Khuất Văn Khang: Phiên bản hoàn hảo của Quang Hải
NGỌC DƯƠNG |
Ngay sau vòng chung kết U.23 châu Á 2022, PV Thanh Niên hỏi HLV Gong Oh-kyun rằng ông đã từng có quyết định chuyên môn thuần túy nào mà ông còn thấy… ngạc nhiên với chính mình chưa? Đồng hương thân thiết của thầy Park bật cười tiết lộ, trong quá trình tuyển chọn nhân sự cho đội U.23 Việt Nam, ông đã xem rất kỹ băng hình trận đấu của các đội trẻ Việt Nam và chỉ cần đúng 5 phút xem Khuất Văn Khang thi đấu, ông biết mình cần phải làm gì.
Khang mới chỉ 19 tuổi đã được kéo lên U.23 Việt Nam, nhưng không phải là lên cho đủ đội hình. Ông Gong còn khiến khán giả đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác khi chọn anh làm “kép chính”. Trận gặp U.23 Hàn Quốc tại giải U.23 châu Á, Khang chơi bùng nổ, đầy năng lượng, duy trì được sức bền và cường độ cao như một cục pin được sạc liên tục. Khang chơi hay đến mức, sau trận, HLV U.23 Hàn Quốc bỏ nhỏ với ông Gong: “Ông có cậu học trò khá lắm đấy!”.
Những thông số chuyên môn của Khang khiến các chuyên gia bóng đá trong nước phải trầm trồ. Anh là cầu thủ có khả năng di chuyển tốt nhất trong tốp đầu của U.23 Việt Nam và U.19 Việt Nam. Khang còn sở hữu những tố chất kỹ thuật thuộc hàng đỉnh trong thế hệ cùng thời. Chân trái đặc biệt khéo léo, khả năng chuyền bóng và dứt điểm tốt. Những tình huống “chặt bóng” hay bẻ lòng của Văn Khang luôn tạo được những đường bóng với quỹ đạo thuận lợi cho đồng đội và gây ra những tình huống khiến đối phương cực kỳ khó chịu. Và cũng không thể không nhắc đến kỹ năng đá phạt chân trái điệu nghệ của Khang, mà các đồng đội ở U.19 Việt Nam tấm tắc khen khéo như… Messi.
Có thể xem Văn Khang là phiên bản mới của đàn anh Quang Hải. Cả hai đều sớm thể hiện được những kỹ năng vượt trội và tố chất thủ lĩnh khi còn rất trẻ. Cả hai cũng chơi trong vai trò tiền vệ tấn công. Và biết đâu đấy, khi Quang Hải có thể vắng mặt tại AFF Cup 2022, cầu thủ sinh năm 2003 Khuất Văn Khang sẽ là một phương án được HLV Park Hang-seo tính đến. Tại sao không?
K’Dương: Lực sĩ 15 tuổi nắm 3 kỷ lục cử tạ thế giới
NVCC |
Tại giải cử tạ trẻ, thanh thiếu niên châu Á 2022 hồi tháng 7, chàng lực sĩ 15 tuổi quê Bảo Lâm (Lâm Đồng) K’Dương gây ngỡ ngàng khi đoạt 3 HCV cử giật, cử đẩy, tổng cử ở hạng cân 55 kg đồng thời phá 3 kỷ lục châu Á, 3 kỷ lục thế giới của lứa tuổi thanh thiếu niên. Đến nay, tên tuổi của lực sĩ người dân tộc Cơ Ho vẫn đang “ngự trị” trên bảng vàng kỷ lục của Liên đoàn Cử tạ quốc tế (IWF). Thành tích của K’Dương lần lượt là 113 kg cử giật, 143 kg cử đẩy và 256 kg tổng cử.
Bén duyên với cử tạ từ năm 2018 nhưng đến khi được triệu tập ra tuyển trẻ quốc gia tập huấn tại Từ Sơn (Bắc Ninh), K’Dương mới tạo đột phá về thành tích. Đam mê cùng khát khao chinh phục đấu trường cử tạ đỉnh cao thúc đẩy K’Dương không ngại khổ luyện với tấm gương là các đàn anh từng tỏa sáng ở đấu trường quốc tế như Hoàng Anh Tuấn (HCB Olympic), Thạch Kim Tuấn (HCV thế giới)...
