Những phong tục tập quán ngày Tết ở Trung Quốc đang dần biến mất

Văn Khoa
Văn Khoa
01/02/2022 16:45 GMT+7

Tết Nguyên đán ở Trung Quốc đã tạo ra vô số phong tục tập quán, nhưng hiện nay có những phong tục tập quán bị cho là đang biến mất.

Sau đây là những phong tục tập quán từ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc đang biến mất, theo chuyên trang Chinahighlights.comChinatravel.com.

Lễ đưa ông Táo về trời

Lễ đưa ông Táo về trời được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp (ở miền bắc Trung Quốc) hoặc vào ngày 24 tháng Chạp (ở miền nam Trung Quốc). Ngày nay, nhiều người dân trong các ngôi làng ở Trung Quốc di chuyển đến những ngôi nhà hiện đại không có bàn thờ bếp như trước đây, tương tự như những ngôi nhà hiện đại ở các thành phố lớn. Do đó, lễ đưa ông Táo về trời hiện nay được cho là hiếm thấy ở Trung Quốc.

Ủ bột bánh bao ngày 28 tháng Chạp

Người Trung Quốc từng cho rằng thời gian thích hợp để ủ bột làm bánh bao cho những ngày tết là vào ngày 28 tháng Chạp. Khi đó, mỗi hộ gia đình bận rộn với việc chuẩn bị thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là bánh bao. Trong quá khứ, bột làm bánh bao có men nở dễ bị hư nhanh, nên nhiều người chờ 2 ngày trước khi Tết Nguyên đán đến mới cho ủ bột. Tuy nhiên, phong tục ủ bột làm bánh bao hiện nay hiếm được thấy vì bột làm bánh lúc nào cũng được bày bán, và có tủ lạnh để trữ bánh.

Đua nhau đốt pháo vào sáng mùng một

Đốt pháo đã bị cấm tại nhiều thành phố ở Trung Quốc

Chụp màn hình .chinatravel.com

Theo truyền thống, mỗi hộ gia đình ở Trung Quốc cố gắng trở thành hộ đầu tiên đốt pháo vào lúc 0 giờ mùng một tết. Đầu tiên là một dây pháo nhỏ rồi kế đến 3 dây pháo lớn, tượng trưng cho việc tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới. Ba dây pháo sau càng lớn thì càng tốt và năm mới sẽ có nhiều may mắn hơn. Tuy nhiên, việc đốt pháo đã bị cấm ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc nên phong tục này chỉ có thể còn được tổ chức ở các tỉnh và vùng nông thôn.

Quỳ lạy người lớn tuổi

Trong quá khứ, nhiều người Trung Quốc quỳ lạy người lớn tuổi để thể hiện lòng tôn kính của họ. Trong mùng một tết, toàn gia đình tập trung để chúc tết những người lớn tuổi. Trong đó, những người trẻ hơn quỳ lạy những người lớn tuổi ngay trước sân nhà. Những người lớn tuổi sau đó lì xì cho những người trẻ. Tuy nhiên, phong tục này hiện nay dường như không còn nữa vì những người trẻ cảm thấy ngượng, theo trang Chinatravel.com.

Hình ảnh được cho là người trẻ quỳ lạy và chúc tết người lớn tuổi ở Trung Quốc

Chụp từ CLip

Không dùng chổi vào ngày tết

Vào mùng một tết, nhiều người ở Trung Quốc có truyền thống thăm người thân và nhận tiền lì xì nên trong nhà sẽ có nhiều rác từ việc tiếp đãi khách. Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc cho rằng việc dùng chổi quét nhà và đổ rác vào mùng một hoặc mùng hai tết bị xem là không may mắn và họ không muốn quét sạch “may mắn của năm mới”. Phong tục này hiện nay hiếm được thấy trong các thành phố, nhưng vẫn còn phổ biến trong những ngôi làng ở Trung Quốc.

Gia đình làm vàng mã thủ công ở Đài Loan cũng lo nghề mai một

Không ra ngoài vào mùng ba tết

Trong dân gian Trung Quốc, mùng ba tết còn được gọi là“Xích Cẩu Nhật”. Xích Cẩu được cho là vị thần rất dễ cáu kỉnh hay xuất hiện vào mùng ba tết và ai ra ngõ gặp Thần Xích Cẩu thì người đó sẽ bị xúi quẩy, cho nên mùng ba tết là ngày dữ, không nên đi đâu chơi, theo Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI). Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc hiện đại phớt lờ điều mê tín này và vẫn thăm bạn bè vào mùng ba tết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.