Những thảm kịch kinh hoàng nhất lịch sử bóng đá: Nhiều nhất hơn 300 người chết

02/10/2022 16:02 GMT+7

Giới bóng đá đang rúng động với bạo loạn làm hơn 120 người chết trong một trận đấu ở Indonesia. Trong quá khứ, nhiều sân bóng trên thế giới cũng từng ghi nhận những vụ việc thảm khốc khiến nhiều CĐV thiệt mạng.

Hơn 300 người thiệt mạng ở Peru năm 1964

Ngày 24.5.1964, 53.000 chỗ ngồi của sân Estadio Nacional tại Lima (Peru) được lấp đầy khi đội chủ nhà Peru gặp Argentina ở vòng loại Olympic. Nói cách khác, cứ 20 người dân ở thủ đô Peru thì có một người đến sân trong ngày hôm ấy. Đội khách Argentina dẫn 1-0, đến khi trận đấu chỉ còn 6 phút thì xuất hiện pha bóng lẽ ra phải là bàn gỡ 1-1 cho đội chủ nhà Peru. Tuy nhiên, trọng tài người Uruguay - Eduardo Angel Pazos quyết định không công nhận bàn thắng.

Cảnh hỗn loạn trong trận Peru - Argentina tại Peru năm 1964

afp

Quyết định này khiến khán giả Peru phản đối dữ đội. Một khán giả chạy vào sân, có vẻ như để tấn công trọng tài nhưng bị cảnh sát chặn lại. Tuy nhiên, vị khán giả không chỉ hứng chịu những tràng dùi cui mà còn bị cảnh sát quẳng ra khỏi sân và bị chó nghiệp xông đến tấn công. Đây được xem là “giọt nước tràn ly” cho sự tức giận của các CĐV Peru. Không chấp nhận được thái độ của cảnh sát, khán giả đồng loạt ném xuống sân bất cứ vật gì họ có về phía cảnh sát. Cả ngàn người chực chờ tràn xuống sân cùng lúc. Chính vì vậy, cảnh sát nã đạn hơi cay về phía khán đài, gây ra cảnh hỗn loạn.

Tổng hợp vụ bạo động kinh hoàng khiến hàng trăm người chết ở sân cỏ Indonesia

Cũng như nhiều thảm họa sân bãi khác, khán giả ở Lima chết vì giẫm đạp lên nhau trong cơn hỗn loạn, nhất là những người chạy vào hành lang dẫn đến lối ra trong khi lối ra đã bị khóa chặt. Riêng trong vụ này, còn có rất nhiều người chết vì ngạt thở. Con số chính thức được công bố là 328 người tử vong.

Hơn 120 người chết ở Ghana năm 2001

Ngày 9.5.2001, thảm kịch tồi tệ nhất liên quan tới thể thao xảy ra ở Ghana, khi hơn 120 cổ động viên đã thiệt mạng trên sân Accra (hiện là Ohene Djan) trong trận đấu bóng đá giữa đội chủ nhà Hearts of Oak và đội khách Asante Kotoko.

Đội khách dẫn trước 1-0 tới gần cuối trận, nhưng sau đó đội chủ nhà Hearts of Oak đã ghi liền 2 bàn lật ngược tình thế. Khi chỉ còn 5 phút là kết thúc trận đấu, các CĐV đội Asante Kotoko bắt đầu giật ghế khỏi khán đài và ném xuống sân. Cảnh sát đáp trả bằng cách bắn hơi cay và đạn cao su nhằm giải tán đám đông. Lúc đó, cửa ra vào bị đóng và các cổ động viên không có nơi trú ẩn, tất cả đều điên cuồng tìm cách thoát khỏi sân. Họ không thể leo qua hàng rào cao 2m để xuống sân nên đều đổ về các cầu thang hẹp để tới cửa ra. Hiệu ứng cổ chai xảy ra, mọi người giẫm đạp lên nhau trong hoảng loạn để tự cứu thân.

Khi mọi việc kết thúc, 117 người thiệt mạng do ngạt thở, hơn 10 người khác bị giẫm chết và nhiều người khác bị thương. Cả người chết lẫn những nạn nhân bất tỉnh đều được chất lên đằng sau xe tải và xe cứu thương để đưa tới bệnh viện.

