Những phụ nữ gác chắn đường tàu

Nghề gác chắn tưởng chừng như đơn giản, nhàn hạ nhưng ẩn đằng sau là bao vất vả trách nhiệm nặng nề. Đối với người phụ nữ, công việc này lại thêm phần cực nhọc, vất vả hơn gấp bội...

Những khóm hồng dọc đường ray

Trạm gác chắn đường ngang tại Km 687+915, đường sắt bắc - nam (giao nhau với tuyến đường Tôn Thất Tùng, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) do tổ phụ nữ của Công ty CP đường sắt Bình Trị Thiên đảm nhận, được thành lập vào năm 2016. Gác trực 24/24 chia làm 2 ca, mỗi ca 12 tiếng, ca 1 từ 6 giờ đến 18 giờ tối; ca 2 từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.

Mấy ai hiểu nỗi khổ của những phụ nữ gác chắn đường tàu

Nơi làm việc của các chị là trạm gác rộng khoảng 10 m2, nằm sát bên đường tàu suốt ngày rầm rập, thế nhưng tranh thủ những lúc rảnh rỗi, các chị vẫn chăm bón ít chậu hoa hồng, dăm ba cây cảnh xanh tươi cho nơi làm việc thêm phần sinh khí.
“Công việc so với các ngành nghề khác thì không nặng nhọc lắm nhưng trách nhiệm thì nặng nề và cũng nhiều lần gặp những tình huống bất ngờ khi nhiều người cố tình vượt chắn, bất chấp tín hiệu cảnh báo để qua đường. Thậm chí nhiều người còn dùng những lời lẽ không chuẩn mực để chửi bới, đe dọa, hành hung... Rồi những đêm muộn gác chắn luôn phải đề phòng đối phó với những thanh niên nghiện ngập, hút chích, say xỉn... ”, chị Nguyễn Thị Diệp, người có thâm niên làm việc lâu năm nhất (8 năm) tại trạm gác, chia sẻ.
Những phụ nữ gác chắn đường tàu1

Chị Nguyễn Thị Diệp mở gác chắn sau khi một chuyến tàu vừa qua

Ảnh: B.N.L

Gác chắn tàu không chỉ ẩn chứa nhiều hiểm nguy mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe khi trạm gác nằm gần khu vực đông dân cư, xe cộ qua lại đông đúc, thường xuyên gây ra ô nhiễm không khí và âm thanh... Những lo lắng, nhọc nhằn đâu chỉ dừng lại ở đó khi công việc này đối với nam giới đã cực nhọc huống gì là với các chị em phụ nữ.
Vừa phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày tại gác chắn, vừa phải lo công việc gia đình chăm sóc con cái. Gần đây do dịch bệnh Covid-19, nên các con được nghỉ học, có chị phải gửi con cho ông bà giữ hộ, có chị lại phải đem con đến trạm gác vừa làm việc vừa trông con.
Hằng ngày, hằng giờ các chị phải nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ: nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận sổ nhật ký giờ đến của tàu khi được thông báo, bật đèn tín hiệu, kéo chắn để ngăn các phương tiện đường bộ nhằm đảm bảo an toàn cho đoàn tàu lưu thông.

Là phụ nữ ai cũng mơ ước có một công việc không khói bụi, không có âm thanh ầm ĩ của còi tàu, khoác lên mình bộ quần áo đẹp đẽ, có văn phòng sang trọng tiện nghi... Nhưng rồi nếu ai cũng ngồi văn phòng, ăn mặc sang trọng thì ai sẽ giữ an toàn cho những chuyến tàu...

