'Lạc lối' hậu cổ phần hóa

27/11/2023 06:29 GMT+7

Điểm chung của nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa là "lạc lối", hoạt động èo uột.

Cảng Hà Nội hoang phế

Sau gần 8 năm cổ phần hóa (CPH), cảng Hà Nội - thuộc Tổng công ty vận tải thủy (VIVASO) đang bị bỏ hoang phần lớn diện tích, cây cối mọc um tùm, nhiều dãy nhà đổ nát hoặc bị "xẻ thịt" cho thuê.

Chúng tôi có mặt ở cảng Hà Nội những ngày giữa tháng 11, trái ngược với cảnh tấp nập xe tải, xe chở hàng ra vào các kho bãi thuê trong cảng là những cầu tàu hoen gỉ nằm phơi sương phơi gió. Anh T., nhân viên bảo vệ tại đây, cho biết mỗi ngày chỉ có một vài chuyến tàu thủy về "ăn hàng". Thời điểm chúng tôi có mặt, chỉ có 2 con tàu đang nằm chờ bốc dỡ hàng hóa, chủ yếu là xi măng.

“Lạc lối” hậu cổ phần hóa - Ảnh 1.

Bên trong cảng Hà Nội đã biến thành điểm cho thuê kho bãi chở hàng của các nhà xe

M.Hà

Để tìm được đường xuống cảng rất khó khăn, lối vào rất nhỏ vì bị chen lấp giữa những kho hàng cho thuê vây kín xung quanh con đường ven sông Hồng. Một số cầu tàu thậm chí không có cần cẩu bốc xếp hàng, nằm gỉ sét ngập trong rác. Trong khi đó, dọc từ đầu lối vào cảng Hà Nội trên đường Bạch Đằng hơn 1 km đếm sơ sơ có cả trăm kho hàng lớn, nhỏ của các nhà xe chạy các tỉnh cả nước từ Cao Bằng, Bắc Kạn đến Nghệ An, Thanh Hóa. Xe tải cỡ nhỏ, cỡ lớn, xe ôm chở hàng ra vào liên tục. Có những nhà kho chỉ vài trăm mét vuông nhưng là nơi nhận đồ của vài chục nhà xe các tuyến.

Tấm biển "Cảng Hà Nội - Khu vực sản xuất - Cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ ra vào cảng" gỉ sét nằm lọt trong một góc không ai chú ý. Bên trong khu vực cắm biển vốn là khu hoạt động chính của cảng hiện chỉ có hoạt động của các đơn vị thuê kho bãi.

Thời điểm VIVASO CPH, giá trị hàng hóa của công ty ước tính khoảng 327 tỉ đồng. Mức giá này từng được nhận xét chỉ "tương đương một căn nhà ở phố cổ", nhưng lại bao gồm toàn bộ hệ thống tài sản của một trong những doanh nghiệp (DN) đầu tàu về vận tải đường thủy. Trong đó nhiều cảng thủy, nhiều cầu tàu mới xây dựng giá trị rất lớn, nhiều cầu tàu có giá trị lịch sử tồn tại từ thời Pháp.

Theo phương án CPH được phê duyệt, tháng 1.2014, công ty mẹ - VIVASO đã phát hành 32,7 triệu cổ phần, nhà nước chiếm 49% vốn điều lệ. Sau 2 lần thoái vốn sau đó, từ tháng 4.2016, VIVASO không còn vốn nhà nước. "Ông chủ" mới của VIVASO là Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường của ông Nguyễn Thủy Nguyên. Đây cũng là ông chủ đã mua lại Hãng phim truyện VN (VIVASO chiếm 65% cổ phần) vướng rất nhiều lùm xùm kiện tụng.

Kịch bản mua lại VIVASO của Vạn Cường cũng tương tự kịch bản mua lại Hãng phim truyện VN. Thời điểm tháng 3.2014, VIVASO đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, chào bán 15 triệu cổ phần, nhưng sau đó chỉ bán được hơn 550.000 cổ phần. Công ty Vạn Cường sau đó đã có công văn xin mua lại toàn bộ hơn 14 triệu cổ phần chưa bán hết và được Bộ GTVT chấp thuận, cho phép Vạn Cường đàm phán, thỏa thuận mua lại cổ phần với VIVASO.

Những thương vụ "hời"

Năm 2022, Tổng công ty công nghiệp ô tô VN (Vinamotor) đặt ra kế hoạch sản xuất, lắp ráp 800 ô tô các loại, song con số thực tế thực hiện là 13 xe, chỉ đạt 2%. Doanh số tiêu thụ ô tô các loại cũng được đặt ra 806 xe, song số tiêu thụ thực tế là 106 xe. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính chỉ đạt hơn 59 tỉ đồng (so với kế hoạch là 342 tỉ đồng), đạt 17%; xuất khẩu lao động chỉ đạt 7 người (mục tiêu 220 người - tương ứng chỉ đạt tỷ lệ 3% kế hoạch).