Hơn 90 người thiệt mạng ở Anh năm 1989

Ngày 15.4.1989, rất đông CĐV dồn vào sân Hillsborough để xem trận thư hùng giữa Liverpool và Nottingham Forest (vốn là một thế lực cực mạnh của bóng đá Anh ở những năm thập niên 1990) tại bán kết cúp FA đã khiến các nhân viên phụ trách an ninh không thể kiểm soát. Vào thời đó, hầu hết các sân vận động ở nước Anh đều có một hàng rào thép gai ngăn cách khán đài và sân bóng. Khi những khán giả đến muộn nôn nóng tràn vào sân, họ không biết rằng đã dồn những phía trước đến sát hàng rào. Nhiều người đã chết ngạt trước sức ép kinh khủng đó.

Nhiều CĐV đã chết như thế này

Nhiều CĐV cũng tìm đường sống bằng cách trèo qua hàng rào và trước sức ép của số đông người hoảng loạn, hàng rào đã sụp xuống. 94 người chết ngay thời điểm đó. Bốn ngày sau, con số thương vong là 95, khi một cậu bé 14 tuổi qua đời. Bốn năm sau đó, một CĐV sống đời thực vật sau thảm họa trên đã chết tại giường bệnh, nâng con số người chết lên thành 96. Và cũng từ năm 1989, hàng rào ngăn cách sân bóng ở tất cả các giải đấu nước Anh bị dỡ bỏ, các khán đài phải trang bị ghế ngồi.

Thảm kịch kinh hoàng nhất lịch sử bóng đá khiến hơn 100 người chết ở Indonesia

Hơn 70 người bỏ mạng ở Ai Cập năm 2012

Vụ bạo loạn xảy ra sau trận thắng 3-1 của đội chủ nhà Al-Masry trước CLB Al-Ahly ở lượt trận vòng 16 diễn ra hôm 1.2.2012 (theo giờ địa phương) tại Port Said, một thành phố nằm ở vùng đông bắc Ai Cập. Ngay sau khi trận đấu kết thúc, khoảng 13.000 CĐV của đội chủ nhà bất ngờ lao đến tấn công khoảng 1.200 CĐV của CLB Al-Ahly có mặt trên sân. Hàng ngàn người hoảng loạn giẫm đạp lên nhau để chạy ra khỏi sân vận động. Người kêu cứu thất thanh giữa đám đông, người bị đánh đập túa máu, người gục tại chỗ... Những ai chứng kiến vụ bạo loạn không khỏi bị sốc.

Vụ bạo loạn khiến ít nhất 74 người thiệt mạng do chấn thương sọ não, bị đâm và ngạt thở cùng hơn 248 người khác bị thương, trong đó có nhiều sĩ quan cảnh sát, đồng thời có 47 người bị bắt giữ.

Hơn 60 người chết ở Nga năm 1982

Trận đấu ở Cup UEFA (Europa League ngày nay) giữa Spartak Moscow và đối thủ đến từ Hà Lan - CLB Haarlem trên sân Luzhniki, Moscow ngày 20.10.1982 ghi dấu một thảm kịch của bóng đá Nga. Về cuối trận, lúc tỷ số vẫn là 1-0 nghiêng về chủ nhà Spartak, nhiều CĐV đã bỏ về. Nhưng sau đó, việc Spartak ghi bàn để nâng cách biệt lên thành 2-0 ở những giây cuối cùng khiến số người này phấn khích ùa vào sân trở lại để ăn mừng bàn thắng, dẫn đến cảnh chen lấn với dòng người đang đổ ra.

Vì lý do an ninh, chỉ có một lối ra duy nhất được sử dụng tại khu khán đài phía Đông của sân Luzhniki lúc đó. Nhà cầm quyền Liên Xô lúc đó đã tìm mọi cách bưng bít, làm giảm mức độ nghiêm trọng của vụ việc khi nói rằng chỉ "một số người bị thương". Nhiều năm sau, bí mật được vén màn và số người tử vong chính thức được công bố là 67. Tuy nhiên, nhiều thông tin xung quanh cho rằng đã có tới hơn 300 người tử vong. Trong ảnh là đài tưởng niệm các nạn nhân bên ngoài sân Luzhniki ngày nay.

Từ bạo loạn ở Indonedia, nhìn lại những thảm kịch kinh hoàng trong lịch sử bóng đá
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.