Ban huấn luyện (BHL) tuyển cử tạ Việt Nam đánh giá K’Dương là một trong những tài năng trẻ đầy hứa hẹn của cử tạ Việt Nam. Anh đang được đầu tư, chăm lo đặc biệt để hướng đến các giải đấu quốc tế lớn hơn. Đích nhắm trước mắt của K’Dương là chinh phục thành tích 268 kg tổng cử mà đàn anh Lại Gia Thành đang giữ kỷ lục SEA Games. Bên cạnh đó, BHL tuyển cử tạ Việt Nam cũng xem xét, tính toán khả năng đưa K’Dương lên đấu hạng cân 61 kg trong tương lai để tranh tài ở Olympic, bởi hạng cân 55 kg hiện tại chưa đưa vào Olympic.
Lương Đức Phước: Hạt giống quý của điền kinh Việt Nam
Ngọc Dương |
Nếu lựa chọn một gương mặt trẻ của điền kinh Việt Nam để tuyên dương, các HLV không ngần ngại chỉ ra VĐV sinh năm 2002 Lương Đức Phước, người đã vụt sáng với tấm HCV 1.500 m tại SEA Games 31 vừa qua.
Trước SEA Games 31, Lương Đức Phước là “người thừa” đúng nghĩa của tuyển điền kinh Việt Nam khi không có tên trong danh sách tham dự. Chỉ đến khi tỏa sáng ở giải đấu tuyển chọn trước thềm SEA Games 31, chàng trai quê Đồng Nai mới được điền tên vào giờ chót. Được đăng ký tham dự duy nhất nội dung 1.500 m và không được đánh giá cao bởi mọi sự kỳ vọng tập trung vào Trần Văn Đảng, thế nhưng chàng trai 20 tuổi đã vụt sáng với những bước chạy mạnh mẽ, cán đích đầu tiên, đoạt HCV đầy ngoạn mục.
Trở về sau chiến tích cứ như trong mơ tại SEA Games 31, Lương Đức Phước được nhiều người biết đến và anh cũng hãnh diện vì những gì bản thân làm được. Tuy nhiên anh cũng dặn lòng phải giữ đôi chân trên mặt đất. “Tôi biết thành tích của mình vẫn còn thua kém các đàn anh nên phải chú trọng vào tập luyện để nâng cao thành tích. Tôi đến với điền kinh khá trễ, khi đã 15 tuổi, có thể xem là thiệt thòi, nhưng tôi có niềm đam mê mãnh liệt với môn thể thao này nên luôn tập luyện hết mình, thi đấu hết khả năng”, Lương Đức Phước bày tỏ.
Điền kinh Việt Nam khẳng định vị thế số 1 khu vực Đông Nam Á ở những kỳ SEA Games gần đây, tuy nhiên đang đứng trước nỗi lo về khoảng trống nơi lứa VĐV kế cận. Tấm gương thành công của Lương Đức Phước hứa hẹn sẽ truyền cảm hứng để sớm có nhiều tài năng trình làng, tiếp nối thế hệ đàn anh.
Nguyễn Quang Thuấn: Tiếp bước chị gái Ánh Viên
Độc Lập |
Kình ngư 16 tuổi Nguyễn Quang Thuấn đã bước đầu khẳng định tài năng để không bị che lấp bởi ánh hào quang của người chị gái Nguyễn Thị Ánh Viên.
Lần đầu tiên được góp mặt ở SEA Games 31, Nguyễn Quang Thuấn xuất sắc đoạt HCB ở nội dung 400 m hỗn hợp với thành tích 4 phút 22 giây 46. Trước đó, kình ngư trẻ này chỉ tập huấn trong nước chứ không có tên trong thành phần chủ lực tập huấn ở Hungary. Màn thể hiện của Quang Thuấn ở SEA Games 31 vừa qua là cơ sở để BHL tuyển bơi Việt Nam đề xuất đưa anh vào danh sách đầu tư đặc biệt. Ngay sau SEA Games 31, anh cùng các tuyển thủ đàn anh Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Thanh Bảo, Trần Hưng Nguyên được sang Hungary tập huấn dài hạn. Theo kế hoạch, chuyến tập huấn kết thúc vào tháng 9 tới nhưng khả năng được gia hạn thêm đến tháng 11.