Những con số này cho thấy rõ sự sa sút, tụt hậu trong hoạt động sản xuất lắp ráp, tiêu thụ ô tô của một DN từng giữ vị trí đầu ngành trước khi CPH, so với các đối thủ là các hãng xe tư nhân sừng sỏ hiện nay. Năm 2013 trước khi CPH, Vinamotor đạt doanh thu 5.606 tỉ đồng; sản xuất, lắp ráp ô tô các loại đạt 4.105 xe; xuất khẩu lao động đạt 3.980 người…

Thời điểm CPH Vinamotor năm 2015, dù có nhiều đại gia trong ngành ô tô khi đó muốn sở hữu cổ phần của hãng xe này như Công ty ô tô TMT, Công ty đầu tư và phát triển Sacom…, song đều không đáp ứng được quy định khá khắt khe do Bộ GTVT đưa ra (đơn vị tham gia đấu giá phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 926 tỉ đồng, không có lỗ lũy kế và cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm).

Với mức giá 1.250 tỉ đồng, việc sở hữu Vinamotor được xem là thương vụ hời, không chỉ bởi vị thế của Vinamotor trong ngành sản xuất lắp ráp xe tải, mà quan trọng hơn là quỹ đất lớn mà DN này sở hữu. Đầu năm 2016, nhà đầu tư đã chiến thắng mua trọn lô 97,7% cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinamotor là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco).

CỔ PHẦN HÓA hay thâu tóm đất vàng ?

Không chỉ Vinamotor, Vinamco năm 2018 cũng mua lại toàn bộ 65% cổ phần Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) để trở thành cổ đông chiến lược. Không cạnh tranh được trong mảng bán lẻ cũng như kinh doanh khá bết bát trước CPH, song Hapro sở hữu quỹ đất đáng mơ ước.

“Lạc lối” hậu cổ phần hóa - Ảnh 2.

Những cầu tàu gỉ sét, nằm lẫn trong rác tại cảng Hà Nội

Theo bản công bố thông tin của Hapro, trước CPH, Tổng công ty đang quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà, đất. Sau CPH, Hapro tiếp tục quản lý sử dụng 114 địa điểm, trong đó có 96 cơ sở nhà, đất tại Hà Nội. Hapro Holdings - công ty thành viên của Hapro thành lập năm 2007, chuyên đầu tư vào các khu mặt bằng thương mại, dự án bất động sản ở Hà Nội và các tỉnh thành khác…

Với VIVASO, DN này từng được biết đến là một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực vận tải thủy, bộ và xếp dỡ hàng hóa. Đặc biệt, còn có một hệ thống cảng với nhiều đất đai nhà xưởng, kho bãi tại các đầu mối giao thông quan trọng… Song lợi thế của VIVASO còn là những khu đất vàng tại miền Bắc, gồm các cảng sông lớn nhất khu vực như cảng Hà Nội, cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc, cảng Hòa Bình, cảng Hà Bắc... Ngoài ra, trụ sở VIVASO tại số 158 Nguyễn Văn Cừ (Q.Long Biên, Hà Nội) cũng được xem là đất vàng với diện tích gần 800 m2. Kể từ thời điểm CPH đến nay, VIVASO chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phần trên sàn chứng khoán.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm liên quan quá trình CPH của VIVASO. Trong đó, phương án CPH thiếu chính xác, tài sản cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc đã hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay chưa được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định, nguy cơ lãng phí vốn đầu tư khoảng gần 135 tỉ đồng…

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ vụ CPH của VIVASO cho Bộ Công an và Viện KSND tối cao tiếp nhận, làm rõ nội dung CPH với các tài sản hình thành từ việc sử dụng nguồn vốn WB6 (cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc - tổng giá trị đầu tư 135 tỉ đồng) và việc xác định giá trị DN để CPH, thoái vốn sai, mất vốn nhà nước tại cảng Hà Nội với số tiền 16,3 tỉ đồng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với UBND TP.Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan chậm có ý kiến về phương án xử lý 3 lô đất khi CPH của VIVASO. Không kiểm tra, xử lý tình trạng xây dựng trái phép, không phép trên khu đất tại cảng Hà Nội. Bên cạnh đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về CPH, thoái vốn tại VIVASO, TAND TP.Hà Nội đã có bản án phúc thẩm về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa VIVASO và Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng. Theo đó, Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng đã xây dựng 9 công trình không phép trong khu vực cảng Hà Nội trong giai đoạn năm 2007 đến trước 2015. 

Liên quan đến việc xử lý kết luận thanh tra, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang có văn bản cho biết đang phối hợp Bộ Tài chính có báo cáo và đề xuất phương án thu hồi số tiền 50,3 tỉ đồng. Dù vậy việc xử lý theo đánh giá là khá phức tạp, do liên quan đến định giá của tư vấn thẩm định vào thời điểm đó. Bộ GTVT đã có văn bản gửi VIVASO và sẽ họp với các đơn vị liên quan để tìm hướng giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.