Sau 8 năm kể từ ngày ông Nguyễn Văn Đức phát hiện được trong lúc đào lò gạch, tấm bia đá khắc minh văn ở Bắc Ninh đã “đốt cháy” diễn đàn của hội nghị thông báo khảo cổ học năm nay. Khi được tìm thấy, bia được úp khít vào một nắp, dính vào nhau bởi một chất liệu đặc biệt. Chính vì thế, ông Đức cùng vài công nhân phải rất vất vả mới tách ra được. Theo các nhà nghiên cứu, bản thân việc bia được phát hiện trong hộp chôn dưới đất cũng là chuyện hiếm gặp.
“Bia được để trong hộp có mái che nên rất rõ nét, chữ khắc đậm, sâu, còn nguyên vẹn”, ông Nguyễn Quang Hà, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết.
Ghi chép về tháp xá lị thời Tùy
Theo những dòng chữ trên bia, một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là hiện vật gắn với chùa Thiền Chúng xứ Giao Châu xưa (Bắc Ninh ngày nay), minh chứng cho sự kiện Tùy Văn Đế dựng tháp xá lị năm 601. Theo đó, Tùy Văn Đế đã ban xá lị cho một số nơi, rồi những nơi đó xây tháp cất. Thông thường, tại những tháp đó đều có minh văn ghi rõ về sự kiện, gọi là minh văn “Nhân thọ xá lợi tháp”.
|
Ông Phạm Lê Huy, Khoa Đông Phương ĐH KHXH-NV Hà Nội, cho biết qua so sánh, có thể thấy minh văn tìm được tại Bắc Ninh có nội dung về cơ bản giống với các minh văn “Nhân thọ xá lợi tháp” có niên đại 601 đã phát hiện tại Trung Quốc, chỉ tồn tại một số khác biệt nhỏ. Chẳng hạn, minh văn tại Bắc Ninh có tiêu đề “Xá lợi tháp minh”. Trong khi đó, một số minh văn Trung Quốc lại ghi là “Xá lợi tháp hạ minh” hoặc không ghi tiêu đề. Thứ nữa, trong khi các minh văn khác chỉ có phần chính văn thì minh văn tại Bắc Ninh lại có thêm phần chú thích về “sắc sứ” là “Đại đức Tuệ Nhã pháp sư” và “Vũ kỵ úy Khương Huy”.
Việc bia và nắp bia được kết dính bằng một chất đặc biệt cũng từng xảy ra tại Trung Quốc. Theo tư liệu của một nhà nghiên cứu Nhật Bản, hộp đá đựng minh văn “Nhân thọ xá lợi tháp” tại chùa Hoằng Nghiệp ở U Châu cũng được dính bằng “hương nê” (bùn hương).
Từ những thống nhất nội dung trên, ông Phạm Lê Huy nhận định tấm bia tìm được ở Bắc Ninh chính là minh văn “Nhân thọ xá lợi tháp”. Bia được khắc nhân sự kiện xây dựng tháp xá lợi ở Giao Châu năm 601. “Đây là tấm bia hiện còn lưu giữ được có niên đại cổ nhất Việt Nam”, ông Huy nói.
Hình dung về chính trị, ngoại giao, Phật giáo
Lần theo thư tịch cổ, ông Quang Hà cho biết một số ghi chép về lý do Tùy Cao Tổ đã sai sứ mang xá lị Phật sang để xây tháp tại Giao Châu. Thiền Uyển tập anh cho biết thời đó, nhà sư ở Giao Châu đã tu tập thiền định quên hết cả vật lẫn bản thân mình. Vì thế, chim rừng bay tới vây quanh, dã thú đùa giỡn. Người đương thời hâm mộ danh tiếng, đến học đạo đông không kể xiết. Thứ sử nhà Tùy là Lưu Phương tâu về triều. Tùy Cao Tổ sai sứ đem xá lị Phật và năm hòm sắc điệp sang ban cho sư để xây tháp cúng Giàng.
Như vậy, việc tìm thấy bia đá tại Bắc Ninh đã cho thấy một phần lịch sử Phật giáo nước ta. Bên cạnh đó, bia đá cũng cho thấy quy cách tổ chức nghi lễ, chính quyền nhà Tùy thời đó.
