Ngày hai bữa “nuôi ma”
“Ồ, cái tục này có từ lâu rồi, lâu lắm rồi, mình không biết đâu, chỉ có các già mới biết được”, anh Crui - Trưởng ban Văn hóa xã Ia M’nông cho biết. Dứt câu, anh dắt tôi sang nhà già Kra (85 tuổi) để hỏi chuyện.
Già Kra không thạo tiếng Kinh, còn tôi thì lại không hiểu ngôn ngữ Jarai nên thỉnh thoảng phải nhờ anh Crui phiên dịch và “cắt nghĩa” hộ. Già bảo tục trên có từ khi già chưa ra đời, cứ thế truyền đến ngày nay. Rồi già Kra bảo trước khi nói chuyện cho người chết... ăn thì phải nói chuyện chôn người chết. Người Jarai có tục lệ chôn chung mả, vì theo họ khi ở với yàng (trời) mà có nhiều người thì càng vui. Nghĩa là khi có ai chết, thì người ta quật mả cũ lên để chôn người mới chết vào cùng.
Sở dĩ người Jarai ở đây phải cho người chết ăn đều đặn ngày hai bữa sớm tối là bởi hai quan niệm. Thứ nhất, người chết mà không “ăn no” thì sẽ thành ma đói. Rồi sẽ về nhà, về làng để bắt heo gà, thậm chí bắt người vì đã bỏ đói mình. Quan niệm thứ hai gắn với tục bỏ mả, hay chia tài sản cho người chết. Già Kra cho biết: “Chỉ khi nào làm lễ pơ thi (lễ bỏ mả) thì mới thôi mang đồ ăn cho người chết”.
|
|
Bỏ mả xong thì người sống và người chết không còn bất kỳ mối quan hệ nào, nên không cần phải mang thức ăn đến. Còn chưa bỏ mả thì người chết cũng như... người sống, nghĩa là phải được “ăn uống” đầy đủ. Ngoài ra, người sống ăn gì thì người chết cũng ăn nấy, tất nhiên, thức uống cũng vậy. “Trước bỏ mả, người chết vẫn là một thành viên trong gia đình, chỉ có điều họ không làm lụng được nên người thân phải nuôi. Sau bỏ mả, người chết có của cải, vật dụng để “làm ăn” nên không cần phải nuôi nữa và họ tuyệt đối không về “đòi hỏi” gì thêm”, già Kra giải thích thêm.
Đang kể chuyện, bỗng già Kra vỗ đùi rồi “à” một tiếng: “Mình cũng đang nuôi mẹ mình đấy”. Sau đó Kra “à” thêm mấy cái nữa, và sau những tiếng “à” ấy vang lên là tên những người đang nuôi người thân xung quanh nhà. Hết “à”, già Kra tiếp tục: “Nuôi người chết là nhiệm vụ của tất cả mọi người trong nhà, ai cũng có thể làm điều đấy, tuyệt đối không được nhờ hàng xóm vì như vậy người chết nghĩ mình bị khinh thường và sẽ quay trở lại để trả thù”.
Đặc biệt, đối với việc mang thức ăn cho người quá cố, người Jarai rất đúng giờ. Thời điểm thích hợp nhất là từ 5-6 giờ vào hai buổi sáng chiều, đồ ăn dĩ nhiên phải kèm theo nước. Hỏi sao không mang giờ khác, già Kra đáp: “Phải mang ra giờ đó để “nó” ăn mà... có sức đi làm. Rồi đi làm về đói bụng sẽ ăn no và... nghỉ ngơi nữa chớ!”.
