Những tập tục kỳ lạ ở Tây nguyên - Kỳ 1: Đâm trâu tạ ơn thần linh

29/09/2015 14:20 GMT+7

(TNO) Đến hôm nay dù đời sống đã khác xưa nhưng đây đó trong những làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum vẫn còn những phong tục, hủ tục kỳ lạ.

(TNO) Đến hôm nay dù đời sống đã khác xưa nhưng đây đó trong những làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum vẫn còn những phong tục, hủ tục kỳ lạ.

Già làng A Điêng (đứng bên góc trái) trong buổi lễ đâm trâu cúng YàngGià làng A Điêng (đứng bên góc trái) trong buổi lễ đâm trâu cúng Yàng
Kỳ 1: Đâm trâu tạ ơn thần linh 
Đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum hầu như lễ hội lớn nào cũng đều cúng trâu để tạ ơn thần linh, Yàng để gia đình, làng quanh năm mạnh khỏe, ngày càng giàu có, không xảy ra thiên tai, bệnh tật.
Phía sau những lễ đâm trâu, ăn trâu này là phong tục còn sót lại và ý nghĩa tâm linh sâu sắc của người Tây nguyên.
Lễ đâm trâu 3 ngày của già làng A Điêng
Gặp không ít lễ đâm trâu nhưng ấn tượng nhất mà phóng viên Thanh Niên Online chứng kiến là lễ đâm trâu diễn ra 3 ngày của già làng A Điêng (70 tuổi), người Xê Đăng, nhánh Mơ Nâm ở làng Kon Bring, xã Đăk Long, huyện Kon Plong (Kon Tum).
Vào một đêm mùa hè trước ngày lễ, ngồi bên bếp lửa bập bùng của đêm rừng Măng Đen âm u, già A Điêng bảo: "Ngày mai tao bắt đầu làm lễ để tạ ơn Yàng đã cho vợ tao hết bệnh". A Điêng kể rằng, cách đây mấy năm, vợ của già đang làm trên rẫy thì bỗng nhiên ngất lịm, không nói năng một lời, nên vội vàng đưa đi bệnh viện. Thế là già A Điêng mời thầy cúng về nhà "nhờ nó cúng xem con ma nào hại". Trong lễ cúng hôm ấy, già A Điêng hứa nếu Yàng đuổi được con ma rừng đang ám vợ mình thì sẽ tế trâu cảm tạ.
Sau lễ cúng, già A Điêng đi chăm sóc vợ đang điều trị ở bệnh viện và vợ già A Điêng khỏe mạnh hoàn toàn. "Hồi đó, vợ tao khỏe, nhưng nhà không đủ gạo, nếp, không đủ gà, heo, dê, trâu nên tao xin Yàng đợi khi nào có sẽ tạ ơn đầy đủ. Đến khi con trâu, con heo, con dê của già đã lớn, già mới tập hợp các con lại và cùng nhau lập kế hoạch tổ chức lễ đâm trâu để giữ trọn lời hứa với thần linh.
Trước ngày tổ chức đâm trâu, già gọi thanh niên trong làng lên rừng chặt lồ ô, để khắc họa hoa văn, họa tiết rồi chọn một cây rừng chắc, không cụt ngọn để làm cây nêu.
Trước khi dựng cây nêu lên giữa sân nhà sàn, già A Điêng lấy máu gà bôi lên cây nêu và chọn con trâu "hết lớn" làm vật tế chính, ngoài ra còn có dê, heo buộc xung quanh cây nêu này. Đó là chưa kể còn có gà và rượu ghè (rượu cần) bày la liệt trên nhà, trước sân.
Sáng hôm sau, buổi lễ đâm trâu bắt đầu, có mặt đông đủ bà con trong thôn thậm chí các thôn lân cận trong xã cũng đến ăn mừng và chứng kiến gia đình già thực hiện lời hứa với thần linh. Nghi lễ đâm trâu bắt đầu với lời khấn vái của thầy cúng, rồi già làng A Điêng cầm cây giáo nhọn đâm vào con trâu. Sau đó đến con cháu, họ hàng và cuối cùng là bà con cùng đâm trâu, vừa đâm vừa nhảy múa, hát say sưa, hồn nhiên như núi rừng mông muội thuở xa xưa.
