Người dùng ngày nay có xu hướng chi tiền cho các thiết bị nhà thông minh để tận hưởng cuộc sống thoải mái hơn mỗi khi về nhà. Tuy nhiên sản phẩm có thể được tận dụng một cách triệt để hơn để phục vụ cho nhu cầu khác, mang đến sự yên tâm ngay cả khi họ đi vắng.
Vắng nhà ngày tết nhưng gia chủ vẫn có thể yên tâm phần nào nhờ thiết bị thông minh trong nhà |
chụp màn hình |
Một số gói ứng dụng cho smarthome có sẵn chế độ cài đặt đưa toàn bộ thiết bị thông minh trong nhà vào chế độ "Kỳ nghỉ" (dùng khi không ai có nhà), nhưng người dùng có thể tự cài đặt riêng cho từng sản phẩm nếu không được hỗ trợ sẵn từ nhà sản xuất. Các tùy chỉnh này sẽ giúp căn nhà trở nên an toàn hơn khi cả gia đình đi vắng như cảnh báo cháy, chống trộm... Dưới đây là một số mẹo tùy chỉnh đơn giản cho nhà thông minh để cả gia đình có thể yên tâm hơn khi đi vắng như kỳ nghỉ hay dịp Tết Nguyên đán.
Bật chế độ bắt chước hoạt động sinh hoạt hằng ngày
Một trong những điều "hay ho" nhất của thiết bị nhà thông minh là khả năng tự động bật, tắt theo lịch hẹn hoặc từ xa. Tự động hóa không chỉ giúp giảm bớt thao tác của người dùng khi ở nhà (như chỉnh ánh đèn theo thời gian, mở đóng rèm...) mà còn hữu ích trong vai trò "đóng giả chủ nhà".
Tùy nhà sản xuất gọi tính năng này là "Bắt chước sự hiện hữu của gia chủ" hay chế độ "Đi vắng"..., tất cả đều hoạt động theo nguyên tắc hoạt động bật, tắt như khi đang có người ở nhà sử dụng (dù thực tế đã đi vắng hết). Cụ thể, chủ nhà có thể bật, tắt đèn vào một số khung thời gian cố định (hoặc ngẫu nhiên) như có ai đó đang đi lại giữa các căn phòng trong nhà; mở TV tạo cảm giác có người nhà đang xem hoặc để phát ra tiếng động, giả lập tiếng người nói chuyện...
Đặt mã khóa thông minh tạm thời
Gia chủ vắng nhà nhưng vẫn thuê người tới coi sóc theo khung thời gian, hoặc người chăm thú cưng, nhờ cậy hàng xóm thân thiết... qua lại để kiểm tra khi cần, quên chìa khóa? Đừng lo về vấn đề này khi các mẫu khóa cửa thông minh có chế độ đặt mã khóa tạm thời. Chủ nhà có thể cài để mã này chỉ hoạt động theo khung thời gian nhất định (thời điểm có người qua kiểm tra, chăm sóc) và tắt đi lúc nào mình muốn.
Ngay cả khi không đi vắng, gia chủ cũng có thể tạo mã riêng cho từng người để cấp quyền vào những khu vực khác nhau, cho nhiều mục đích trong nhà. Giả sử thuê người chăm sóc chó vào khung giờ trưa, họ có thể tạo mã vào nhà cho người đó và chỉ hoạt động được trong khung giờ đã hẹn trước, vào từng ngày chuyên biệt trong tuần hay ngày đi vắng.
Cài thiết bị điều chỉnh nhiệt vào chế độ "Đi vắng"
Nếu không nuôi thú cưng hay trồng các loại cây đòi hỏi môi trường chăm sóc cầu kỳ, người dùng nên bật chế độ "Đi vắng" (hoặc tên tương tự) trên thiết bị điều chỉnh nhiệt trong nhà bởi lúc này việc để bộ điều tiết nhiệt độ phòng (ấm lên hoặc làm mát) vẫn hoạt động là điều không cần thiết.
Kiểm soát nhiệt trong nhà từ xa qua thiết bị di động cá nhân |
chụp màn hình |
Nếu không có sẵn chế độ "Đi vắng", hãy cài lịch hoạt động mới cho thiết bị để hoạt động ở mức tối thiểu. Không nên tắt hoàn toàn bởi máy vẫn cần hoạt động để điều chỉnh nhiệt độ trong nhà trước khi chủ nhân về, hoặc tận dụng khả năng cảm biến để nhận thông báo khi có xảy ra bất thường như nhiệt độ, độ ẩm quá cao...
Tận dụng camera để mắt tới mọi thứ trong nhà
Camera an ninh đã trở nên quá phổ biến trong các hộ gia đình sử dụng thiết bị thông minh. Sản phẩm này hữu dụng để theo dõi nhất cử nhất động, từng thay đổi dù nhỏ nhất trong nhà và phát đi cảnh báo khi có bất thường.
Việc lắp đặt camera ở những không gian đậm tính riêng tư đã gây nhiều quan ngại nên mọi người thường tắt thiết bị này khi ở nhà. Với các dịp đi vắng, gia chủ không nên tắt và sẽ có lợi khi lắp thêm camera vào những vị trí trước đây tránh (có thể ngắt sử dụng khi trở về). Các thiết bị theo dõi này đa phần đều có chế độ giám sát an ninh và ghi lại thời điểm trong nhà có chuyển động rồi gửi thông báo tới chủ nhân qua điện thoại.
Dùng cảm biến thông minh
Khi người dùng ở nhà, các loại cảm biến khói, nước... có thể khá vô dụng nhưng lúc đi vắng, mọi thiết bị có khả năng cảm nhận môi trường và gửi đi cảnh báo đều hữu ích và đôi khi mang tính sống còn.
Các loại cảm biến thông minh lắp quanh nhà để cảnh báo bất thường |
chụp màn hình |
Giá của một bộ (gồm nhiều cảm biến) không cao, dao động từ hơn 1 triệu đồng và có thể dễ dàng lắp đặt ở các vị trí khác nhau trong nhà. Những nơi thường lắp cần cân nhắc như dưới van nước chính (để phát hiện khi có dòng chảy hay rỉ nước bất thường), vị trí dễ bị đột nhập trong nhà, trần trong phòng bếp hay nơi dễ xảy ra hỏa hoạn, khói... Các bộ cao cấp lắp đặt trực tiếp vào van nước có thể giúp ngăn dòng từ xa cũng nên quan tâm nếu tài chính cho phép.
Như đã đề cập, trong gia đình nên có cảm biến khói, đặc biệt khi không ai ở nhà. Loại cảm biến này sẽ giúp cảnh báo trường hợp xuất hiện khói trong nhà (thường là khi có cháy). Cảm biến nhiệt độ cũng hữu dụng theo cách này. Khi có bất thường, gia chủ có thể nhờ cậy tới hàng xóm hay người thân ở gần để qua ứng cứu kịp thời.
Bình luận (0)