Những thành công trong chữa trị hiếm muộn tại Tây nguyên

28/04/2023 18:26 GMT+7

Sau hơn 1 năm thành lập, Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã đón chào sự ra đời khỏe mạnh của 20 em bé bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Ngày 28.4, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp  thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Việt Nam (30.4.1998 - 30.4.2023) và đánh giá kết quả hoạt động của Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột.

Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột (trực thuộc khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột) ra đời vào ngày 16.2.2022 là kết quả của sự hợp tác giữa Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột và Bệnh viện Mỹ Đức TP.HCM. Đây là trung tâm hỗ trợ sinh sản đầu tiên tại khu vực Tây nguyên được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và thực hiện đầy đủ các kỹ thuật điều trị hiếm muộn hiện đại, chuyên sâu.

20 em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Tây nguyên  - Ảnh 1.

Đơn vị IVFMD Buôn Ma Thuột thăm khám cho một sản phụ

BỆNH VIỆN ĐH Y DƯỢC BUÔN MA THUỘT

Bác sĩ CKII Võ Minh Thành, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, cho biết vùng Tây nguyên ước có khoảng 420.000 cặp vợ chồng hiếm muộn, riêng tỉnh Đắk Lắk có 146.000 cặp vợ chồng hiếm muộn. Vì vậy, sự ra đời của Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột có ý nghĩa rất lớn, trao nhiều cơ hội đến các cặp vợ chồng hiếm muộn trên địa bàn, giảm thiểu nỗi lo lắng về việc di chuyển xa trên hành trình "tìm con".

"Đến nay, đơn vị IVFMD Buôn Ma Thuột đã đón chào sự ra đời khỏe mạnh của 20 em bé bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Trong đó, em bé đầu tiên ra đời vào ngày 28.12.2022 với 35 tuần tuổi, cân nặng 2,6 kg", bác sĩ Thành thông tin.

20 em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Tây nguyên  - Ảnh 2.

Các bác sĩ tại Đơn vị IVFMD Buôn Ma Thuột đã làm chủ các kỹ thuật điều trị hiếm muộn hiện đại, chuyên sâu

BỆNH VIỆN ĐH Y DƯỢC BUÔN MA THUỘT

Nói về "duyên cớ" thành lập Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột, thạc sĩ - bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Trưởng Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD, Bệnh viện Mỹ Đức TP.HCM, cho biết qua nghiên cứu, bệnh viện nhận thấy phí đi lại, ăn ở và thời gian các cặp vợ chồng hiếm muộn ở tỉnh xa phải bỏ ra để "tìm con" còn cao hơn cả chi phí điều trị trực tiếp IVF. Do đó, việc triển khai các trung tâm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao tại các tỉnh xa như Đắk Lắk sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm gánh nặng và căng thẳng trong quá trình "tìm con" của các cặp vợ chồng hiếm muộn.

"Sự ra đời của Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột đã hiện thực hóa ước mơ tìm con của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn trên địa bàn Tây nguyên", ông Tường đánh giá.

Sản phụ M.T.T (26 tuổi), mẹ của em bé đầu tiên tại Tây nguyên ra đời bằng phương pháp IVF tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, cho biết sau gần 2 năm cưới nhau nhưng chưa có con, vợ chồng chị bắt đầu hành trình "tìm con". "Năm 2022, nghe tin IVFMD Buôn Ma Thuột khai trương, tôi đã quyết định lựa chọn điều trị tại đây, thay vì phải đi TP.HCM. Nhờ vợ chồng đồng lòng, nhờ các y bác sĩ, điều dưỡng tận tình, chu đáo, cuối cùng vợ chồng tôi đã hái được 'quả ngọt', có được con trai đầu lòng khỏe mạnh, kháu khỉnh", chị T. phấn khởi kể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.