Sau khi đâm con trâu, heo, dê cũng bị đâm ngã xuống. Người làng Kon Bring lấy tiết trâu, heo, dê bỏ vào ống lồ ô rồi vẩy quanh cây nêu kèm với lời cầu xin Yàng, thần núi, thần nước hãy chứng giáng ngày lễ đâm trâu của gia đình. "Ngày trước có hứa với Yàng, nay làm lễ đâm trâu để tạ. Cầu xin thần cho sức khỏe, cho mùa màng tươi tốt, không có thiên tai, dịch bệnh xảy ra”. Lời khấn lầm rầm, thiêng liêng và không kém phần ma mị.
Lễ đâm trâu xong, già A Điêng lấy tiết và gạo vẩy quanh nhà để cầu bình an và sức khỏe. Vật tế được bà con cùng nhau xúm tay vào làm thịt, nấu lên và chia cho mỗi gia đình trong làng một ít, đó xem như lộc của già làng A Đriêng biếu. Đầu trâu với bộ lòng và thịt dê, thịt heo được treo lên cây nêu cho đến ngày hôm sau.
Đến ngày thứ hai, mọi người lấy bùn đất bôi lên mặt nhau, rồi cử một người gùi đầu trâu đi xung quanh cây nêu, một thiếu niên đi sau gùi thịt trâu, thịt dê và theo sau nữa là đội đánh chiêng cùng nhảy múa để cầu mong sẽ không có ai ốm đau, mùa màng tươi tốt.
Ngày thứ ba, đầu trâu được cắt ra nấu chín cúng Yàng để xin lễ được kết thúc và tất cả sừng trâu, xương trâu được già làng A Đriêng treo bên cửa ra vào của nhà mình… Trong suốt ngày và đêm diễn ra lễ đâm trâu, mọi người quây quần bên nhau múa hát theo nhịp trống, cồng chiêng, các chàng trai, cô gái nắm tay thành vòng múa xoang.
Những ngày diễn ra lễ đâm trâu, chúng tôi chứng kiến tất cả mọi hoạt động đều diễn ra xung quanh cây nêu có vật tế lễ được buộc chặt. Và cứ thế, họ đắm say bên ánh lửa bập bùng của màn đêm, xung quanh là những ghè rượu, những xâu thịt trâu, thịt dê, thịt heo thơm lừng. Đêm hôm ấy, trăng không xuyên qua được lá rừng, không sáng bằng bếp lửa đang bập bùng giữa nhà sàn nhà già A Điêng. 
Những tập tục còn sót lại ở Tây nguyên - Kỳ 1: Lễ đâm trâu để tạ ơn thần linh 2Đầu trâu được treo vào cây nêu ở lễ cúng trâu của già làng A Điêng
Những tập tục còn sót lại ở Tây nguyên - Kỳ 1: Lễ đâm trâu để tạ ơn thần linh 3Cùng nhảy múa xung quanh cây nêu treo thịt trâu
Người Sơđrá cúng trâu "trả nợ thần linh"
Anh Nguyễn Đang, cán bộ Sở Văn hóa - thông tin - thể thao tỉnh Kon Tum kể, một chuyến đi điền dã đã chứng kiến người Xê Đăng nhánh Sơđrá ở các xã Ngọc Wang, Ngọc Réo của H.Đăk Hà làm lễ lớn nhất của dân tộc mình: đó là lễ ting pêng (ting: cúng, pêng: bắn). Trong lễ này, con trâu là vật hiến tế và người Sơđrá dùng ná để bắn con trâu này. "Lễ thức này xuất phát từ quan niệm của người Sơđră: trả nợ thần linh. Một khi “có của ăn, của để” là lúc phải thực hiện lời hứa trước thần linh, thường kéo dài từ 2 đến 4 ngày", anh Đang cho biết.
Lễ này chuẩn bị trước từ vài tháng. Các gia đình hay cộng đồng làng mua trâu lớn, sau đó mới đến dê, heo. Trong đó, trâu (tiếng Xê Đăng là kpô) thường là vật cúng của chủ gia đình khá giả và con cái thành đạt, còn làng thì chuẩn bị 1 con trâu lớn, 2 con heo lớn để cúng thần tại nhà rông (Yang T’chuông). Tất cả các con vật đều phải là con đực khỏe mạnh.
