Tôi thấy có lỗi với nhân viên của mình
Những ngày cuối tháng 9, khi đang hoàn thiện thủ tục đăng ký hoạt động theo Bộ tiêu chí của UBND TP.HCM ban hành về đánh giá an toàn cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 sau ngày 30.9, bà Tôn Nữ Cát Ngọc - đại diện một doanh nghiệp may gia công hàng xuất khẩu đi Nhật tại TP.HCM, vẫn chưa hết “sợ hãi” khi nhớ về quãng thời gian "3 tại chỗ" cùng các nhân viên của mình.
Hy vọng các chính sách phòng chống dịch sẽ được thay đổi sớm. Kịch bản lạc quan nhất tôi suy nghĩ thời hậu đại dịch là xu hướng tiêu dùng của người dân sẽ thay đổi. Các sản phẩm bình dân sạch, an toàn của doanh nghiệp sẽ được tiêu thụ tại thị trường nội địa nhiều hơn
Bà Cát Ngọc kể, ngày 15.8, TP.HCM chính thức áp dụng quy định các nhà máy sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” (3T) hoặc “2 địa điểm - 1 cung đường”, là đơn vị có quy mô nhỏ, bà tính tạm ngưng hoạt động một thời gian. Thế nhưng, do có lô hàng buộc phải hoàn thành và xuất đi đúng ngày 16.8, bà Ngọc báo cáo với địa phương về hoàn cảnh của mình, xin được làm việc đến sáng 16.8, xuất hàng xong là cho công nhân về, đóng cửa xưởng may. Tuy nhiên, đáp lại là cái lắc đầu bởi “nguyên tắc là nguyên tắc”, không có ngoại lệ. Không thể thất hứa với đối tác, bà Ngọc quyết định tổ chức 3T cho hơn 10 người để thực hiện những công đoạn cắt chỉ, đóng bao bì cho lô hàng và bà cũng ở lại cùng anh em luôn. Thế nhưng, những hình dung của bà về việc lo bữa ăn giấc ngủ cho hơn chục người bao gồm cả chủ và công nhân không lường hết được những khó khăn, vướng mắc, mệt mỏi đến "muốn khóc" mà bà đối mặt trong gần 2 tháng trời.
Tổ chức sản xuất 3T tại nhà máy của Công ty TNHH Vidan |
NG.NG |
“Một số nơi gia hạn cho doanh nghiệp chuẩn bị vài ngày đủ chuẩn 3T rồi làm việc tiếp nhưng do phải làm gấp kịp xuất hàng, nên chúng tôi vừa chuẩn bị vừa cho công nhân cắt chỉ hoàn thành lô hàng, vừa lo hậu cần theo chuẩn 3T nên đích thân tôi phải lao vào vì thời gian gấp gáp quá. Có thể nói, ngày 15.8 là ngày làm việc cực kỳ căng thẳng, vừa làm vừa sợ… bị kiểm tra phạt. Tâm thế của một chủ doanh nghiệp đứng ngay trong nhà xưởng của chính mình mà lén lút như đang… đi ăn trộm, cho dù mình không làm gì sai. Thời điểm đó TP đã giãn cách, tiệm thuốc tây gần nhà xưởng đóng cửa do nhân viên bán hàng bị F0, tôi xách xe máy chạy hơn 5 cây số nhưng chỉ mua được 7 cái test nhanh Covid-19. Lại tiếp tục chạy tiếp từ ấp này sang ấp khác mua thêm được 15 cái test nữa mới đủ để thực hiện test theo quy định. Rồi đến chuyện đặt lều cho công nhân, giá họ báo ban đầu 480.000 đồng/chiếc. Thấy mình mua ít, người bán nâng giá bán lẻ lên 620.000 đồng/chiếc. Tôi cứ chạy như con thoi, từ chỗ này qua chỗ kia không còn biết mệt là gì. Chỉ lo làm sao chuẩn bị cho công nhân tương đối ổn, rồi đăng ký với địa phương rõ ràng… ”, bà Ngọc nhớ lại.
