Thực ra, đây vốn là thứ hạng khá… bình thường, vì trong lịch sử các lần tham dự ASIAD trước đó, Việt Nam luôn xếp từ thứ 4 đến thứ 7 trong nhóm Đông Nam Á.
Nguyên nhân chính đến từ việc một số quốc gia chỉ tập trung đầu tư cho một số VĐV trọng điểm để cải thiện thứ hạng ở ASIAD hoặc tìm kiếm vé dự Olympic, trong khi Việt Nam có phần dàn trải hơn với những nỗ lực phát triển nhiều môn thể thao và củng cố vị thế tại SEA Games. Trên thực tế, thể thao Việt Nam cũng đã có sự chuyển hướng, quan tâm hơn tới các môn trong hệ thống Olympic và ASIAD, nhưng không đủ nguồn lực để tạo nên sự đột phá theo đúng nghĩa.
Tới đây xin được nói rõ hơn về 2 đoàn thể thao trong khu vực thường có thành tích tốt tại đấu trường châu lục là Thái Lan (tại ASIAD 19, đoạt 12 HCV) và Indonesia (7 HCV). Trong quá khứ, họ vốn là 2 quốc gia có nền thể thao phát triển không chỉ mạnh nhất khu vực mà còn từng trong nhóm mạnh của châu lục. Đặc biệt, Thái Lan là quốc gia duy nhất từng 4 lần làm chủ nhà của ASIAD, trong đó 2 lần đứng hạng 3 và lần gần nhất hạng 4 (năm 1998). Trong khi ấy, Indonesia cũng đã 2 lần tổ chức thành công Đại hội châu Á vào các năm 1962 và 2018 (thay thế Việt Nam, rút lui vào giờ chót dù đã được trao quyền đăng cai) và có 1 lần vươn tới hạng 4 với 24 HCV tại ASIAD 18 cách đây 5 năm.
Nền thể thao Thái Lan, ngoài sự đầu tư của nhà nước còn luôn có được những nguồn lực từ xã hội rất mạnh mẽ. Nào phải tự nhiên mà Thái Lan chính là đoàn thể thao đông VĐV nhất tại ASIAD 19, hơn cả chủ nhà Trung Quốc? Và cũng nào phải tự nhiên mà người hâm mộ nước bạn vừa trải qua những "bữa tiệc" xem trực tiếp ASIAD 19 trên 11 kênh truyền hình khác nhau (hoàn toàn miễn phí). Nguồn lực đầu tư của họ lớn hơn rất nhiều (thậm chí là nhiều lần) so với Việt Nam. Nào phải tự nhiên, tuy đã giành 12 HCV mà các quan chức thể thao Thái Lan vẫn bị chê trách vì kém xa so với chỉ tiêu (khoảng 20 HCV).
Không chỉ Thái Lan hay Indonesia mà các quốc gia khác như Malaysia, Philippines hay Singapore đều có sự đầu tư mạnh cho các đội tuyển, VĐV tại đấu trường ASIAD. Cũng như Việt Nam, họ cũng không “bỏ” SEA Games, bởi đây là đấu trường cực tốt để rèn luyện các tuyển thủ ở nhiều môn thể thao. Nhưng song song với đó, họ đều thu xếp nguồn kinh phí rất lớn để các VĐV mũi nhọn có cơ hội vươn lên ở các đấu trường lớn hơn như ASIAD, thậm chí là Olympic.
Bình luận (0)