Câu chuyện được một người con dâu chia sẻ kèm những chiếc phong bì có lời chúc bên ngoài khiến nhiều người ngưỡng mộ. Cư dân mạng cho rằng, giá trị không phải nằm trong phong bì mà nằm ở nét chữ và những lời chúc của bố chồng dành cho con dâu.
Thương con dâu như con đẻ
Nhân vật chính trong câu chuyện trên là chị Nguyễn Minh Hải (30 tuổi) và ông bố chồng "quốc dân" Nguyễn Văn Thùy (70 tuổi, ở TP.Thái Nguyên).
Chị Hải chia sẻ, ngày sinh nhật, các ngày lễ như 30.4, 2.9, Tết dương lịch, Tết nguyên đán... bố chồng đều có quà dành cho chị. Nếu bố không đi làm sẽ trao tận tay, còn không sẽ đưa cho mẹ chồng và em trai gửi tặng. Trước đây, ông Thùy làm công chức nhà nước. Nghỉ hưu, ông vẫn miệt mài làm việc cho một công ty tư nhân, không chọn cuộc sống an nhàn. "Tôi không đi làm ở các cơ quan nhà nước nên những dịp đó đều không có chế độ lương thưởng. Bố không muốn tôi tủi thân nên dành những món quà đó động viên tinh thần", chị Hải tâm sự.
Chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội, chị Hải cho biết muốn lan tỏa những điều tích cực đến mọi người. Vì thế, chị rất vui khi đọc được những câu chuyện ngọt ngào về gia đình người khác phía dưới bình luận. "Cuối lời chúc, bố luôn viết và ký tên một cách đầy trìu mến: "Bố của con!". Bố coi tôi như con đẻ, lúc nào cũng tự hào tôi là con dâu trưởng của gia đình. Tôi cũng rất xúc động với tình cảm bố dành cho mình. Tôi luôn giữ lại tất cả những phong bì đó làm kỷ niệm", chị Hải kể.
Gia đình chồng chị Hải có hai anh em, chị về làm dâu được 4 năm. Với chị, bố chồng là người trí thức, điềm đạm và rất chân thành. Ông luôn nhắc con trai phải giúp đỡ vợ trong công việc và yêu thương, nhường nhịn trong cuộc sống. "Bố chồng yêu thương tôi như bố đẻ, lúc nào cũng quan tâm, lo lắng xem tôi có bán được hàng không, có mệt không. Mọi người trong gia đình chồng rất thoải mái. Mẹ chồng cũng tâm lý, tạo điều kiện để tôi có thời gian làm việc riêng", cô con dâu chia sẻ.
Gia đình giữ hòa khí, yêu thương nhau
Chị Hải chia sẻ thêm, bố đẻ chị đã mất nhưng ông trời lại bù đắp cho một người bố chồng tuyệt vời. Bố luôn dặn dò các con không nên làm việc quá nhiều, giữ gìn sức khỏe. "Bố đẻ tôi mất sớm nên mẹ tôi thường đón tết một mình. Có năm 30 tết tôi gọi về nhà, thương mẹ nên tôi đã khóc. Hôm sau, bố mẹ chồng biết và nói rằng rất áy náy vì không nghĩ ra được tình cảnh đó, nên giục hai vợ chồng về sớm ăn cơm với mẹ. Năm sau, bố mẹ chồng nói cả hai về đón giao thừa, ăn tết bên nhà vợ. Trong thâm tâm, tôi luôn mong bố mẹ luôn mạnh khỏe, sống đầm ấm cùng con cháu", chị nói.
Ông Thùy nói rằng, bản thân không phải là thế hệ quá cao tuổi, xuất phát từ cơ quan nhà nước nên muốn có quà động viên con cái vào những dịp đặc biệt. Ông mượn những ngày đó để thay lời muốn nói, chia sẻ tình thương dành cho các con. "Tôi không phải là người cổ hủ và cũng chưa cần các con báo hiếu, nuôi dưỡng. Tôi muốn mọi người trong gia đình gần lại với nhau. Món quà không quá lớn nhưng là sợi dây gắn kết các thành viên trong nhà đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Tôi rất quý con dâu vì tính hiền lành, chất phác", ông tâm sự và mong con cháu luôn mạnh khỏe, yêu thương, giữ gìn hạnh phúc gia đình.
"Con dâu không còn bố đẻ nên tôi phải có trách nhiệm bù đắp, động viên. Dù có nhiều khó khăn nhưng tôi muốn các con phải duy trì đạo đức tốt, luôn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống", ông bộc bạch.
Trong cuộc sống, mối quan hệ nàng dâu với gia đình chồng luôn là điều băn khoăn của nhiều chị em. Không ít người lo lắng vì sợ bản thân không hòa hợp với gia đình chồng. Tuy nhiên, qua câu chuyện trên, cư dân mạng đều nhất trí rằng trong gia đình mọi thành viên nếu biết cách ứng xử phù hợp, san sẻ yêu thương thì sẽ luôn tạo ra sự hòa thuận, vui vẻ.
Bình luận (0)