“Theo báo cáo của BHL từ Hungary, Quang Thuấn thích ứng tốt trong chuyến tập huấn lần này khi thông số thành tích được nâng cao. Việc đầu tư cho Thuấn là bước chuẩn bị lực lượng kế cận cho tuyển bơi Việt Nam và em xứng đáng được đầu tư vì tài năng của mình”, bà Lê Thanh Huyền, phụ trách bộ môn bơi Tổng cục TDTT, cho biết.
Nhìn thể hình cũng như màn thể hiện của Quang Thuấn, giới chuyên môn tấm tắc khen ngợi và dự báo kình ngư 16 tuổi này sẽ là tâm điểm của làng bơi Việt Nam trong tương lai không xa. Cũng giống như Ánh Viên, từ nhỏ Quang Thuấn được ông nội tập cho làm quen với bơi lội ngay con rạch trước nhà. Từ cậu bé có thân hình bị coi là “đẹt”, Quang Thuấn không ngừng tập luyện để ra vóc dáng của một kình ngư chuyên nghiệp. Trước khi tạo dấu ấn ở SEA Games 31, anh thống trị ở giải trẻ trong nước, gặt hái thành công ở các giải trẻ khu vực.
Khi còn nhỏ, mỗi lần được hỏi về mục tiêu của mình, Quang Thuấn luôn tươi cười cho biết muốn thi đấu thật tốt, đoạt nhiều huy chương giống như chị Hai Ánh Viên. Giờ đây khi bước chân vào đấu trường đỉnh cao, Quang Thuấn tự nhủ phải không ngừng cố gắng trong tập luyện để không “sống” dưới chiếc bóng quá lớn của đàn chị.
Nguyễn Quốc Việt: Làn gió mới trên hàng công tuyển Việt Nam
NGỌC DƯƠNG |
HLV Park Hang-seo luôn đau đáu về sự thiếu hụt trung phong giỏi ở đội tuyển Việt Nam khi các CLB V-League đa số ưu tiên sử dụng ngoại binh trên hàng công. Trong bối cảnh Nguyễn Tiến Linh, Hà Đức Chinh, Nguyễn Công Phượng có dấu hiệu bị đối thủ bắt bài, bóng đá Việt Nam đang nổi lên một hiện tượng, một làn gió mới mát lành, mang tên Nguyễn Quốc Việt. Chàng trai sinh năm 2003, quê Hải Phòng, từng giành chức vô địch giải U.13 toàn quốc năm 2016 trong màu áo U.13 Hải Dương đã lọt vào mắt xanh HLV Guillaume Graechen. Ông đã đưa Việt về Học viện HAGL JMG và bây giờ là Học viện Nutifood JMG. Dưới bàn tay dẫn dắt của HLViệt Namngười Pháp, Quốc Việt tiến bộ vượt bậc, đoạt giải Vua phá lưới ở hàng loạt giải trẻ quốc gia. Việt không có ưu thế lớn về thể hình (anh cao 1,74 m) nhưng có khả năng chọn vị trí, tốc độ, kỹ năng dứt điểm đa dạng, chơi không chiến rất tốt.
Ở vòng chung kết giải U.19 Đông Nam Á 2022, Quốc Việt ghi 5 bàn thắng, trong đó có 2 cú đúp vào lưới Myanmar và Philippines để giúp U.19 Việt Nam vào đến vòng bán kết. Ở trận tranh huy chương đồng, Việt có bàn gỡ hòa quan trọng cho U.19 Việt Nam trước U.19 Thái Lan. HLV Đinh Thế Nam đã từng trìu mến nói về học trò: “Việt như một viên ngọc thô nhưng nhờ được mài giũa đúng cách, Việt ngày càng biết cách tỏa sáng bởi sự chịu khó, cầu tiến. Việt sẽ trở thành nhân tố không thể thiếu của đội tuyển ở những giải đấu tầm cỡ trong vài năm tới, nếu Việt cố gắng gìn giữ phong độ và cải thiện một số điểm yếu thuộc về kinh nghiệm”.