Không mang đồ ăn thì không đến nghĩa địa
Chia tay già Kra và anh Crui, tính tò mò của tôi bị hấp dẫn bởi những ngôi mộ trong rừng sâu. Nghe tôi hỏi đường vào nghĩa địa, nhiều người nhìn tôi nghi ngờ, họ càng tỏ vẻ thảng thốt hơn khi “bị” tôi... lôi kéo làm người dẫn đường. Lý do là: nếu không mang đồ ăn thì không đến nghĩa địa. Mà đồ ăn thì chỉ mang sáng hoặc chiều trong khi lúc này là... gần trưa. Vào giờ khác, họ sợ ma bắt.
Theo hướng chỉ tay, tôi đi thẳng. Lúc này mưa lất phất, đường nhầy nhụa, trời bỗng trở lạnh. Dễ nhận ra là bên cạnh những ngôi mộ theo lối truyền thống của người Jarai, còn có vài ngôi mộ xây theo kiểu của người Kinh nhưng bất kỳ ngôi mộ nào cũng có một ghè rượu được chôn kiểu “bán lộ thiên” trên đầu mả, cạnh đấy là một cái tô, mấy chai nước, có khi là thuốc lá, bình thủy... Gần các mộ, có một lũ heo đang tha thẩn kiếm ăn.
Trong lúc đang thắc mắc về các vật dụng kia, tôi gặp tốp người Jarai đi làm rẫy về. Một người giải thích cái tô dùng để đựng đồ ăn, còn cái ghè dùng làm phương tiện để đưa thức ăn xuống cho người chết, nghĩa là nó được thông với huyệt mộ. “Thế mấy con heo kia thì sao?”, “À, của họ (người chết) luôn đấy, không ai được bắt ăn thịt đâu”, cũng người đó cho biết.
Tôi để ý, thấy những người này tuy có nhìn vào những ngôi mộ nhưng không dừng ánh mắt lại quá năm giây. Hỏi mới biết là lúc này họ không có “nhiệm vụ” gì liên quan đến nghĩa địa nên không được nhìn lâu. “Vậy lúc cho “họ” ăn thì sao?”, “Ơ, lúc ấy muốn ở bao lâu tùy thích, nhưng phải đi khỏi sau khi người chết ăn xong”. “Thế bao lâu thì “họ” ăn xong?”, tôi hỏi tiếp. “Cái này thì... tùy mình”. Rồi họ giải thích, khi đồ ăn được đổ vào tô, người sống có “tâm tư” gì thì cứ thổ lộ với người chết. Xong rồi thì đổ đồ ăn đi và úp tô lại rồi đi về, tuyệt nhiên không nhìn lại.
Trước khi đi, những người này cho biết thêm sau lễ bỏ mả hai năm, người chết sẽ được người sống cho ăn một lần cuối cùng. Đó là lần tổ chức lễ bơ gảih, đây là lễ dọn dẹp, sửa sang lại các nhà mồ. Họ còn cho biết thêm trước đây mỗi lần cho ăn là phải... lật nắp quan tài để đổ đồ ăn xuống, nhưng nay đã không còn.
Nhà có người chết, phải kiêng tắm Người Jarai ở Ia M’nông còn có một luật tục là nếu vợ (chồng) chết thì người còn lại phải “kiêng” tắm một tuần. Tuy nhiên, như thế vẫn còn... sạch so với người Jarai ở làng Chuét (P.Thắng Lợi) hoặc làng Plei Op (P.Hoa Lư, TP.Pleiku, Gia Lai) khi phải “ở dơ” một tháng trời nếu có vợ (chồng) chết. Tục này gọi là hoăm nơi. Ngoài không được tắm, họ còn không được làm bất cứ việc gì liên quan đến cái gọi là “vệ sinh cơ thể” như chải tóc, cắt móng tay, móng chân, thay quần áo... |
Lê Xuân Thọ
>> “Rừng ma” và lễ hội cho người chết
>> Xóa bỏ rừng ma
>> Tập tục lạ ở vùng cao: Mã não quyền uy
>> Những tập tục kỳ lạ: Gieo quẻ đặt tên
>> Tập tục tàn bạo từ thời Aztec
Bình luận (0)