Những thay đổi quan trọng trong chính sách giáo dục từ tháng 7

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
03/07/2022 13:46 GMT+7

Bắt đầu từ gần cuối tháng 7, một số chính sách liên quan đến giáo dục bắt đầu có hiệu lực như thay đổi cách phân chia khu vực trong chính sách cộng điểm ưu tiên, người học tiến sĩ trong nước được hỗ trợ kinh phí...

Khu vực tuyển sinh của thí sinh được xác định lại

Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ ngày 22.7.2022 đã có một số thay đổi trong cách xác định khu vực ưu tiên để cộng điểm khi xét tuyển ĐH.

Theo đó, khu vực 1 được cộng 0,75 điểm, được xác định là các xã khu vực I, II, III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Khu vực tuyển sinh của thí sinh sẽ có thay đổi và bắt đầu thực hiện từ năm 2023

khả hòa

Trong khi quy định trước đó, khu vực 1 được xác định là các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định được áp dụng trong thời gian thí sinh học THPT hoặc trung cấp; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, khu vực tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học cấp THPT (hoặc trung cấp); nếu thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì xác định theo khu vực của trường mà thí sinh theo học sau cùng.

Trong khi quy định trước đó là: "Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học THPT (hoặc trong thời gian học trung cấp) có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó".

Nếu như năm 2021 trở về trước, học sinh các trường, lớp dự bị ĐH và tất cả các học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú (chứ không phải theo nơi học), thì từ tháng 7.2022, học sinh dự bị ĐH không còn được hưởng ưu tiên theo nơi thường trú. Chỉ những học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng các chế độ ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước theo quy định mới được hưởng ưu tiên theo nơi thường trú.

Đặc biệt từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Hỗ trợ kinh phí học tập, nghiên cứu cho người học tiến sĩ trong nước

Đây là nội dung Thông tư 30 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030, có hiệu lực từ ngày 20.7.

Giảng viên nghiên cứu khoa học, học thạc sĩ, tiến sĩ theo đề án sẽ được hỗ trợ

v.v

Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí học tập, nghiên cứu cho người học tiến sĩ tập trung toàn thời gian ở trong nước, bao gồm hỗ trợ kinh phí để người học thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước.

Cụ thể như sau: nhóm ngành y dược, thể dục, thể thao, nghệ thuật 20 triệu đồng/người học/năm; nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; nông, lâm, thủy sản 18 triệu đồng/người học/năm; nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác 13 triệu đồng/người học/ năm. Thời gian hỗ trợ nằm trong thời gian học tại cơ sở đào tạo (không quá 4 năm).

Đối với người người học đăng bài báo khoa học quốc tế, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế và đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học và công nghệ uy tín quốc tế thuộc danh mục cơ sở dữ liệu các tạp chí khoa học của Web of Science theo mức thông báo của tạp chí khoa học và công nghệ quốc tế, với tư cách là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ.

Người học trình độ tiến sĩ và thạc sĩ toàn thời gian ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ học phí và các khoản có liên quan đến học phí (chi bằng đồng USD hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại), tối đa không quá 25.000 USD/người học/năm học. Việc chi trả này thực hiện thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ GD-ĐT với cơ sở đào tạo ở nước ngoài hoặc theo mức do cơ sở đào tạo ở nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên.

Trường hợp mức học phí cao hơn 25.000 USD/người học/năm thì mức chênh lệch học phí cao hơn do người học tự chi trả hoặc do cơ sở giáo dục ĐH cử giảng viên đi học chi trả theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.