Chưa được HLV Kiatisak sử dụng tại V-League nhưng Việt cũng đừng nản chí bởi anh còn rất trẻ. Có thể sau Văn Toàn và Công Phượng, ít năm tới, HAGL sẽ trình làng thêm một trung phong hứa hẹn nữa, không chỉ cho lợi ích đội bóng phố núi mà còn cho các đội tuyển Việt Nam.
Hoàng Thị Ánh Thục: Cô gái Ra Glay mạnh mẽ
VĂN HẢO |
Cao 1,61 m, nước da nâu khỏe mạnh, VĐV điền kinh nội dung 400 m nữ Hoàng Thị Ánh Thục gây ấn tượng mạnh cho người đối diện bởi vẻ ngoài khá đặc biệt. Nhưng câu chuyện về cô gái sinh năm 2005, người dân tộc
Ra Glay, còn ấn tượng hơn nhiều qua lời kể của HLV đội điền kinh trẻ Việt Nam Võ Văn Hảo. Năm 2021, Ánh Thục thi đấu cho đội Bình Thuận ở Cúp tốc độ TP.HCM. Những tố chất kỹ thuật (sức mạnh, sức bền) của Thục đã được thầy Hảo để ý ngay lập tức và Thục được điền tên vào danh sách tuyển trẻ quốc gia.
Hồi còn ở quê nhà (xã Phan Điền, H.Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), Thục quen dậy sớm từ 4 giờ sáng, tập xong mới ăn sáng rồi đi học. Đầu năm nay, khi lên tuyển trẻ ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM, “múi giờ” sinh hoạt và tập luyện bị đảo lộn hoàn toàn khiến Thục bị sốc. Trên này không cho phép nhịn đói trước khi tập nhưng cứ nhìn bữa sáng, Thục lại không nuốt nổi. Đồ ăn trên tuyển cũng khác dưới quê nhiều lắm, Thục không quen. Tập không bao giờ trốn mà chỉ tìm cách… trốn ăn. Thầy phải ngồi kè kè bên cạnh để ép ăn cho bằng hết suất mới thôi. Đêm về Thục cũng không ngủ được vì lạ nhà. Cứ thế khoảng gần 2 tháng, Thục quen dần với môi trường mới để đến thời điểm này “ăn ngon, ngủ khỏe dữ luôn”, thầy Hảo cười.
Mới lên tuyển trẻ được 8 tháng, Ánh Thục trở thành gương mặt rất tiềm năng của điền kinh Việt Nam. Ưu điểm lớn của Thục là khả năng bứt tốc ở 150 m cuối cùng, còn nhược điểm là Thục không thích những bài tập thiên về sức bền, mà theo giải thích của thầy Hảo: “Thục bung sức mạnh ở đoạn rút đích rất tốt nhưng có thể vì do cá tính thích tốc độ, đam mê tốc độ hơn là sự kiên trì”. Thông số của Thục tại giải vô địch trẻ quốc gia 2022 là 54 giây 64 - tốt nhất trong số những VĐV VN cùng trang lứa. Ban huấn luyện đặt ra chỉ tiêu cho Thục là phải có huy chương ở giải điền kinh U.18 châu Á vào tháng 10 này tại Kuwait với dự báo thành tích 53 giây 90 hoặc 54 giây 20 ở nội dung 400 m nữ.
Thục có khả năng được gọi vào đội tuyển quốc gia dự SEA Games 32 sang năm không? HLV Võ Văn Hảo chia sẻ: “Nếu thi đấu tốt tại Đại hội TDTT toàn quốc vào cuối năm nay, Thục hoàn toàn có thể được triệu tập vào đội tuyển, thi đấu ở nội dung tiếp sức hỗn hợp 4 x 400 m hoặc tiếp sức nữ 4 x 400 m”.
Ngày 3.9 là sinh nhật tuổi 17 của cô gái người dân tộc Ra Glay, chúc cho Ánh Thục tiếp tục vững bước vào tương lai.
Bình luận (0)