Những 'sếp' trẻ năng động và thành công

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
22/10/2024 06:28 GMT+7

Một số bạn trẻ đã trở thành "sếp" và có những thay đổi đáng kể trong cách quản lý nhân sự, kế hoạch làm việc… so với thế hệ trước.

Khả năng làm việc đa nhiệm

Trần Quang Minh (26 tuổi) là người sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty CP thương mại và đầu tư tín chỉ carbon Việt Nam (TP.Hà Nội). Startup (là công ty mới thành lập, thường tập trung vào đổi mới và tăng trưởng nhanh) này được thành lập từ tháng 1.2024.

Những 'sếp' trẻ năng động và thành công- Ảnh 1.

Khi làm việc với nhân sự hay đối tác lớn tuổi hơn, Minh (bìa trái) đều giữ thái độ tôn trọng và lắng nghe

ẢNH: NVCC

Từ năm học lớp 6, được truyền cảm hứng từ bố, Minh đã ấp ủ giấc mơ trở thành doanh nhân. Minh tốt nghiệp ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Ngoại thương. Anh nhận thấy lĩnh vực tín chỉ carbon đầy sự mới mẻ nhưng có nhiều tiềm năng tại Việt Nam nên đã tham gia.

Bắt đầu từ những công việc nhỏ như đo đạc sinh khối, Minh không ngừng nỗ lực học hỏi và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Sự kiên trì và quyết tâm đã giúp Minh có được hiểu biết sâu rộng và được giao các vị trí quan trọng trong một vài startup trước khi thành lập công ty riêng.

Tháng 7.2024, khi triển khai dự án tín chỉ carbon ở tỉnh Quảng Nam, đội ngũ trẻ của Minh đã đối mặt với nhiều khó khăn ngoài dự tính trong quá trình đo đạc sinh khối và hợp tác với các bên địa phương. Tuy nhiên, với tinh thần sáng tạo và quyết tâm, họ đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa quy trình và tổ chức các buổi trao đổi với người dân để nhận được sự ủng hộ.

"Nhờ vào sự nỗ lực này, nhóm đã hoàn thành dự án đúng thời hạn, thậm chí còn vượt xa mong đợi", Minh chia sẻ. Đây là minh chứng cho sức mạnh và sự đổi mới của gen Z trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Minh đang dẫn dắt 15 thành viên trong công ty khởi nghiệp tín chỉ carbon. Lợi thế của anh nằm ở khả năng quản lý chặt chẽ thời hạn và xây dựng môi trường làm việc khuyến khích sáng tạo.

Ngoài việc quản lý công việc, Minh còn định hướng phát triển cho đội ngũ bằng tầm nhìn rõ ràng và sự thấu hiểu. "Mình áp dụng công nghệ hiện đại, theo dõi tiến độ và khuyến khích sáng kiến cá nhân", Minh nói. Nhờ sự nhạy bén trong nắm bắt xu hướng mới, Minh tạo ra một môi trường làm việc cởi mở và đầy sáng tạo.

Nguyễn Minh Trang (27 tuổi) là Trưởng phòng đại diện chi nhánh miền Nam tại Công ty phát hành sách SkyBooks. Cuối năm 2017, Trang tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh, Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong suốt 3 năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, Trang đã làm việc trong ngành giáo dục, truyền thông và mở dịch vụ lưu trú cho người nước ngoài tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong quá trình làm việc, Trang cảm thấy bản thân không phù hợp nên âm thầm lên kế hoạch chuyển hướng.

"Làm việc đa nhiệm, có nhiều công việc cùng một lúc giúp mình có thêm khả năng quản trị bản thân và quản lý thời gian làm việc hiệu quả", Trang chia sẻ.

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Trang dừng lại việc kinh doanh dịch vụ lưu trú. Thời gian giãn cách xã hội, Trang đã thành lập blog Grow positive thoughts (tạm dịch: nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực), chuyên chia sẻ thông tin tích cực dành cho bạn trẻ. Năm 2021, khi blog được nhiều độc giả theo dõi, Trang nhận được lời mời xuất bản từ đơn vị phát hành sách SkyBooks.

Năm 2022, cuốn sách đầu tay Mỗi ngày gửi cậu một cái ôm của Trang được phát hành. Cơ duyên bắt đầu từ đây khi SkyBooks đang tuyển dụng nhân sự cho việc phát triển văn phòng đại diện tại TP.HCM. Với khát vọng phát triển trong lĩnh vực sáng tạo, làm việc tại một thành phố lớn, Trang đã chủ động gia nhập SkyBooks và trở thành thành viên đầu tiên của văn phòng đại diện tại TP.HCM vào tháng 10.2022.

