“Mây nước thiêng liêng”
Đường Ngô Quyền (Q.5, TP.HCM) buổi chiều chan nắng, nhưng lại dậy lên âm hưởng bản nhạc Bạch Đằng giang bất hủ của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (lời Mai Văn Bộ). Vào thuở đang học tại ngôi trường tiểu học ở Quảng Trị, tôi còn nhớ chất giọng trầm ấm của ông thầy giáo dạy nhạc, thầy Cẩm. Mỗi buổi ra chơi sau khi tập hợp, thầy lại dạy đám học trò nhỏ mấy bài sử ca, mà bài hát Bạch Đằng giang là bài tôi thích nhất. Buổi học nhạc giữa giờ chơi ngắn ngủi chỉ tầm 30 phút, vài tuần mới xong một bài. Tính ra, để thuộc và hát được hợp ca, bọn học trò chúng tôi phải mất hết một tháng. Nhưng hào khí bài hát truyền lại vẫn vẳng cho đến bây giờ!
Không hiểu mấy lần sông Bạch Đằng dậy sóng, người nhạc sĩ tài hoa muốn lưu dấu trận đánh của danh tướng Ngô Quyền hay tài chỉ huy thao lược của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cách nhau đến 3 thế kỷ. Một lần là thế kỷ 10 với trận đánh tan quân Nam Hán, còn một lần khác là thế kỷ 13 với oai hùng của quân dân nhà Trần khiến quân Nguyên - Mông tan tác. Lời bản nhạc da diết nhưng đậm chất tráng ca, khi vào điệp khúc: “Mây nước thiêng liêng còn ghi chép rành. Thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh...”. Sự xúc động cứ đầy trong tâm tưởng của bao thế hệ khi nghĩ về các bậc tiền nhân. Những bản sử ca như vậy đã hun đúc nhiệt huyết cho lứa tuổi học trò, từ sự truyền dạy của thầy cô thuở ấy.
Tháng 12.2019, bãi cọc gỗ được phát hiện và khai quật ở một cánh đồng thuộc xã Liên Khê, H.Thủy Nguyên, Hải Phòng. Các nhà nghiên cứu lịch sử xác định được niên đại là vào năm 1288, chính là bãi cọc do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sai quân đóng trên sông Bạch Đằng để đánh địch trong trận chiến quân nhà Trần với quân Nguyên - Mông lần thứ ba. Nhìn hình ảnh được truyền đi từ các tờ báo, ai cũng xem đó là một sự kiện lưu dấu lịch sử rất sống động, tuy các thớ gỗ đã nằm im lìm ở địa chỉ trên hơn 700 năm!
Và bây giờ, đi trên đường Trần Hưng Đạo dài theo chiều dọc qua mấy quận của thành phố, rẽ một đoạn rồi xuyên qua đường Ngô Quyền, hình dung như sống lại những câu chuyện xưa. Cả hai vị danh tướng sống cách nhau 3 thế kỷ, với trí thông minh và tài thao lược đã nghĩ ra cách đánh giặc khiến chúng không ngờ đến, đem lại chiến thắng vẻ vang cho non sông đất nước.
“Đống Đa còn chốn đây”
Bản nhạc Gò Đống Đa của cố nhạc sĩ Văn Cao lại chuyển tải và ghi dấu một địa danh oai linh với giai điệu hừng hực khí thế ngút ngàn với trận chiến đánh tan 20 vạn quân Thanh của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ở Sài Gòn, mỗi con đường đều ghi một dấu tích, một câu chuyện. Con đường Nguyễn Huệ ở Q.1 mang tên buổi đầu chinh chiến của ông. Nhưng dọc theo trục đường chính của Q.Gò Vấp, tên đường Quang Trung được đặt, lại xác định thuở ông đã bước lên ngôi hoàng đế. Trận đánh quật khởi của người anh hùng áo vải lúc đã xưng ngôi Bắc Bình Vương, đánh đuổi quân Thanh là một chiến công hiển hách trong lịch sử, vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Nhạc sĩ Văn Cao đã chọn một địa danh rất thực, mà nét nhạc hùng ca của ông nghe như một huyền tích. Đẹp mà vang trong các dàn hợp ca.
Nhưng đôi khi, có người chỉ cần hát đơn lẻ với tiếng guitar thôi, nghe cũng rất hào hùng, nhất là khi vào điệp khúc: “Cùng thăm nơi xưa ai là người không bái sùng. Dòng máu ái quốc lưu truyền trong bao đấng hùng...”. Rồi: “Ta đi đi đi đi thăm gò xưa chất thây. Đống Đa còn chốn đây...”.
Ở trang 379 của Việt Nam sử lược, học giả Trần Trọng Kim mô tả trận Đống Đa như sau: “Quân Tàu địch không nổi, xôn xao tán loạn, xéo lẫn nhau mà chạy. Quân Nam thừa thế đánh tràn đi, lấy được các đồn... Quan nhà Thanh là đề đốc Hứa Thế Hanh, tiên phong Trương Sĩ Long, tả dực Thượng Duy Thăng đều tử trận cả; quan phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống đóng ở Đống Đa bị quân Nam vây đánh cũng thắt cổ mà chết. Tôn Sĩ Nghị nửa đêm được tin báo, hoảng hốt không kịp thắng yên ngựa và mặc áo giáp, đem mấy tên lính kị chạy qua sông sang Bắc...”.
