nữa bị xóa sổ khỏi bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Sau khi nhà tài trợ xin rút lui để lại một “gia sản” bóng đá nghèo nàn, èo uột, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã cầu cứu các doanh nghiệp trong tỉnh cùng chung tay “trục vớt con tàu đắm”. 6 công ty có “máu mặt” được giao nhiệm vụ dồn tiền nuôi đội bóng xứ Thanh, nhưng chỉ vài tháng sau còn duy nhất Công ty cổ phần Hợp Lực do Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Đệ (bầu Đệ) làm chủ tịch, trụ lại.
Khoản tiền đầu tư cho CLB Thanh Hóa được lấy từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách tỉnh một phần nhỏ, số còn lại vài chục tỉ đồng do bầu Đệ một tay lo liệu. Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, bầu Đệ cũng kêu gọi thêm một số đối tác khác và CLB Thanh Hóa có được quỹ tài chính tương đối ổn định trong suốt 5 mùa giải liên tiếp.
Nhưng đến năm 2015, vì nặng gánh hai vai, sau một vài lần xin ra đi mà không được, đến hết lượt đi mùa 2015, lá đơn từ chức của bầu Đệ đã được lãnh đạo tỉnh chấp thuận. Nhưng 4 năm sau, khi đội Thanh Hóa một lần nữa lao đao, bầu Đệ lại quay về. Ông tăng lương, tăng thưởng cho cầu thủ và những tưởng Thanh Hóa sẽ thăng hoa. Nhưng cách quản lý có phần cực đoan của bầu Đệ lại dẫn đến sự chia tay đầy ngậm ngùi với HLV Đức Thắng. Bầu Đệ khi đó phát biểu: “Tôi có những nguyên tắc riêng của mình mà anh Thắng không đồng ý. Với tôi, trong một tập thể thì từ chủ tịch CLB đến HLV trưởng không được độc quyền mà cần có sự tương hỗ lẫn nhau. Tôi đề ra những nguyên tắc để phù hợp với xu thế phát triển của bóng đá Việt Nam. Tôi cần giám sát về nhiều công việc quan trọng của đội bóng. Từ chiến thuật, cách bài binh bố trận, cách dùng người, mua cầu thủ. Thắng cần phải báo cáo tôi, để tôi còn báo cáo Hội đồng quản trị. Ví dụ như về chuyện mua cầu thủ, giá bao nhiêu. Sự giám sát cũng chỉ là làm đội bóng mạnh lên”.
Năm ngoái, đội của bầu Đệ “hút chết” khi phải đá play-off và ở lại V-League nhờ thắng Phố Hiến. Bầu Đệ lại không tiếc tiền mời HLV người Ý Fabio Lopez về cầm quân. Ông muốn mỗi đồng tiền mình bỏ ra phải được đổi bằng những thành tích nhìn thấy, “sờ thấy”. Sau 3 trận thua tại V-League, ông Fabio đã bị sa thải theo cái cách có một không hai: bầu Đệ tổ chức cho cầu thủ bỏ phiếu lấy ý kiến quyết định chiếc ghế của HLV người Ý. Sau khi sa thải ông Fabio, bầu Đệ mời HLV Nguyễn Thành Công về dẫn dắt và tuyên bố: “Tôi sẽ không can thiệp vào chuyên môn nữa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.