Những tấm lòng trong cơn bão dữ

21/09/2017 10:35 GMT+7

Những ngày qua, sau Lời kêu gọi giúp đồng bào bị bão lũ, nhiều đơn vị, cá nhân đã phối hợp với các văn phòng đại diện của Báo Thanh Niên ở miền Trung trao tận tay người dân bị thiệt hại với số tiền, hàng trị giá gần 4 tỉ đồng...

Từ ngày 15.9, tức 2 ngày trước khi Báo Thanh Niên phát lời kêu gọi, nhiều bạn đọc đã chủ động gọi điện thoại hỏi thăm và trực tiếp đến tòa soạn chung tay sẻ chia với bà con đang lâm cảnh ngặt nghèo.
Sáng 15.9, khi bão số 10 bắt đầu đổ bộ, ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, đã chủ động liên hệ và ngỏ ý muốn phối hợp để giúp bà con gặp nạn, bởi theo ông đánh giá “thiệt hại sẽ rất lớn”. Sau đó, ông Lợi đích thân mang 100 triệu đồng tới Báo Thanh Niên. Cũng trong ngày này, Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 đã tới Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung hỗ trợ ngay 1 tỉ đồng.
Ngày 16.9, Công ty CP Tôn Đông Á chủ động liên hệ với báo và đề nghị phối hợp tặng 500 hộ dân tôn mới để lợp lại nhà trị giá 2 tỉ đồng. Cùng ngày 16.9, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt, trụ trì chùa Phổ Hiền (H.Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu) gọi điện hỏi báo có tổ chức cứu trợ không? Khi chúng tôi trả lời là có, ni sư Tâm Nguyệt nhờ liên hệ với PV Nguyễn Phúc (thường trú Quảng Trị) để lên danh sách hơn 100 hộ dân. Sau đó đích thân ni sư mang 150 triệu đồng ra Quảng Trị cùng PV Nguyễn Phúc trao tận tay bà con trong danh sách.
Những tấm lòng trong cơn bão dữ 1
Cụ Trần Thanh Đạt, ngụ Q.7, TP.HCM, góp tiền giúp đồng bào bị bão tại Báo Thanh Niên sáng 20.9 Ảnh: Bùi Chiến
Trong những ngày kế tiếp, sự chung tay vì người dân miền Trung gặp nạn lại lan tỏa đến rất nhiều bạn đọc từ khắp mọi miền đất nước. Đó là những đồng tiền chắt chiu của một người chạy xe ôm, của các cháu học sinh hoặc cụ ông, cụ bà ở tuổi gần đất, xa trời.
Như sáng 17.9, ông Phúc, ngụ Q.8, TP.HCM, tranh thủ trên đường đi giao hàng, ghé vội qua tòa soạn góp 500.000 đồng. Rồi cháu Trần Thị Yến Nhi (10 tuổi) và cậu ruột là ông Nguyễn Chí Cường, ở Q.12, TP.HCM cũng đến báo tặng 500 cây dừa giống 2 màu, với mong muốn trong một thời gian ngắn nó sẽ đem lại nguồn kinh tế cơ bản cho nhiều hộ dân bị trắng tay. Tương tự, sáng 18.9, một bạn đọc mang đến bì thư chứa 1,2 triệu đồng và cho biết đây là số tiền do một cụ bà 82 tuổi (ngụ Q.3, TP.HCM) gửi giúp bà con bị hoạn nạn.

tin liên quan

Bắt đầu trao tôn lợp nhà cho 500 hộ dân vùng bão
Sáng nay 20.9, Báo Thanh Niên, Công ty CP tôn Đông Á với sự hỗ trợ của các tỉnh đoàn bắt đầu trao tôn lợp nhà, trị giá 2 tỉ đồng cho 500 hộ dân bị thiệt hại nặng trong cơn bão vừa qua.
Chiều 18.9, từ Quảng Trị, PV Nguyễn Phúc gọi về tòa soạn thông báo có công ty ở Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển tặng người dân 20 triệu đồng. Hỏi ra mới biết, công ty này có lần đọc báo viết về một trường hợp khó khăn ở Quảng Trị, họ đã chuyển 50 triệu cho PV Nguyễn Phúc để tặng cho hoàn cảnh cần giúp đỡ nêu trên.
Tiếp đến, chiều 19.9, chúng tôi nhận được tin nhắn từ Huế của một bạn đọc ngỏ ý muốn đóng góp giúp người dân vùng bão nhưng “sợ ít quá em ngại”. Chúng tôi hỏi, em góp bao nhiêu mà sợ ít? “Dạ 2 triệu”, bạn đọc ngần ngại. Chúng tôi cho số tài khoản của báo. Chỉ ít phút sau, đã nhận được thông báo chuyển tiền. Hỏi tên người gửi, cô ấy nói chỉ cần ghi: “Vợ chồng bé Ti, cu Em ở Huế là được”.
Gần đây nhất, sáng 20.9, cụ Nguyễn Thanh Đạt (77 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) đã tự mình đến tòa soạn gửi 2 triệu đồng. Giọng cụ chùng xuống: “Bão gây thiệt hại lớn, quá đau lòng, cho tui gửi chút ít này chia sẻ với bà con!”. Cụ cho biết thêm, đây là tiền con cháu cho cà phê, ăn sáng, cụ dành dụm lâu nay giờ gửi tặng bà con. Tương tự, gặp một bạn trẻ mang đến 5 triệu đồng gửi tặng, chúng tôi hỏi chút thông tin thì bạn lắc đầu nói: “Có đáng là bao đâu anh, mình nhịn chút tiêu xài để hỗ trợ bà con lâm cảnh khốn khó thôi mà”.
Do thiệt hại của bão số 10 gây ra rất lớn, Báo Thanh Niên mong tiếp tục đón nhận tấm lòng của bạn đọc những ngày tới để những phần quà đậm tình nhân ái ấy cùng góp phần chia sẻ cùng sự khốn khó của người dân nghèo ở khúc ruột miền Trung sau cơn bão dữ.

tin liên quan

Xác xơ vùng tâm bão số 10
Bão dữ đi qua để lại một Quảng Bình đổ nát, ngổn ngang. Hàng trăm, hàng nghìn người dân đang gắng gượng sống trong cảnh nhà sập, không điện, không nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.