Những tập tục kỳ lạ - Kỳ 9: Chia tài sản cho người chết

24/07/2013 00:55 GMT+7

Như nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác, người Jarai ở Tây nguyên cũng có nhiều tập tục riêng, trong đó độc đáo nhất là tục bỏ mả, hay còn gọi là chia tài sản cho người chết.

>> Những tập tục kỳ lạ -Kỳ 8: Muốn vượt cạn phải... vào rừng
>> Những tập tục kỳ lạ - Kỳ 7: Rừng ma và thiên táng
>> Những tập tục kỳ lạ - Kỳ 6: Phạt vạ trai gái quan hệ bất chính

Chia rồi đường ai nấy đi

Xã Ia Chim, TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum), phần lớn là người Jarai. Cụ A Láo, 83 tuổi, một nghệ nhân tạc tượng gỗ ở làng Plei Sar, cho biết tập tục bỏ mả đã có từ lâu, gắn liền với đời sống của người Jarai, đặc biệt là tâm linh với thế giới người đã khuất.

“Bỏ mả nghĩa là sau khi làm nghi lễ này xong thì người nhà sẽ không còn tới lui gì những mả này nữa, nói nôm na là đường ai nấy đi. Trong quá trình làm lễ, người chết được phân chia một ít tài sản, do vậy mà nhiều khi người ta gọi là tục chia tài sản cho người chết”, già A Láo giải thích. Tùy thuộc vào người thân giàu hay nghèo mà người chết được chia nhiều hay ít, nhưng thông thường phải có chum, ghè, tiền...

Những tập tục kỳ lạ - Kỳ 9: Chia tài sản cho người chết 
Theo tập tục bỏ mả, người chết thường được chia chum, ghè, tiền... - Ảnh: Lê Xuân Thọ

Tập tục này thường diễn ra vào tháng 3 hằng năm, khi mà mùa màng, nương rẫy đang rảnh. Tuy nhiên, trước đó người nhà phải mất vài tháng, thậm chí là cả năm trời bàn bạc, lên kế hoạch. Sau đó, phải mất thêm nửa tháng, hoặc một tháng để chuẩn bị. Việc chuẩn bị gồm trâu, bò, heo, gà, nấu rượu cần, tạc tượng gỗ... Đồng thời thông báo cho mọi người trong cộng đồng biết để đến tham gia, ăn uống.

Lễ được chia làm hai phần: tại nhà và ngoài mả. Ở ngoài mả kéo dài từ hai đến bốn ngày tùy số lượng mả nhiều hay ít, còn tại nhà thì một đến hai ngày sau khi kết thúc ngoài mả, chủ yếu là để ăn uống, thường thì ở nhà người thân hay trưởng tộc (nếu bỏ mả cho nhiều mả trong dòng tộc). Ở mả, ngày lễ đầu tiên hay những ngày sau đều bắt đầu vào chiều tối. Trước đó, vào buổi sáng của ngày thứ nhất, người ta cúng một con heo để “thông báo” với người chết và tiến hành dỡ mả để chiều bỏ đồ được chia vào.

 

Cụ A Lưih (82 tuổi), cũng ở làng Plei Sar, cho hay muốn làm lễ bỏ mả lúc nào cũng được, miễn là người chết ít nhất phải được 3 năm. Người ta chỉ làm lễ bỏ mả khi có của ăn của để, tức là có cái để mà chia cho người chết. Trong trường hợp vợ (chồng) chết chưa đủ 3 năm mà người còn sống muốn “đi bước nữa” thì phải xin phép dòng tộc, làng để được làm lễ bỏ mả trước. Nếu chưa bỏ mả mà có quan hệ tình cảm với người khác sẽ bị dân làng phạt cúng một con heo. Sau này, nếu tộc có bỏ mả thì người này vẫn được phép đến nhưng không được làm bất cứ việc gì, trừ việc được ăn uống.

