|
Trao đổi với Thanh Niên Online, già làng A Reng cho biết, lễ hội gồm hai phần: ăn mừng lúa mới tại nhà rông của làng và tại từng nhà riêng của dân làng.
Có mặt tại lễ hội ăn lúa mới của cộng đồng người Rơ Mâm, phóng viên chứng kiến dân làng dựng ba cây nêu trước sân nhà rông thờ thần Yang Blút (thần ngà voi) vào chiều 29.10. Sau đó, họ buộc một con gà, một con dê và một con trâu trắng dưới ba cây nêu để làm lễ hiến tế.
Đến sáng 30.10, dân làng tập trung lại đâm trâu và dê để lấy máu tắm rửa cho thần Yang Plút, cầu thần che chở, cho mưa thuận gió hòa, dân làng khỏe mạnh, không đau ốm, hay gặp tai ương gì trong cuộc sống. Sau lễ hiến tế, dân làng tập trung ăn thịt, uống rượu cần.
Sáng 31.10, dân làng ai về nhà nấy ăn mừng lúa mới hết cả ngày.
|
Già làng A Reng cho hay, lễ hội này không dùng bò để cúng, hiến tế. Nếu cúng Yang Plút thì dùng gà, dê và đặc biệt phải có trâu trắng; còn từng nhà riêng thì phải có gà, sau đó tùy điều kiện gia đình sẽ làm heo, lợn hay dê.
“Lễ hội về cây lúa thì có bốn đợt: tỉa lúa, lúa lớn lên, lúa chín và thu hoạch xong lúa mới. Tùy theo điều kiện của dân làng, có khi năm nào cũng làm lễ hội, nhưng có khi hai, ba năm mới làm một lần”, già làng A Reng nói thêm.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, đây là lần đầu tiên tổ chức phục dựng lại lễ hội ăn lúa mới của người Rơ Mâm.
Phạm Anh
>> Tưng bừng lễ hội Katê
>> Nhiều hoạt động nhân lễ hội Ok Om Bok
>> Lễ hội chọi trâu lần đầu tiên tại Bình Phước
>> Tưng bừng lễ hội Nghinh Ông Phan Thiết
>> Lễ hội... cầu mưa
>> Đà Lạt tổ chức lễ hội mưa phố núi
Bình luận (0)