"Sự chủ động tìm kiếm cơ hội và ham học hỏi đã giúp mình có được vị trí này", Trang nói. Trong công việc, chị nỗ lực xây dựng lòng tin với nhân sự, tạo môi trường tích cực và liên tục cải tiến quy trình làm việc để cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng ra thị trường.

Phong cách cá nhân đậm nét

Anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Truyền thông và công nghệ Staspi (Staspi Solutions), cho biết sếp gen Z có phong cách quản lý thoải mái và cởi mở hơn so với các thế hệ đi trước. Điều này đến từ các yếu tố về trải nghiệm, độ tuổi và những luồng thông tin mà họ được tiếp cận. Đó vừa là ưu điểm nhưng cũng có những nhược điểm riêng.

Những 'sếp' trẻ năng động và thành công- Ảnh 2.

Trang (hàng sau, giữa) thân thiết và thường xuyên lắng nghe nhân viên của mình

ẢNH: NGUYỄN ĐIỀN

"Lãnh đạo gen Z có ưu điểm nổi bật trong việc linh hoạt quản lý và đưa ra giải pháp sáng tạo. Họ bắt nhịp với công nghệ nhanh chóng, thể hiện quan điểm thẳng thắn và có khả năng kết nối tốt. Tuy nhiên, một số người vẫn hành động theo cảm tính và vội vàng trong quyết định", anh Hoàng chia sẻ.

Theo quan sát của anh Hoàng, dù có nhiều điểm mạnh, nhưng các lãnh đạo trẻ tuổi vẫn gặp phải khuyết điểm như thiếu kinh nghiệm do độ tuổi. Sự thẳng thắn đôi khi lại trở thành điểm yếu nếu không đúng lúc. Ngoài ra, việc thiếu kiên nhẫn, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là những thách thức mà họ phải đối mặt.

Có 18 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành nhân sự, ông Bùi Đoàn Chung, từng làm Trưởng phòng nhân sự của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven Việt Nam, người sáng lập và điều hành Công ty CP Nghề nhân sự Việt Nam, cho biết ông đánh giá cao sếp trẻ tuổi bởi sự tươi mới trong việc thể hiện dấu ấn, phong cách cá nhân đậm nét, đặc biệt là các công việc đòi hỏi sự sáng tạo và công nghệ.

"Tôi nhận thấy đây là những năng lực nổi trội của "sếp" trẻ, nên tôi luôn ưu tiên và tạo điều kiện để các bạn được thỏa sức sáng tạo. Một số bạn còn rất giỏi ngoại ngữ và khả năng thu thập thông tin nhanh chóng", ông Chung nói.

Không dễ để làm sếp

Ông Chung cho biết trong một khảo sát gần đây của CoderPad, nền tảng hỗ trợ tuyển dụng nhân tài kỹ thuật tại Mỹ, cho thấy 36% nhân viên công nghệ không muốn làm quản lý. Trong một khảo sát tương tự của Visier (nền tảng thu hút và giữ chân nhân tài, có trụ sở chính ở Canada) vào năm 2023 cho thấy 62% nhân viên không muốn làm quản lý. Tuy nhiên trong nhiều lĩnh vực, vị trí quản lý vẫn có sức cạnh tranh rất cao.

Theo ông Chung, để có thể đảm nhận được vai trò quản lý thì ngoài chuyên môn, chăm chỉ, người trẻ cần chủ động quản lý sự nghiệp chiến lược và có mục đích. Đây là điều kiện tiên quyết thúc đẩy hành vi, dẫn dắt họ đến với con đường trở thành những người quản lý chuyên nghiệp thay vì chuyên gia.

Ông Chung cho biết rèn luyện năng lực quản lý có chủ đích và các kỹ năng vận hành kinh doanh xuất sắc như tạp chí Harvard Business Review (Mỹ) liệt kê rất cần thiết cho thế hệ trẻ. Các kỹ năng trên bao gồm: trí tuệ cảm xúc (EQ), khả năng mang lại hiệu suất tốt nhất, nhận thức bản thân, kiên định và kiến thức tài chính.

Ông Chung cho hay việc xây dựng mối quan hệ và thương hiệu cá nhân là yếu tố quyết định trong bối cảnh công việc thay đổi nhanh chóng. Những ai biết thích nghi sẽ có lợi thế trong sự nghiệp. Ông cũng cho rằng khả năng sử dụng ngoại ngữ, công nghệ, phân tích dữ liệu rất cần thiết cho kết nối công việc toàn cầu. Để trở thành lãnh đạo, người trẻ cần cân bằng giữa sự xuất sắc trong công việc và phát triển bản thân. "Việc này chưa bao giờ là điều dễ dàng", ông Chung nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.