Đáng nói, hàng xuất đi đúng ngày 16.8, nhưng nguyên vật liệu từ Đồng Nai không chở lên được để làm tiếp. Thế là mấy ngày sau đó, cả giám đốc lẫn nhân viên nằm, ngồi vật vờ trong nhà xưởng. Công nhân hết lướt mạng lại xem phim. Lúc đó bà Ngọc quyết định ngưng 3T, đóng cửa nhà xưởng và nói chuyện lại với đối tác vì dù sao thì cũng không thể giao hàng đúng kế hoạch. Nhưng không phải muốn nghỉ là nghỉ được. Chốt gác đầu ấp không cho qua vì thời điểm này là “ai đâu ở yên đó”. Đành chịu. Nhưng tiếp tục thì đối mặt với chuyện thực phẩm cạn kiệt. Cả tuần ăn chỉ 1 món thịt kho trứng, đến lúc cả trứng và thịt cũng hết, hàng đặt mua hết tuần chưa được giao, gần cả tháng trời cả chủ và người lao động có bữa ăn sáng “sang” nhất là chén cơm chiên tỏi, còn lại khoai luộc, bắp luộc mua quanh khu vực. Có sáng công nhân nấu cháo trắng ăn với nước tương. “Có ít cá khô, định chiên ăn với cháo nhưng do bất cẩn, cá khô bị thấm nước mưa, lấy ra nấu mùi hôi nồng nặc... tôi nhìn nhân viên của mình ăn không đủ no, không đủ chất mà thương" - chị nghẹn ngào kể. Khi nghe có những nhà hảo tâm vào xóm biếu rau củ, chị và cả nhóm mừng húm vì thiếu rau đã lâu ngày. Thế nhưng nhân viên và bảo vệ công ty lại không được tặng với lý do “người lao động có công ty lo rồi”- theo giải thích của tổ trưởng tổ dân phố.
"Ở vị trí chủ doanh nghiệp, tôi thấy rất có lỗi. Thực phẩm mua không có, không bảo đảm đủ dinh dưỡng cho nhân viên trong nhiều ngày liền. Chỉ có điều may mắn lớn nhất là chúng tôi bảo toàn được lực lượng, không có nhân viên nào bị F0…”, chị kết thúc câu chuyện và nhấn mạnh, đó là trải nghiệm sợ hãi mà chị muốn quên đi.
Nhà máy 3T giống như một làng quê yên bình
“Chị đã bao giờ chứng kiến hay đứng trong không gian chiều về tại một làng quê nào đó chưa? Trong ráng chiều bàng bạc, các công nhân không còn khoác đồ đồng phục nữa, họ mặc đồ ở nhà, cả nam lẫn nữ, đi lui đi lại trong sân, làm cái này, cái kia. Tôi thấy giống khung cảnh sinh hoạt tại một làng quê yên bình nào đó. Nơi chẳng bao giờ người dân phải lo sợ, chẳng biết đến cái gọi là vi rút Corona. Cứ tưởng tượng như vậy mà lấy động lực để bước tới. Có hôm công nhân nấu bún ăn thay cơm, tui ghé qua được mời ngay tô bún. Có khi bê tô đứng mà ăn, lại liên tưởng cảnh đi cắm trại thời học sinh sinh viên. Những sự kiện đó nếu không có dịch, với một người lớn tuổi, bị cuốn theo lo toan cơm áo gạo tiền hằng ngày, đôi khi đã quên rồi. Nay chợt ùa về tạo cảm xúc rất lạ” - ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty Cỏ May, kể khi được hỏi về thời gian "ăn, ngủ, làm việc" tại nhà máy với công nhân khi thực hiện 3T.
Tự nhận mình bản tính “lì lợm”, chịu khó và luôn nhìn mọi thứ ở góc độ lạc quan, thế nhưng những gì người đàn ông này viết lúc 4 giờ sáng lên Facebook cá nhân rạng sáng ngày 17.8 lại khiến người đọc không khỏi xót xa. “Cuối cùng rồi dịch cũng đã vào cửa, nó phản ánh rất cụ thể về những gì chúng tôi đã lo lắng, thực hiện để ứng phó với nó lâu nay!”. Đó là lần đầu tiên nhà máy chế biến thủy sản có ca F0 buộc phải tạm ngưng hoạt động và lần thứ 2 cho ngưng hẳn cùng với nhà máy chế biến gạo.
