Những phát hiện khảo cổ 2012: Nhìn lại thành Xương Giang

15/11/2012 04:35 GMT+7

Kết thúc khai quật thành Xương Giang năm 2012, các nhà khảo cổ đã hoàn chỉnh về nơi chứng kiến trận quyết chiến chiến lược đời Lê năm 1427.

Có đến 11 hố khai quật với tổng diện tích tới 1.000 m2 đã được mở ở di tích thành Xương Giang, Bắc Giang. Ngoài các dấu vết địa tầng, kiến trúc, các nhà khảo cổ còn thu được nhiều vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ sành và nhiều xương động vật.

Nhóm di vật vật liệu kiến trúc gồm 888 tiêu bản ngói, 34 tiêu bản gạch. “Nhóm hiện vật này đều có niên đại thuộc thế kỷ 15”, TS Trịnh Hoàng Hiệp, người chủ trì khai quật cho biết.

Các nhà khảo cổ phát hiện 424 tiêu bản gốm tráng men Việt Nam. Chúng gồm các loại hình chén, bát, đĩa, liễn, vò, tước với các dòng men ngọc, men trắng vẽ lam, men nâu có niên đại từ thế kỷ 13-15, trong đó chủ yếu là gốm sứ thời Trần thế kỷ 13-14. Họ cũng phát hiện 122 tiêu bản gốm tráng men Trung Quốc, bao gồm các loại hình chén, bát, đĩa với các dòng men ngọc, men trắng vẽ lam có niên đại trải dài từ thế kỷ thứ 7-15, trong đó chủ yếu là gốm thời Minh thế kỷ 15.

Di vật sành tìm thấy có số lượng 2.027 tiêu bản, gồm các loại hình lon, vại, vò, chậu, bát, liễn... có niên đại thời Trần, thời Lê từ thế kỷ 13-15. Tuy nhiên, nhóm hiện vật niên đại thế kỷ 15 chiếm số lượng lớn. “Ngoài ra chúng tôi còn thấy một tiêu bản đất nung, nhiều khả năng là máng cho gia súc ăn, cùng một số đinh, mũi nhọn, móc, dao và đạn đá”, ông Hiệp nói.

Khai quật di tích thành Xương Giang đã phác thảo hệ thống kiến trúc và chức năng của nó trong lịch sử. Bằng chứng khảo cổ với gạch ốp trang trí có nhiều mô típ hoa văn, đường nét tinh xảo, sự phong phú và các vật liệu kiến trúc khác cho thấy hình dung công trình kiến trúc dinh thự của tầng lớp quan lại cao cấp của quân đội nhà Minh.

Các nhà khảo cổ cũng đã khoanh vùng được nơi có dấu vết về sinh hoạt, chiến tranh để lại như những đống đổ nát lẫn than tro và tàn tích thức ăn...

Cưỡi ngựa, ăn thịt bò ?

Số lượng xương cốt được tìm thấy trong các hố khai quật không nhiều. Hầu hết xương cốt được phát hiện ở các hố đất đen nhỏ là mảnh xương răng động vật, trong đó có mảnh răng hàm của trâu/bò đã bị vỡ nhưng vẫn còn khá nguyên về hình dáng và một mảnh thân xương nhiều khả năng là xương chày của lợn. Tại một nhóm hố khác, các nhà khảo cổ tìm thấy hiện vật đáng chú ý là một mảnh móng chân của loài ngựa và hai mảnh xương chậu có thể của loài chó.

Các xương còn lại đều của trâu, bò. Những xương này tập trung thành cụm với các mảnh sừng. Nhóm xương bò cho phép xác định số lượng tối thiểu là 3 cá thể. Trong đó ít nhất một cá thể còn non dựa trên đặc điểm đầu khớp chưa liền ở xương cánh tay và xương đùi. Cụm xương cốt đặt ra câu hỏi, tại sao chỉ xuất hiện duy nhất một cụm xương trong khu vực khai quật? Liệu đây có phải là nơi chôn các con vật sau khi cúng tế hoặc chôn yểm hay không?

Mặc dù các mảnh xương đều vỡ và khá mềm do tình trạng bảo tồn không tốt nhưng nhóm khảo cổ vẫn tìm thấy một mảnh xương đốt sống còn có những vết chặt rất rõ trên xương. “Đó có thể là dấu vết của quá trình xẻ thịt, nên có thể nói các con vật này đã được sử dụng làm thức ăn và phần xương còn lại được chôn lấp”, TS Hiệp phân tích.

Còn về việc trong di tích chỉ phát hiện một mảnh móng chân của ngựa và hai mảnh nhỏ xương chậu của chó, nhóm khai quật nghĩ đến hai khả năng. Hoặc các loài đó cũng đã được sử dụng làm thức ăn. Hoặc đây cũng chỉ là sự xuất hiện ngẫu nhiên vì các xương đó là phần mang nên rất ít thịt. Chỉ với một mảnh xương đơn lẻ rất khó có thể đưa ra một nhận định xác đáng về các xương cốt.

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng đưa ra so sánh với các di cốt đã được phát hiện trong các di tích thành quách như khu Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Tại hoàng thành, xương trâu bò chiếm số lượng chủ yếu vì đó là nguồn dinh dưỡng chính được sử dụng. Bên cạnh đó, xương ngựa với các dấu vết chế biến cũng khá phổ biến, như vậy loài ngựa ngoài việc phục vụ di chuyển còn là nguồn thực phẩm. Như vậy, có thể những hố đất đen chứa xương động vật tại Xương Giang này là dấu tích của hố rác.

Trùng tu

Lịch sử các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm hay chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam thường được kết thúc bằng một trận quyết chiến chiến lược. Vương triều Ngô đánh trận Bạch Đằng năm 938. Đời Tiền Lê (Lê Đại Hành) cũng nổi danh với trận Bạch Đằng năm 981. Đời Lý đánh trận Như Nguyệt năm 1077, đời Trần ghi dấu Bạch Đằng năm 1288. Đời Lê có dấu ấn ở trận Chi Lăng - Xương Giang năm 1427. “Do đó, việc xây dựng không gian văn hóa để tưởng niệm chiến thắng Xương Giang là cần thiết”, ông Hiệp đánh giá.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, trong quá trình thi công cần có sự phối hợp giữa Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cử cán bộ giám sát nhằm tránh thất lạc những hiện vật khảo cổ học cũng như đề xuất các phương án di dời các di tích như: di cốt người, động vật và vết tích kiến trúc... xuất lộ khi thi công công trình.

Về phương án bảo tồn, nhóm nghiên cứu cho rằng: “Nói đến thành Xương Giang là người ta nghĩ ngay đến lũy, hào. Nhưng do đô thị hóa nên hầu hết trên mặt thành là nhà ở, còn hào là nơi thả cá... nên không thể nhận ra đâu là lũy, hào ở di tích này. Vì vậy, UBND thành phố Bắc Giang nên giữ lại một đoạn lũy, hào ở gần cửa thành phía đông để làm một trong những điểm đến của du khách tham quan”.

Trinh Nguyễn

>> Những phát hiện khảo cổ 2012 - Cơ hội tìm chính điện thành Hồ
>> Những phát hiện khảo cổ 2012: Cụm 3 chùa cổ tại Tuyên Quang
>> Những phát hiện khảo cổ 2012 - Tái hiện lăng vua Trần
>> Những phát hiện khảo cổ 2012 - “Thực đơn ốc” của người cổ Tràng An
>> Những phát hiện khảo cổ 2012: Đài thiên văn cổ
>> Những phát hiện khảo cổ 2012: Tìm thấy tấm bia cổ nhất Việt Nam ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.