Theo anh Đang, tại lễ này anh thấy trai tráng trong làng ai cũng chuẩn bị nỏ và tên để bắn. Khi lễ diễn ra tại nhà Rông, giàn trống thiêng (ieng hgâr) được huy động để đánh suốt đêm trước ngày lễ chính; làng được rào kín 2 ngày không cho người lạ vào làng trong thời điểm diễn ra lễ hội. Trai, gái trong thời gian này không được chung đụng, thần linh sẽ nổi giận nếu phạm phải.
Khi lễ diễn ra vào buổi sáng, vật hiến sinh được đưa vào bãi bắn, thường là ở một gò đất cao sạch sẽ. Sau đó, người làng đưa chiêng Buar (chiêng thiêng) ra đánh lễ, rồi đến đánh trống thiêng và già làng bắn vào con trâu do làng chuẩn bị, sau đó mới đến trâu của chủ nhà hiến tế. Sau đó, già làng và chủ nhà tế trâu lấy máu tươi bôi khắp nơi khấn: Nay làm lễ bắn con trâu, dâng cúng con trâu của cả dân làng chúng tôi. Chuyện gì không phải, không đúng của dân làng xin Yàng bỏ qua. Xin thỉnh các Yàng, tổ tiên, đây là gan (trâu) chúng tôi cúng, mong được làm tốt cái rẫy, tốt cái nương, no cơm ấm áo.
Những tập tục còn sót lại ở Tây nguyên - Kỳ 1: Lễ đâm trâu để tạ ơn thần linh4Nhà rông nơi diễn ra lễ ting pênh của người Sơđră
Những tập tục còn sót lại ở Tây nguyên - Kỳ 1: Lễ đâm trâu để tạ ơn thần linh 5 Con trâu được dắt ra cột vào cây nêu để làm lễ tế thần linh
Vào tháng 4.2014, anh Trần Lâm (phụ trách Phòng nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa - thể thao - du lịch Kon Tum) cùng chúng tôi chứng kiến lễ cúng Yàng Plut (thần ngà voi) tại nhà rông của người Rơ Măm ở làng Le, xã biên giới Mô Rai, H.Sa Thầy (Kon Tum). Lễ này cũng diễn ra 2 ngày và vật hiến tế gồm: trâu trắng, dê trắng, gà trắng.
Ngày trước khi diễn ra lễ chính, người Rơ Măm làm "xin đất" rồi dựng 3 cây nêu giữa nhà rông với nhiều họa tiết sặc sỡ. Trong đó, cây nêu để cột con trâu trắng là cao nhất, lớn nhất. Chiều muộn hôm ấy, trâu, dê được đưa ra buộc vào cây nêu này. Đêm hôm đó, dân làng uống rượu cần, đánh chiêng trống, nhảy múa xung quanh con trâu trắng, để nó không nằm xuống.
Hôm ấy, con trâu trắng nước mắt lưng tròng. Ánh mắt nó nhìn xung quanh cầu cứu, rất thảm thiết. Bởi nó biết mình thành vật tế thần, sắp chết. Và đến sáng sớm hôm sau, những thủ tục khấn vái xong là người Rơ Măm dùng cây dao rất sắc chặt hai khuỷu chân sau làm hai chân con trâu bị liệt hoàn toàn. Những thanh niên trai tráng áp vào giữ và ghì đầu trâu xuống đất. Một anh trai làng cầm dao đến đâm sâu vào tim con trâu để lấy máu tế thần Yang Plút.
Hơn một năm qua rồi, nhưng đến giờ thì cái cảnh mổ con trâu này trước nhà rông vẫn còn ám ảnh. Nhất là ánh mắt của con trâu buổi chiều hôm ấy được dân làng đưa ra cột vào cây nêu…
Những tập tục còn sót lại ở Tây nguyên - Kỳ 1: Lễ đâm trâu để tạ ơn thần linh 6 Dân làng tham gia lễ ting pêng treo thịt và đầu heo tại nhà của chủ gia đình hiến tế trâu
Những tập tục còn sót lại ở Tây nguyên - Kỳ 1: Lễ đâm trâu để tạ ơn thần linh 7Con trâu trắng được đưa ra tế thần Yang Plút của người Rơ Măm, làng Le, xã Mô Rai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.