Khác với người Jarai ở Kon Tum, người Jarai ở H.Chư Pah (Gia Lai) thường chôn tài sản, trong đó có nhiều vật quý theo người chết. Vì vậy mà thời gian gần đây, cộng đồng người Jarai ở Chư Pah như ngồi trên đống lửa bởi nạn đào mả để trộm đồ, dù có không ít kẻ trộm đã bị công an bắt.

Mâm cúng để làm lễ không bị bắt buộc mà tùy vào nhà có nhiều tài sản hay không. Nếu giàu có thì trâu, bò, heo, gà, rượu cần. Còn nếu nghèo thì ít nhất phải là heo, gà, rượu cần. Có trâu bò thì phải có cây nêu. Ngoài ra, còn có thêm tượng gỗ, nếu muốn. Người chết là người già thì tạc hình nhân ngồi chống cằm ngụ ý già yếu, hay ngồi hút thuốc hàm ý suy tư, cũng có khi là ngồi gảy đàn T’ninh. Còn trẻ em thì tạc hai đứa bé ôm nhau đùa giỡn, thanh niên thì tạc tượng đứng...

Trong những ngày diễn ra lễ ở mả, mọi người tụ tập ăn uống, tuyệt đối không mang trở về bất cứ thứ gì khi mang đến. Đầu trâu bò là ăn cuối cùng, hoặc treo lại trên mả. Trước khi ra về, nếu có cây nêu thì cắm trước mả, rồi cột một con gà con vào đầu mả; có thể trồng thêm cây chuối, cây dứa... để người chết có cái mà “làm ăn”. Rồi đặt tượng gỗ (nếu có) ở trước mả. Sau cùng, có một người đến cắm cây lê và... nói với mả: “Chúng ta đã chia tài sản. Tôi với anh (hay chị, cha, mẹ...) vĩnh biệt nhau, không còn tới lui gì với nhau nữa cả”, rồi kéo nhau về nhà ăn uống và không bao giờ quay lại mả này nữa.

Theo cụ A Lưih, dân làng cũng có hình phạt dành cho kẻ trộm mả. Kẻ trộm bị “áp giải” đến cái mả mà hắn đã “ra tay” và bị phạt một con heo để xin lỗi dân làng cùng “chủ nhân” cái mả. Tất nhiên, kẻ trộm phải hoàn trả tất cả những thứ đã khoắng được.

Mai này có còn bỏ mả ?

Tháng 3.2010, người dân trong vùng đã chứng kiến “đại lễ” bỏ mả của một dòng tộc người Jarai ở làng Plei Sar. Cụ A Lưih nhớ lại ngày nhộn nhịp của tộc mình: “Năm đó chúng tôi giết 2 con trâu và 11 con bò để làm lễ, ăn uống mấy ngày mới hết”. Theo già A Lưih, sở dĩ năm đó tổ chức lớn là do phải bỏ mả đến mười mấy cái. Vì mả nhiều nên cả dòng tộc phải mất gần một năm trời để lên kế hoạch, chọn ngày lành tháng tốt.

Tuy nhiên, theo già A Láo, đó như là vĩ thanh của tục bỏ mả. Từ đó đến nay mới chỉ có hai lần người ta tổ chức bỏ mả, riêng năm nay chưa thấy cái nào. A Láo bảo rằng ngày nay tập tục này khác xưa nhiều. Ngày trước, tuy không bắt buộc nhưng người sống dù có nghèo đến mấy cũng cố gắng bỏ mả. Còn bây giờ, rất nhiều mả bỏ không, tức không có dấu vết của bỏ mả. “Bây giờ ảnh hưởng nhiều luồng văn hóa quá, lớp trẻ không để ý, bọn chúng lại đi làm ăn xa nên cũng không còn mặn mà với tập tục này”, giọng già A Láo chùng xuống.

Một nguyên nhân nữa khiến cho tục bỏ mả sắp “phá sản” là do nhiều cây gỗ lớn đã không còn. Già A Láo lý giải: “Ví dụ như muốn tạc tượng thì phải có gỗ to một người ôm, nhưng bây giờ gỗ này hầu như không còn. Vì không có gỗ tạc tượng nên người ta cũng “lười biếng” làm lễ bỏ mả”.

Lê Xuân Thọ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.