'Lạc lối' hậu cổ phần hóa

Những 'ông lớn' sa sút

Mai Hà
Mai Hà
30/11/2023 07:20 GMT+7

Điểm chung của nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa là tư nhân hóa, khi nhóm cổ đông lớn thực chất đều liên quan đến một hoặc một nhóm cá nhân.

Có thể điểm danh một số doanh nghiệp (DN) từng giữ vị trí đầu ngành nay rơi vào lao đao hoặc hoạt động khá èo uột như Cienco 1, Cienco 5, Cienco 8 hay Công ty CP Cầu 12 (từng thuộc Cienco 1)…

Những 'ông lớn' sa sút - Ảnh 1.

Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) từng là doanh nghiệp đầu ngành xây lắp giao thông, nay đi vào sa sút

NGỌC THẮNG

Năng lực yếu kém, chậm tiến độ

Tại nhiều đoạn tuyến dự án Bắc - Nam giai đoạn 1, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) liên tục bị đưa vào diện theo dõi đặc biệt vì chậm tiến độ, nhất là tại các gói thầu liên danh với nhà thầu là Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc. Tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cienco 8 đã phải đề xuất bổ sung nhà thầu phụ để đảm bảo tiến độ. Trong số các đơn vị thuộc diện phải theo dõi đặc biệt do năng lực tài chính, tổ chức thi công chưa đáp ứng yêu cầu tại dự án này, Cienco 8 là nhà thầu có khả năng hoàn thành công việc theo cam kết thấp nhất.

Có thời điểm, cả Cienco 8 và Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc bị đưa vào diện có biểu hiện yếu kém do không chủ động năng lực tài chính, máy móc thi công cũ. Đáng chú ý, Cienco 8 và Phúc Lộc đều cùng một "ông chủ". Sau khi sở hữu Cienco 8, Phúc Lộc cũng đã tham gia thầu rất nhiều dự án giao thông. Năm 2016, nhóm cổ đông mới của Cienco 8 đề nghị Bộ GTVT cho phép tăng vốn điều lệ từ 590 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng, qua đó giảm tỷ lệ phần vốn của nhà nước tại đây, song không được Bộ GTVT đồng ý. Sau đó, Bộ GTVT đã chuyển giao 18% cổ phần nhà nước tại Cienco 8 về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Đầu năm 2023, SCIC đã công bố danh sách thoái vốn nhà nước, trong đó có Cienco 8.

Tổng công ty CP Thăng Long, DN giao thông đầu ngành từng tham gia thi công hàng loạt công trình cầu, đường lớn, bến cảng, sân bay... như cầu Kiền, cầu Sông Gianh, cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ... Tuy nhiên, từ sau cổ phần hóa năm 2014, hoạt động kinh doanh của DN này có dấu hiệu sa sút, lợi nhuận "teo tóp", thậm chí nhiều năm thua lỗ. Công ty mẹ - Tổng công ty CP Thăng Long - phải tiến hành thoái 100% vốn tại hàng loạt công ty thành viên. Năm 2022, Tổng công ty CP Thăng Long đặt mục tiêu doanh thu 1.462 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 9,12 tỉ đồng; song thực tế chỉ đạt 1.351 tỉ đồng doanh thu và 5,32 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tương tự, Công ty CP Cầu 12, tiền thân là Đội chủ lực Cầu 2, cũng là đơn vị xây dựng cầu đầu tiên của đất nước. DN này từng góp mặt thi công hàng loạt cây cầu hiện đại như cầu quay sông Hàn, Vĩnh Tuy, Mỹ Thuận, Chà Và, Thị Lại, Cao Lãnh... Sau cổ phần hóa, Công ty CP Cầu 12 sa sút hoạt động, liên tục vướng vào chuyện nợ thuế, bị người lao động tố cáo vì nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội hàng chục tháng. Năm 2020, công ty lọt vào danh sách "đen" của Cục Thuế Hà Nội với số tiền nợ thuế lên đến hơn 77 tỉ đồng. Đến đầu năm 2022, Ngân hàng Vietinbank thông báo bán khoản nợ hơn 31 tỉ đồng của Công ty CP Cầu 12 để xử lý, thu hồi nợ. Hồi tháng 7, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ra quyết định hạn chế giao dịch với cổ phiếu C12 của DN này do không họp đại hội cổ đông thường niên 2 năm gần nhất, chậm nộp báo cáo tài chính.

Vướng vòng lao lý

Một trong những trường hợp sa sút đáng buồn nhất của DN đầu ngành giao thông hậu cổ phần hóa là Cienco 1. Không chỉ vậy, hàng loạt lãnh đạo của Cienco 1 đã vướng vòng lao lý với hàng loạt sai phạm liên quan nhà đầu tư là Đinh Ngọc Hệ (Út trọc).

