Những sản phẩm sáng tạo không... đợi tuổi

Vũ Thơ
Vũ Thơ
17/12/2018 08:03 GMT+7

Trong số những sản phẩm được giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc năm nay có nhiều sản phẩm thông minh của những học sinh mới chỉ học tiểu học.

Bộ phao cứu sinh thông minh của học sinh lớp 5

Với ý tưởng muốn giúp người bị đuối nước giành lại sự sống, các học sinh: Hà Lan Anh (lớp 5) và Hà Việt Anh, Hà Thị Phương Như (lớp 4), Trường tiểu học Kiệt Sơn (xã Kiệt Sơn, H.Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã sáng tạo ra bộ phao cứu sinh thông minh.
Các em là những người nhỏ tuổi nhất đạt giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo năm nay. Chia sẻ về sản phẩm của mình, Hà Lan Anh cho biết: “Bộ phao cứu sinh thông minh được điều khiển từ xa với nguyên tắc hoạt động là khi phát hiện ra người bị tai nạn đuối nước thì chúng ta chỉ cần thả bộ phao cứu sinh xuống nước và điều khiển một cách chủ động. Bộ phao này có thể đi tiến lên phía trước, lui về phía sau, sang phải, sang trái. Khi bộ phao cứu sinh chạy thì dây tời tự động nhả dây để người trên bờ có thể kéo người bị nạn lên”.
Theo nhóm học sinh này thì tốc độ trung bình của bộ phao cứu sinh là khoảng 20 km/giờ (1 phút bộ phao cứu sinh chạy được khoảng 330 m). Nếu khoảng cách là 100 m thì bộ phao cứu sinh chạy chỉ mất khoảng 20 giây. Nếu để người bơi ra ứng cứu nhanh nhất cũng mất 50 giây, mà rất nguy hiểm đến người ứng cứu.
“Bộ phao cứu sinh thông minh có ưu điểm rất rõ là người cứu không phải trực tiếp bơi xuống nước để cứu nạn nhân. Do đó bất kỳ ai cũng có thể sử dụng bộ phao cứu sinh ứng cứu người bị nạn. Bộ phao cứu sinh thông minh sử dụng điều khiển từ xa với khoảng cách điều khiển 150 m bằng sóng radio tần số 2.4 GHZ cho mức xử lý 24.000.000 thông tin/giây”, Lan Anh chia sẻ.
Lan Anh cũng cho biết, khi điều khiển bộ phao cứu sinh đến chỗ người bị nạn, thì nạn nhân bám lấy rồi chui vào phao và thắt dây bảo hiểm giữ chặt cơ thể với phao. Người bị nạn bám vào dây tời để người trong bờ kéo vào. Nếu không cần sự hỗ trợ thì người bị nạn có thể dùng dầm vịt có sẵn ở trên phao bơi vào bờ nơi gần nhất. Ở mỗi phao cứu sinh được gắn một bộ dầm vịt (2 chiếc) để người gặp nạn có thể bơi bằng tay giúp họ tự cứu mình.

Hệ thống cảnh báo lũ lụt sạt lở đất

Thấy những hậu quả khủng khiếp của thiên tai, 2 học sinh Bùi Quang Hiển và Lê Thái Trường Minh khi còn học lớp 9 Trường THCS Lý Tự Trọng, TP.Ninh Bình (nay học lớp 10 Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã nghiên cứu chế tạo ra hệ thống cảnh báo lũ sạt lở đất bao gồm: thiết bị đo mực nước; thiết bị đo mưa; hệ thống cảnh báo sạt lở đất.
Nhóm học sinh cho biết, sản phẩm có giá thành rẻ hơn nhiều so với một hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn trên thị trường; cảnh báo sớm được hiện tượng mưa lũ; sản phẩm tiện dụng, nhỏ gọn và hoàn toàn tự động với độ chính xác cao.
Chia sẻ về ý tưởng sản phẩm này, Bùi Quang Hiển cho biết: Nước ta có 3/4 diện tích là đồi núi, khí hậu nhiệt đới gió mùa. Vì vậy, hiện tượng lũ lụt, sạt lở đất xảy ra khá thường xuyên, đặc biệt là vào mùa mưa bão, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội, đe dọa cuộc sống người dân. Xuất phát từ thực tế đó, Hiển đã cùng với bạn có ý tưởng và thiết kế chế tạo thiết bị này, nhằm phát hiện sớm hiện tượng lũ quét và sạt lở đất, để kịp thời ứng phó với thiên tai, giảm thiệt hại về người và của.
Theo nhóm học sinh, thiết bị đo mực nước được cấu tạo theo kiểu phao ống, bên trong là thành mạch ghép dài theo ống nước. Khi bật thiết bị, cắm xuống nước, nước dâng thì phao dâng; đồng thời phao sẽ quét qua IC trên ống phao và chuyển tín hiệu lên mạch của ống phao để gửi thông số mực nước về trung tâm… Còn hệ thống cảnh báo sạt lở đất sẽ phân tích hoạt động địa chất và đưa ra cảnh báo cho người dân và thực hiện gọi SOS đến người quản lý, để kịp thời đưa ra những biện pháp thích hợp.
Đánh giá về sản phẩm này, thầy giáo Nguyễn Trung Kiên, Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, TP.Ninh Bình - người hướng dẫn nhóm học sinh, cho biết thiết bị có thể áp dụng được ở các khu vực miền núi, vùng có hiện tượng sạt lở đất, dễ dàng sử dụng, nhỏ gọn và hoàn toàn tự động với tốc độ chính xác cao. “Khi hướng dẫn các em, tôi thấy Hiển và Minh là hai học sinh thông minh và có khả năng nghiên cứu khoa học. Hiển có khả năng về toán và Minh có khả năng về lý nên đã phối hợp với nhau để sáng chế ra sản phẩm này với thời gian chỉ khoảng 3 - 4 tháng”, thầy Kiên cho hay. 
Tuyên dương công trình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu
Tối 16.12, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn đã tổ chức lễ tuyên dương công trình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu toàn quốc năm 2018. Đến dự có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương.
Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo 2018 đã nhận được 255 hồ sơ đề cử của 57 tỉnh, Thành đoàn, Đoàn trực thuộc. Ban tổ chức đã quyết định trao giải thưởng cho 28 công trình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu xuất sắc.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao các công trình, sản phẩm được vinh danh; đồng thời nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của thanh niên và phẩm chất sáng tạo của tuổi trẻ đóng góp trí tuệ trong lao động sản xuất, năng động tiếp cận tri thức, từng bước làm chủ công nghệ kỹ thuật hiện đại, tham gia đảm bảo những khâu then chốt, góp phần đảm bảo nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, mong muốn đối với mỗi bạn trẻ hãy sống có lý tưởng cao đẹp, với khát vọng lớn lao, hãy dấn thân vào thực tiễn cuộc sống, không sợ thất bại để tiếp tục tạo ra nhiều công trình, sản phẩm sáng tạo, có tính ứng dụng cao cho đất nước.
Thái Bình
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.