Chị Văn Thị Hoa, nhân viên trạm gác chắn Km 687+915

Ngày nắng công việc tuy vất vả nhưng còn đỡ hơn ngày mưa lạnh, từ sáng sớm cho đến giữa đêm khuya... khi có một chuyến tàu đi qua, các chị phải kéo chắn tàu và đứng gác cho đến khi chuyến tàu khuất bóng. Có những lúc 1 - 2 giờ sáng, đường phố tuy không còn ai qua lại, nhưng không vì thế mà các chị được nghỉ ngơi.
“Dù đêm khuya, trên đường không có một bóng người, nhưng chúng tôi cũng phải làm đầy đủ các quy trình, bật đèn tín hiệu, kéo chắn an toàn và đứng gác cho đến khi toa cuối cùng đi qua... mới mở chắn”, chị Diệp chia sẻ.

Những phận đời sau lưng

Chị Diệp cũng là người phụ nữ trẻ nhất (30 tuổi) tại trạm gác.
22 tuổi, sau khi học xong trung cấp giao thông, cô gái nhỏ thó mang hồ sơ đi xin việc tại Công ty CP đường sắt Bình Trị Thiên và được nhận vào làm việc tại gác chắn cho đến nay. Thời điểm chị Diệp mới vào làm, tuyến đường Tôn Thất Tùng ngang qua đường sắt chưa được mở rộng, nên ở đây chỉ có một gác chắn nhỏ. Đến năm 2016, khi tuyến đường Tôn Thất Tùng được nâng cấp, mở rộng trạm gác chắn mới chính thức được thành lập.
Những phụ nữ gác chắn đường tàu2

Chị Diệp (trái) và chị Hoa trong giờ trực

Ảnh: B.N.L

Người có tuổi đời lớn nhất tại trạm gác chắn là chị Văn Thị Hoa (47 tuổi) nhưng cũng về trạm sau chị Diệp 1 năm. Trước đó, chị Hoa làm công nhân duy tu đường sắt từ năm 1991, đến năm 2016, sau khi sắp xếp lại công việc, chị được chuyển về trạm gác chắn Km 687+915, cùng với 5 chị em khác ở đây.
Người phụ nữ có hoàn cảnh đáng thương nhất tại trạm gác là chị Hoàng Thị Nhung (43 tuổi) đã làm được 4 năm. Chị Nhung trước đây làm nghề thợ may, chồng chị làm trong ngành đường sắt đến năm 2010, không may qua đời sau một vụ tai giao thông. Sau khi chồng mất, thấy hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, nên lãnh đạo Công ty CP đường sắt Bình Trị Thiên đã tạo điều kiện cho chị vào làm việc tại gác chắn Km 687+915.
Chúng tôi tìm lên căn nhà của chị Nhung nằm sâu trong xóm nhỏ gần Nhà máy xi măng Long Thọ (P.Phường Đức, TP.Huế). Bà Trần Thị Hạnh (mẹ chị Nhung) năm nay đã 80 tuổi, mắt không còn nhìn thấy. Một mình chị phải nuôi 2 con ăn học, chăm sóc mẹ già bị mù lòa, ngoài giờ làm việc tại công ty chị phải kiêm thêm nghề may tại nhà để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày.
“Thấy con quá vất vả, phải chạy vạy lo việc ở gác chắn rồi phải làm thêm việc ngoài để có tiền nuôi mẹ và 2 đứa con, tôi thương con mà già rồi biết làm chi được”, bà Hạnh nói.
Dù mỗi người đều có sau lưng mỗi hoàn cảnh, nhưng với công việc các chị luôn sát sao, cẩn thận, chu đáo. 6 người phụ nữ đã yêu thương, đùm bọc nhau vượt qua gian nan để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu thông suốt cũng như người qua đường ngang...
Trạm gác chắn đường ngang tại Km 687+915, đường sắt bắc - nam (giao nhau với tuyến đường Tôn Thất Tùng, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) do tổ phụ nữ của Công ty CP đường sắt Bình Trị Thiên, đảm nhiệm, gồm 6 chị: Nguyễn Thị Diệp (30 tuổi); Văn Thị Hoa (47 tuổi); Nguyễn Thị Nhung (43 tuổi); Phạm Thị Lệ (29 tuổi); Nguyễn Thị Nhàn (34 tuổi); Nguyễn Thị Thùy Trang (34 tuổi).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.