Công ty TNHH Cỏ May có 4 nhà máy chuyên sản xuất gạo, chế biến thủy sản và thức ăn cho cá đặt tại tỉnh Đồng Tháp. Ngay từ đầu tháng 7, công ty đã tổ chức làm việc theo mô hình 3T, sau tiến lên 4T (thêm y tế tại chỗ) tại 4 nhà máy với hơn 1.000 công nhân và ông Thiện cũng ở lại nhà máy với anh em công nhân. Thế nhưng, những ngày cuối tháng 9 vừa qua, ông Phạm Minh Thiện đã “đầu hàng”, cái "làng quê yên bình" trong nhà máy mà ông trải nghiệm phải đóng cửa. “Gồng không nổi các loại chi phí, nguy cơ F0 rình rập, thu không thể bù đắp nổi chi. Nếu “ráng” thêm 1 tháng nữa, là “bung” hết 2 nhà máy còn lại. Điều chúng tôi đang lo lắng nhất là khi dỡ phong tỏa, doanh nghiệp không còn cơ hội để trở lại bình thường mới được. Hy vọng các chính sách phòng chống dịch sẽ được thay đổi sớm. Kịch bản lạc quan nhất tôi suy nghĩ thời hậu đại dịch là xu hướng tiêu dùng của người dân sẽ thay đổi. Các sản phẩm bình dân sạch, an toàn của doanh nghiệp sẽ được tiêu thụ tại thị trường nội địa nhiều hơn”.
Nói vậy nhưng ông cũng nhấn mạnh, mọi thứ đều có ánh sáng phía cuối con đường, mình cứ hoàn thành tốt việc của từng ngày là được, chuyện còn lại để chuyện còn lại lo. Việc của ông là cố gắng hết sức tiếp tục duy trì sản xuất để chờ "ánh sáng" hậu dịch bệnh.
"Ai có thể theo anh Phong được thì dọn đồ vào nhà máy"
Cũng như Cỏ May, Công ty TNHH Vidan (Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP.HCM), chuyên sản xuất phân bón đã quyết định tổ chức sản xuất theo mô hình 3T từ đầu tháng 7, trước khi TP.HCM quy định đến hơn 1 tháng do thấy tình hình công nhân ở nhà trọ có nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc công ty, bằng chất giọng Quảng Nam rổn rảng: “Tổ chức sản xuất theo 3T không có gì khó khăn cả. Khi thấy dịch lây lan mạnh quá, tôi nói với hơn 120 công nhân của mình rằng chúng ta phải an toàn để sống và làm việc bởi đại dịch này còn kéo dài lắm. Ai có thể theo anh Phong được thì sắp xếp vào ở hẳn trong nhà máy, không về nhà nữa, công ty sẽ lo mọi chi phí ăn ở. Thế nhưng, cuối cùng chỉ có 25 công nhân viên theo chân sếp. Số còn lại do hoàn cảnh gia đình con nhỏ, cha mẹ già yếu…”. Thời gian đầu, khi chưa có lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16 toàn TP, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động thể thao, chạy marathon quanh công ty, thi tìm hiểu về Covid-19, về sản phẩm của công ty… nên tinh thần của công nhân khá thoải mái cho dù đang sống xa nhà. Thế nhưng, từ sau ngày 15.7, khi có một số biện pháp siết phòng chống dịch, chúng tôi buộc phải bỏ các hoạt động ngoài trời, bỏ các hoạt động tụ tập trong nhà máy để tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa dịch.
Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA), tính đến cuối tháng 9, đã có 700 doanh nghiệp/nhà máy trong số hơn 1.500 doanh nghiệp/nhà máy đặt tại 18 khu công nghiệp - khu chế xuất và Khu công nghệ cao TP.HCM đã thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. Tổng số công nhân tham gia làm việc theo 3T khoảng 70.000 người, chiếm 50% tổng số lao động trong 18 khu công nghiệp - khu chế xuất và Khu công nghệ cao. HBA kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cần có bệnh viện dã chiến, hoặc khu thu dung cho công nhân F0, F1 trong khu công nghiệp để các doanh nghiệp chủ động phòng, chống dịch, không phụ thuộc hệ thống y tế bên ngoài đang quá tải.
