Những phản ứng trái chiều về thỏa thuận khung hạt nhân Iran

03/04/2015 10:24 GMT+7

(TNO) Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran. Lãnh đạo các quốc gia lên tiếng hoan nghênh một cách thận trọng, còn Israel thì phản đối quyết liệt.

(TNO) Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran. Lãnh đạo các quốc gia lên tiếng hoan nghênh một cách thận trọng, còn Israel thì phản đối quyết liệt.

Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: Reuters
Sau 8 ngày đàm phán cân não ở Thụy Sĩ, Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Đức, Mỹ, Trung Quốc) đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Tehran vào ngày 2.4, theo Reuters.
Ngay sau khi tuyên bố về thỏa thuận khung được đưa ra ở Thụy Sĩ, Tổng thống Mỹ Obama đã tổ chức họp báo tại Nhà Trắng. Ông Obama khẳng định đây là một thỏa thuận tốt, có tính chất lịch sử và nếu đi đến được thỏa thuận toàn diện cuối cùng thì nó sẽ giúp nước Mỹ, các đồng minh và cả thế giới trở nên an toàn hơn.
Cùng ngày, ông chủ Nhà Trắng đã điện đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande; Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Vua Ả Rập Xê Út Salman bin Abdulaziz al-Saud để thảo luận về thỏa thuận khung vừa đạt được với Iran. 
Từ nước Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng thỏa thuận khung vừa đạt được giữa các bên thể hiện “một bước đi quan trọng” trong việc ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Nga, Pháp, Anh cũng đều đánh giá đây là một bước đi tích cực trong vấn đề hạt nhân đã tranh cãi suốt nhiều năm qua. 
Trong một tuyên bố hôm 2.4, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon chúc mừng các bên về thỏa thuận khung đạt được trong vấn đề hạt nhân Iran, theo Reuters.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - Ảnh: Reuters
Trong khi lãnh đạo các nước lên tiếng hoan nghênh, dù thận trọng, về thỏa thuận khung vừa đạt được, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ, Tân Hoa xã dẫn thông báo của Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 3.4.
Ông Netanyahu lên tiếng khẳng định thỏa thuận này không những không ngăn được mà còn mở đường cho Iran sản xuất bom và phát triển hạt nhân.
Trong cuộc nói chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 2.4, ông Netanyahu cho rằng thỏa thuận khung nói trên đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Israel, khu vực và toàn thế giới. Thủ tướng Israel lo ngại thỏa thuận trên sẽ đe dọa đến sự tồn vong của Israel vì nó sẽ “hợp pháp hóa chương trình hạt nhân của Iran, thúc đẩy nền kinh tế Iran, gia tăng sự gây hấn và khủng bố của Iran khắp khu vực và xa hơn nữa”, theo Tân Hoa xã.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng thận trọng cho rằng còn quá sớm để ăn mừng nhưng thỏa thuận này là bước đi lớn, có tính quyết định hướng tới giảm bớt xung đột ở Trung Đông nếu đạt được thỏa thuận cuối cùng vào vài tháng tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.