“Sự thống nhất về câu chữ trong minh văn cho thấy bên cạnh thiết kế tháp xá lợi, quy cách tổ chức nghi lễ, chính quyền Trung ương của nhà Tùy đã biên soạn trước nội dung minh văn để phân phát cho các địa phương”, ông Huy phân tích. “Mặt khác, kích thước bia, kiểu chữ khắc lại khác nhau. Việc tìm thấy minh văn tại Bắc Ninh giúp tái khẳng định ý kiến của Kegazawa cho rằng nhà Tùy chỉ đóng vai trò biên soạn nội dung minh văn, còn việc khắc bia giao cho các địa phương. Nói cách khác, có thể cho rằng tấm bia 601 được khắc tại Việt Nam”.
Theo các nhà nghiên cứu, minh văn tháp xá lợi tìm thấy tại Bắc Ninh đã thay thế bia Trường Xuân, trở thành tấm bia có niên đại cổ nhất Việt Nam hiện còn lưu giữ được. Cả hai văn bia này giúp chúng ta có nhận thức hoàn chỉnh hơn về hoạt động xây dựng tháp xá lợi và các tín ngưỡng xung quanh trong thời thuộc Tùy - Đường.
Không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam, tấm bia này cũng là nguồn tư liệu quý quá giúp nâng cao hiểu biết của giới học giả Trung Quốc và Nhật Bản về hoạt động xây dựng “Nhân thọ xá lợi tháp” nói riêng và chính sách Phật giáo của nhà Tùy nói chung. Cụ thể, nó giúp xác định địa điểm xây dựng tháp, sứ giả hộ tống.
Tấm bia cũng là một tài liệu bổ sung cho nghiên cứu lịch sử giao thông thời Bắc thuộc. Chiếu thư Tùy Văn Đế phát ra ngày 13.6, ước hẹn các địa phương cùng hạ thổ xá lợi vào 15.10. Như vậy, nhà Tùy đã phải cân nhắc thời gian cần thiết để sứ giả đi tới các địa phương. Theo đó, thời gian 124 ngày giữa hai mốc là thời gian tối đa để đi từ kinh đô nhà Tùy tới nước ta khi đó là An Nam đô hộ phủ. Điều này cũng tương ứng với một nghiên cứu của ông Huy trước đây.
Khả năng ngụy tạo ? Ông Nguyễn Đạt Thức, Cục Di sản văn hóa, cho biết: “Bên cạnh quan điểm đây là bia cổ nhất, lại có một quan điểm khác ngờ rằng, đây không phải là hiện vật gốc mà được người sau cho khắc lại, thậm chí là được ngụy tạo. Tuy nhiên, những người theo quan điểm này lại chưa thể đưa ra những chứng minh mang tính khoa học, mà chỉ dựa trên một số lập luận mang tính cảm quan”. Theo ông Lê Cảnh Lam, Viện Khảo cổ học, quan sát trên ảnh chụp với những đường nét khá nguyên vẹn, trông bia có vẻ mới hơn tuổi thọ cổ nhất của mình. Vì thế, ngoài việc nghiên cứu “phông chữ” qua cách khắc, theo ông Lam rất cần phải có những nghiên cứu khoa học tự nhiên về tấm bia này. Về phần mình, ông Thức cũng không khai thác vấn đề tuổi thọ thật của hiện vật mà chỉ nói về các thông tin lịch sử văn hóa có liên quan đến tấm bia như sự kiện Tùy Văn Đế cho dựng tháp xá lị. |
Trinh Nguyễn
>> Khảo cổ học “nhón chân” vào thế giới phẳng
>> Công bố hơn 500 phát hiện khảo cổ học
>> Trưng bày khảo cổ ở nhà Quốc hội
>> Khai quật khảo cổ vùng thung lũng sông Tang
>> Khai quật di chỉ khảo cổ Hòa Do
>> Mở đường cho khảo cổ học đô thị
>> Angelina Jolie vào vai nhà khảo cổ
>> Phát hiện khảo cổ quan trọng thời Lý: Kiến trúc quốc tự chưa từng có
>> Dùng máy bay không người lái cho khảo cổ
>> Khảo cổ pháp y
>> Nhà khảo cổ học Đỗ Văn Ninh qua đời
>> Khảo cổ học bình dân
Bình luận (0)