“Từ đó, không khí trong nhà máy chùng, trầm hẳn xuống. Thảng hoặc đã có những tiếng thở dài than nhớ nhà. Có công nhân hết giờ làm trốn ở góc phòng khóc vì nhớ con. Công nhân viên nữ khóc, nam cũng khóc. Tôi hiểu nếu không xoa dịu được tinh thần công nhân lúc này, rất dễ tạo hiệu ứng domino buồn bã. Tôi kêu gọi công nhân cứ lập những nhóm Zalo chỉ chuyên nói chuyện hài hước, trêu đùa nhau, thậm chí đưa cả các thông tin dịch bệnh đang len lỏi vào các con hẻm, người chết vì Covid-19 ngay tại nhà do bệnh viện quá tải, thông tin trong nước lẫn nước ngoài thế nào… Không ngờ những điều đó lại có hiệu ứng khá tốt. Đầu tháng 8, đa số tâm lý công nhân đã trở lại bình thường”, anh Phong kể và cho biết, tuy đã 3T và tiêm phủ vắc xin nhưng quy định về xét nghiệm cho công nhân vẫn giữ như thời chưa vắc xin khiến doanh nghiệp kéo dài khó khăn. Với 25 công nhân hoạt động 3T, trung bình mỗi tháng, Công ty Vidan phát sinh chi phí hơn 200 triệu đồng. Trong đó, riêng chi phí xét nghiệm gần 70 triệu đồng.
“Từ tháng 10, công ty vẫn tiếp tục duy trì sản xuất theo mô hình 3T và chúng tôi cũng kiến nghị nên duy trì mô hình này để giảm dịch lây lan trong cộng đồng, tuy nhiên, các quy định với 3T cần linh hoạt hơn. Chẳng hạn, doanh nghiệp đã 3T rồi thì nên cho giãn thời gian xét nghiệm ra, có thể 1 tháng/lần thay vì 7 ngày một lần như hiện nay. Xóa bỏ các chốt trạm kiểm soát và khai báo y tế không cần thiết vì đó là mầm mống lây lan bệnh trở lại; cấp mã QR cho toàn bộ xe công ty. Trong những ngày thực hiện 3T, chúng tôi chỉ được cấp luồng xanh cho một chiếc xe tải 10 tấn. Thế nên, đi mua mì gói, mua rau cho công nhân cũng phải “đánh” xe tải 10 tấn đi. Trong khi công ty có 12 chiếc từ bán tải, xe tải nhỏ, xe con…” - vẫn cái giọng Quảng Nam rổn rảng, có cảm giác với người đàn ông này, không có gì là không thể vượt qua.
Nên cho doanh nghiệp quyền tự chủ trong phòng chống dịch
Những trải nghiệm, được - mất của doanh nghiệp với 3T đã đủ, nên cho doanh nghiệp quyền tự chủ trong phòng chống dịch. Họ có quyền chọn phương thức sản xuất kinh doanh theo cách của họ, miễn bảo đảm an toàn theo hướng dẫn khung của ngành y tế, dựa trên bằng chứng khoa học. Trong dự thảo mới đây của Bộ Y tế có bàn đến việc VN không chống dịch theo hướng tiêu diệt vi rút về zero nữa, đó là thay đổi lớn trong tư duy phòng chống dịch. Như vậy, những quy định chống dịch ràng buộc theo các chỉ thị 15, 16 hay 19… có thể phải bỏ. Tiến bộ hơn, cơ quan phòng chống dịch nên thiết kế cho các khu công nghiệp có những khu vực chăm sóc chữa trị bệnh nhân Covid-19 là công nhân nhà máy, hạn chế tối đa việc cách ly tập trung như gần 2 năm qua chúng ta đã làm, gây lây nhiễm chéo.
Chuyên gia môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi (Canada)
Họ, những người chủ doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, dù đã trải qua thời kỳ khởi nghiệp đầy khó khăn nhưng trải nghiệm ăn, ở, sản xuất, sinh hoạt cùng hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công nhân là chưa bao giờ tưởng tượng đến. Mỗi người một xúc cảm nhưng những tháng ngày này khiến họ thấu hiểu, đồng cảm với nhân viên của mình hơn. Và chờ đợi một thời kỳ hậu dịch... đầy lạc quan sẽ tới.
Bình luận (0)