Lan tỏa trên mạng xã hội:

Con dâu tổ chức đám cưới thời xưa cho bố mẹ chồng

24/05/2023 09:22 GMT+7

Chị Hạnh xem bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ. Kỷ niệm 50 năm ngày cưới, các con tái hiện lễ cưới thời bao cấp và xem đó là món quà ý nghĩa dành cho đấng sinh thành.

Trong không gian tái hiện một lễ cưới thời xưa, cặp vợ chồng nở nụ cười tươi, trao cho nhau cặp nhẫn cưới. Họ mừng đến rơi nước mắt khi được con cháu tổ chức lễ kỷ niệm một cách bất ngờ.

Ý tưởng đặc biệt của con dâu

Nhân vật chính trong câu chuyện trên là ông Phan Quốc Việt (74 tuổi) và bà Nguyễn Thị Minh Tâm (73 tuổi, quê ở Nghệ An). Chị Trần Thị Mỹ Hạnh (34 tuổi, con dâu ông bà) là người chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội.

Con dâu tổ chức đám cưới thời xưa  cho bố mẹ chồng - Ảnh 1.

Ông bà hạnh phúc khi được con cái tổ chức lễ kỷ niệm ngày cưới

NVCC

Chị Hạnh tâm sự, sắp đến ngày cưới của bố mẹ chồng, trong lòng chị cứ thôi thúc muốn làm một điều đặc biệt. Nhớ lại hồi trước, bố là bác sĩ trong quân đội, mẹ từ quê ra Hà Nội làm đám cưới với bố ở đơn vị, không có nội ngoại hai bên, tổ chức sơ sài. Vì vậy, chị nghĩ ra ý tưởng sẽ tổ chức lễ kỷ niệm ngày cưới có đầy đủ mọi người. Vợ chồng chị họp bàn với anh em trong nhà, ai nấy đều đồng ý. Mọi người cùng nhau lên kế hoạch quyết tâm giữ kín để tạo bất ngờ. Những khách mời đặc biệt là các thông gia, anh chị em, bạn bè của ông bà đều được thông báo giữ bí mật tuyệt đối.

Công đoạn tìm kiếm đồ dùng ngày xưa để tái hiện không gian thời bao cấp gặp đôi chút khó khăn. Chị đã tìm kiếm trên các sàn thương mại điện tử, mượn người quen. Anh chị ở quê giả vờ khơi lại chuyện để bố mẹ kể đám cưới thời xưa, thu thập thêm dữ liệu làm MV kể lại hành trình 50 năm.

Con dâu tổ chức đám cưới thời xưa cho bố mẹ chồng - Ảnh 2.

"Khi bố ruột mình ốm, thì chính bố chồng là người chữa bệnh và sau này mình về làm con dâu của ông. May mắn với mình là được làm con dâu của bố mẹ, được sống trong không khí gia đình mà tình yêu thương được vun đắp mỗi ngày. Bố mẹ chồng là người nhân hậu, không bao giờ xét nét con cái. Các thành viên trong gia đình gặp nhau lúc nào cũng cười nói tíu tít", chị tâm sự.

17 giờ chiều, khách mời bắt đầu đến, ai cũng bất ngờ với khâu trang trí và háo hức chờ đợi nhân vật. Bà Tâm vẫn đi chợ nấu cơm cho chồng như mọi ngày bỗng được các con mời đi ăn kỷ niệm ngày cưới. Họ được chở đến nhà hàng và ngạc nhiên khi con cháu, bạn bè, thông gia đều có mặt ở đó. Bà Tâm cứ sụt sịt vừa khóc vừa cười, khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc. Chị Hạnh mỉm cười nhưng ánh mắt rớm lệ vì đã làm được một điều ý nghĩa trong cuộc đời cho bố mẹ chồng.

Con dâu tổ chức đám cưới thời xưa cho bố mẹ chồng - Ảnh 3.

50 năm nghĩa tình

Bà Tâm vô cùng xúc động và bất ngờ trước tình cảm của các con. Ông bà chính là mối tình đầu của nhau, quen nhau từ khi bà học lớp 4. Lớn lên, bà học trung cấp nấu ăn, ông đỗ vào trường y. Hai người bên nhau trong những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ. Tốt nghiệp sau 6 năm theo học, ông làm bác sĩ quân y. 

Sau khi đám cưới được tổ chức trong một đơn vị ở Hà Nội, vợ chồng họ về quê sinh sống. Ông bà có 3 người con gồm 2 gái, 1 trai. "Tôi với ông quen nhau từ nhỏ rồi nên duyên vợ chồng. Sau lễ kỷ niệm đám cưới do con cái tổ chức, tôi cứ xem đi xem lại video vì quá vui và xúc động", bà bộc bạch.

Con dâu tổ chức đám cưới thời xưa  cho bố mẹ chồng - Ảnh 2.

Cả gia đình cùng chụp hình kỷ niệm

"Tuyệt vời!" là từ bà nhận xét về chồng. Ông luôn là người chồng, người cha mẫu mực của cả gia đình. Khi các con còn nhỏ, ông là người dìu dắt, chăm lo việc học cho các con. Sau này, ai cũng trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định và báo hiếu bố mẹ nên bà càng hạnh phúc. Người bác sĩ đã nghỉ hưu 20 năm nay nhưng hiện vẫn miệt mài làm việc tại một phòng khám tư nhân. Họ là tấm gương sáng cho các con, các cháu noi theo.

Con dâu tổ chức đám cưới thời xưa  cho bố mẹ chồng - Ảnh 3.

Ông Việt chia sẻ: "Tôi ngỡ ngàng với những gì các con làm cho bố mẹ. Vợ chồng tôi là trăm năm tình viên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê. Tôi mong các con sẽ chăm sóc bản thân, gia đình các con thật tốt để cả đại gia đình bình an, hạnh phúc". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.