Tôi không phản đối việc tặng quà tri ân thầy cô nhân ngày 20.11. Nhưng nghe mọi người bàn về chuyện này, tôi lại nhớ đến những thầy cô khác, những người dường như chưa biết đến quà Ngày Nhà giáo như thế nào.
Ngày nhà giáo Việt Nam với những cô giáo vùng cao nghèo này thường lặng lẽ. Với các cô, trò đến lớp là quý rồi. (Trong ảnh: Trường tiểu học Sơn Điện 2, H.Bảo Yên, Lào Cai) - Ảnh: Phan Hậu |
1.Đó là các cô giáo tiểu học của chúng tôi, những người dạy lũ trẻ chúng tôi ở thị xã tỉnh Thanh vào cái thời mà xã hội còn chưa có “văn hóa phong bì”. Thời đó sao mà đáng nhớ thế. Ngày 20.11, đến chúc mừng các cô, mỗi đứa học trò chỉ đem theo vài bông hoa hái ở vườn nhà hoặc xin ở hàng xóm. Thế mà thầy cô đều rất nhớ nhau, hôm vừa rồi các bạn đến thăm lại các cô sau 25 năm, cô vẫn nhớ từng đứa học trò ngồi chỗ nào trong lớp, tính cách ra sao. Cô yêu quý và nhớ học trò như thế, tất nhiên học trò không bao giờ quên cô.
Đó là những thầy giáo trên một huyện miền núi biên giới, đi dạy cách nhà 70-100km, mà muốn về thăm nhà sau nửa tháng dạy học phải đi xe máy vòng qua tỉnh khác để đi theo đường liên huyện rồi ra quốc lộ liên tỉnh để vòng về nhà, chứ đường thẳng là đường xuyên núi, muốn leo qua cũng phải mất cả ngày.
Chúng tôi gặp các thầy trong một chuyến đi từ thiện năm trước. Trường của các thầy được đầu tư xây dựng khá kiên cố, lắp đèn neon, quạt trần đầy đủ, chỉ thiếu… điện. Tình cờ nghe được câu chuyện này, biết rằng còn khá lâu đường điện mới được kéo vào đến thôn này, chúng tôi đem tặng các thầy (trường không có cô) và các em học sinh bộ pin mặt trời để thắp sáng trong niềm vui mừng chân thành của cả thầy và trò. Ở đây, ngày Nhà giáo diễn ra đơn giản lắm, lấy đâu ra quà cho các thầy.
Trong buổi tối giao lưu, mấy thầy buồn buồn chia sẻ, không biết bao giờ mới được chuyển về trung du hoặc đồng bằng dạy như lời hứa của ngành, sau khi hết thời gian xung phong đi dạy trên miền núi. Đa phần các thầy đã quá hạn đi “nghĩa vụ” nhiều năm, nhưng nghe nói muốn được chuyển về, cũng “mất một khoản”. Khoản đó đâu như bằng tiền lương các thầy dạy vài năm. Với các thầy, quà quý nhất chắc là được thực hiện lời hứa khi nhận quyết định lên đường đem chữ đến với các em bé vùng cao. Với chúng tôi, chỉ biết bày tỏ với các thầy sự biết ơn và ngưỡng mộ, chứ chưa biết làm gì hơn để giúp các thầy.
2.Cách đây dăm năm, một cô đồng nghiệp vui tính của tôi đã chia sẻ trên Facebook cá nhân: Ai là người dạy tôi nhiều kiến thức nhất? - Chính là trang mạng Google. Xin chúc mừng Google nhân ngày nhà giáo! Câu trả lời làm tôi phì cười, vì thấy nó cũng đúng với mình. Tất nhiên, cả cô bạn kia và tôi đều không thể quên được vai trò của thầy cô giáo trong những năm học ở trường. Nhưng học tập là một quá trình không ngừng, và càng học càng thấy kiến thức trong trường càng bé nhỏ. Xin cảm ơn Google và Internet nói chung, những người thầy chưa bao giờ nhận được của chúng tôi quà tri ân!
Một chị lãnh đạo của tôi vừa chia sẻ: Ngày nhà giáo, chị luôn muốn mua hoa tặng lãnh đạo cao nhất của chị, vì anh ấy là người dạy chị những bài học vô giá trong công việc và cuộc sống. Một cô bạn cũng cho biết, cô coi một bạn đồng nghiệp thân thiết là người thầy, người dạy cô rất nhiều về chuyên môn, nghiệp vụ và cả kỹ năng trong công việc. “Người thầy” đó không nhận được quà của bạn tôi nhân ngày nhà giáo, nhưng luôn nhận được ở cô lòng biết ơn sâu sắc. Câu chuyện của cô kể khiến mỗi người trong chúng tôi đều nhận ra rằng, bạn bè, đồng nghiệp cũng là thầy của chúng ta trong thực tế và trong công việc.
“Tôn sư, trọng đạo” là phẩm chất quý giá của người Việt. Tôi vẫn sẽ chuẩn bị món quà để chúc mừng các cô giáo dạy con tôi để tỏ lòng biết ơn. Nhưng tôi cũng như nhiều người hay bị cuốn vào những câu chuyện về chuyện quà cáp cho thầy cô ở các đô thị mà quên đi rằng ở các vùng quê nghèo, các vùng biên giới, rừng núi xa xôi, có hàng vạn người thầy đang miệt mài dạy chữ cho các em nhỏ mà chưa bao giờ nhận được quà ngày nhà giáo.
Và ở ngay bên cạnh chúng ta, cũng có rất nhiều những người thầy, những người cũng hiếm khi nhận được của ta lời biết ơn đơn giản nhất.
Bình luận (0)