Theo lần công bố báo cáo tài chính gần nhất của Cienco 1, doanh thu của đơn vị này giảm mạnh từ gần 540 tỉ đồng năm 2019 xuống 337,6 tỉ đồng năm 2020. Lợi nhuận sau thuế thu nhập DN cũng giảm từ 5,1 tỉ đồng xuống còn 373 triệu đồng. Từ vài năm trở lại đây, Cienco 1 không còn góp mặt trong các dự án giao thông lớn, khi bộ máy cấp cao liên tục biến động cũng như bị khởi tố, xét xử. Theo cáo buộc của TAND TP.Hà Nội, năm 2013, Bộ GTVT có quyết định phê duyệt danh sách DN thuộc Bộ thực hiện cổ phần hóa, trong đó có Cienco 1. 

Ban chỉ đạo cổ phần hóa do ông Phạm Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Cienco 1, làm trưởng ban; ông Cấn Hồng Lai, cựu Tổng giám đốc Cienco 1, làm phó ban. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa, dàn cựu lãnh đạo Cienco 1 đã có nhiều sai phạm gây thiệt hại tài sản nhà nước số tiền lớn. Viện kiểm sát xác định ông Lai chủ trì cuộc họp để xử lý khoản nợ hơn 364 tỉ đồng phải thu của 50 công ty, nhưng lại cùng các thuộc cấp quyết định xóa gần 185 tỉ đồng trong số nợ trên vì xác định "đây là khoản nợ khó thu hồi". Sau khi chuyển thành công ty CP, Cienco 1 tiếp tục tiến hành thu hồi các khoản nợ đối với 6 công ty trực thuộc trước đây. Dù đã thu hồi được 65 tỉ đồng nhưng sau đó ban lãnh đạo không đề xuất bàn giao cho nhà nước, mà chỉ đạo chi cho các hoạt động khác.

Ngoài ra, cáo trạng cũng xác định, Cienco 1 khi cổ phần hóa "bỏ quên", không xác định giá trị quyền sử dụng 4 khu đất vào giá trị DN. Đây là 4 lô đất nằm ở vị trí đắc địa, rộng từ 422 m2 đến hơn 16.000 m2 tại TP.HCM, Long An, Tiền Giang và Gia Lai, tổng giá trị hơn 67,4 tỉ đồng. Theo xác định, hành vi phạm tội của ban lãnh đạo Cienco 1 đã làm giảm giá trị DN khi cổ phần hóa, gây thiệt hại cho nhà nước gần 240 tỉ đồng.

Giai đoạn 2011 - 2016, Bộ GTVT được đánh giá là đơn vị đi đầu trong tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DN nhà nước. Thực tế cho thấy cách làm nóng vội, vi phạm nhiều quy định thời điểm đó đã khiến nhiều thương vụ cổ phần hóa bị thất thoát vốn nhà nước, đồng thời khiến nhiều DN được tái cơ cấu thay vì hoạt động tốt lên lại đi xuống.

Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Bộ GTVT chia sẻ, bài học cổ phần hóa trong giai đoạn vừa qua rất lớn. Cổ phần hóa quá nhanh trước đây để lại nhiều hệ lụy. Không loại trừ trường hợp khi cổ phần hóa, một số nhà đầu tư thực chất nhắm vào tài sản đất đai của DN nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng. Ví dụ như đất đai, kho bãi, cảng… trong trường hợp thị trường bất động sản tốt, xin chuyển đổi mục đích sang dự án nhà ở thì lãi rất lớn. Nhưng khi đất đai được quản chặt theo luật Quy hoạch, không chuyển đổi mục đích được nữa thì các nhà đầu tư mới không mặn mà với việc phát triển DN.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng một trong những vấn đề cần tính tới của cổ phần hóa là nên hay không nên tách đặc quyền được thuê "đất vàng". Theo ông Ánh, cần tách đất ra khỏi định giá DN khi cổ phần hóa, có như vậy mới xử lý được hàng loạt vấn đề. Lý do, đất đai là sở hữu toàn dân, khi cổ phần hóa bản chất là dịch chuyển sở hữu nhà nước sang đa sở hữu hoặc sở hữu ngoài nhà nước. DN không còn là sở hữu nhà nước hoàn toàn thì bài toán sở hữu phải được xác lập, đặc biệt liên quan vấn đề quản lý đất đai. 

Theo báo cáo của Chính phủ, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 diễn ra chậm, số lượng không nhiều, tồn tại một số trường hợp phát sinh tiêu cực trong định giá liên quan đến đất đai, tài sản. Vấn đề hậu cổ phần hóa chưa được giải quyết dứt điểm, quản lý vốn tại một số DN còn bất cập, khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.