Chiến công ấy như một tiếng trống vang vọng cảnh báo quân Thanh suốt nhiều năm sau đó. Và bây giờ, tên đường vị hoàng đế được đặt ở Q.Gò Vấp như một sự tôn vinh, lưu giữ tiếng thơm muôn thuở của Quang Trung không chỉ trong sử sách Việt, mà cả với sách sử thế giới khi nhắc đến trận đánh thần tốc kinh hồn vỏn vẹn chỉ 5 ngày từ Phú Xuân ra đến Thăng Long.
Cuối trang sách, Việt Nam sử lược có ghi một đoạn chú thích: “Về sau, bọn Khách trú ở Thăng Long làm cái đền thờ Sầm Nghi Đống ở ngõ Sầm Công, sau hàng Buồm. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có vịnh bài thơ tuyệt cú rằng: “Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo/Kìa đền Thái thú đứng cheo leo/Ví đây đổi phận làm trai được/Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?”. Còn với địa danh Đống Đa đi vào lịch sử gắn với tên tuổi vị vua nổi tiếng, thì được học giả Trần Trọng Kim chú thích ngắn gọn: “Ở cạnh Thái Hà ấp, gần Hà Nội”.
“Tiếng trâu xa còn vọng trong khói mơ”
Cố nhạc sĩ Hoàng Quý vốn nổi danh với bản tình ca Cô láng giềng cũng góp mặt với sử ca Việt một dòng cảm thức rất riêng qua giai điệu trầm hùng bằng bản nhạc Bóng cờ lau, khi nhắc đến một người anh hùng trong sử Việt: Đinh Bộ Lĩnh. Một danh nhân và có lẽ với một sự trùng hợp ngẫu nhiên, được đặt tên cho cả 2 con đường ở Q.Bình Thạnh. Tên đường Đinh Bộ Lĩnh, được đặt cho con đường dọc theo Bến xe Miền Đông, kéo dài từ cầu Bình Triệu đến giao lộ với đường Bạch Đằng, ghi dấu thuở thiếu thời của cậu bé chăn trâu bẻ cờ lau tập trận. Còn danh nhân Đinh Tiên Hoàng, khi đã lên ngôi vua, thì được đặt tên cho một con đường kéo từ Q.1 dài sang Q.Bình Thạnh.
Nhạc sĩ Hoàng Quý viết: “Ngàn bông lau reo đưa trong chiều gió phất phới/Hay bóng cờ năm xưa còn đâu đây/Kìa bao tiếng trâu xa, còn vọng trong khói mơ... Hoa Lư ơi, non lau còn trong sương gió/Đến muôn đời mà không dứt lời ca...”.
Nhân vật lịch sử Đinh Bộ Lĩnh ở vào một thời đoạn đất nước nảy sinh ra loạn 12 sứ quân. Nếu không nhờ vào tài thao lược, ý chí ngất trời thì rất khó đánh dẹp và hiệu triệu để giang sơn về một mối. Tuy chỉ làm vua 12 năm, nhưng trong 1 năm ông đã dẹp yên được loạn sứ quân nổi dậy khắp nơi và được tôn xưng là Vạn Thắng Vương. Huyền tích cờ lau tập trận của cậu bé chăn trâu ở xứ Hoa Lư đã đi vào lịch sử, sau đó được nhân dân sùng bái, rồi đi vào nhạc như một minh chứng cho trí lự của một nhân vật.
Tôi cứ miên man nghĩ, nếu ông không xuất hiện vào giai đoạn rối ren ấy, thì rất khó tạo nên một sức đề kháng đủ mạnh để sau này quân dân Việt đánh tan quân nhà Tống. Cho nên, việc lấy cả tên húy lẫn tên lúc lên ngôi của ông để đặt tên đường là sự nhắc nhở hậu nhân về những kỳ tích của nhân vật đã sống cách đây hơn cả ngàn năm.
Sử chép: “Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng Vương lên ngôi hoàng đế, tức là Tiên Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Tiên Hoàng xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn quan võ, phong cho Nguyễn Bặc làm Định Quốc Công, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, và phong cho con là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương” (Việt Nam sử lược, trang 98, NXB Kim Đồng, 2019).
... Còn rất nhiều con đường khác ở Sài Gòn gắn với tên các nhân vật, đồng hành với các địa danh lưu dấu trong lịch sử, được các nhạc sĩ sáng tác mang âm hưởng sử ca. Mỗi khi đi qua những con đường ấy, những người dân nước Việt chảy trong mình dòng máu Lạc Hồng, hẳn ai cũng nghe vang vọng. Tôi vẫn nghĩ và tin như thế!
Cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn có vài bài sử ca khá nổi tiếng vào thời trước như Hội nghị Diên Hồng, Ải Chi Lăng; cố nhạc sĩ Hoàng Quý còn có bài Nước non Lam Sơn mà mỗi khi nghe các dàn hợp xướng cất lên, lại nghe như lịch sử ngàn xưa vọng về. Với cách diễn đạt trầm hùng về những sự kiện nổi bật, các nhạc sĩ đã khơi gợi lại trong tiềm thức hào khí hùng tráng. Điều này, mới đây trong một lần chuyện trò với nhạc sĩ Phan Bá Chức, đồng thời là một nhà báo từng công tác ở Báo Thanh Niên nay đã nghỉ hưu, ông nói với tôi: “Nếu có thể khơi gợi lại hào khí ấy trong lứa tuổi học sinh bằng các buổi tập hát sử ca, sẽ gieo vào các em niềm tự hào, lòng yêu nước và chắc chắn các em sẽ yêu thích môn lịch sử nước nhà nhiều hơn”.
|
Bình luận (0)