Trong khi những tranh chấp lãnh thổ nổ ra liên miên giữa một số nước, nhiều quốc gia tự xưng đã ra đời trên những vùng đất chẳng ai ngó ngàng.
“Tổng thống” Vit Jedlicka (giữa) khoe cờ Liberland cùng các công dân của tiểu quốc tự xưng
tại làng Backi Monostor ở Serbia - Ảnh: Reuters |
Chỉ trong vòng một tháng qua, thế giới đã chứng kiến sự ra đời của hai tiểu quốc tự xưng tại châu Âu là “Vương quốc Enclava” và “Cộng hòa tự do Liberland”. Cũng như hầu hết các quốc gia tự xưng trước đây, cả Enclava và Liberland đều được thành lập trên những vùng đất bị bỏ rơi, có diện tích cực nhỏ, tự xưng là một quốc gia độc lập, có chủ quyền song lại không được các nước trên thế giới công nhận. Và dĩ nhiên, mỗi quốc gia tự xưng ra đời đều khoác lên mình câu chuyện riêng đầy kỳ bí.
Vùng đất thần tiên
“Vương quốc Enclava” hình thành trên một mảnh đất nằm ở biên giới giữa Slovenia và Croatia vào ngày 23.4, không lâu sau sự ra đời của quốc gia “hạt tiêu” khác là Liberland. Theo The Telegraph, “Vương quốc Enclava” tuy khó có thể được cộng đồng quốc tế công nhận một sớm một chiều, song những người sáng lập khẳng định Enclava có quyền tồn tại vì được xây dựng trên mảnh đất mà cả người Slovenia lẫn dân Croatia đều không ngó ngàng tới.
Enclava rộng vỏn vẹn... 100 m2, nằm gần thị trấn Metlika (Slovenia) và cách thủ đô Zagreb (Croatia) khoảng 50 km. Trong một lần du lịch đến Slovenia, một nhóm du khách Ba Lan được người dân địa phương tiết lộ mảnh đất trên trong tình trạng “vô chủ”. Cụ thể, sau khi Nam Tư tan rã vào năm 1991, 7 quốc gia mới được thành lập tại khu vực này với nhiều tranh chấp về biên giới, dẫn đến một số mảnh đất chưa được tuyên bố chủ quyền. Chớp lấy cơ hội, Piotr Wawrzynkiewicz cùng bạn bè mình đã tuyên bố thành lập “Vương quốc Enclava” ngay tại mảnh đất trên với châm ngôn là “Công dân của thế giới”. Ý tưởng đằng sau Enclava là nhằm “tạo ra một nơi mà tất cả mọi người, không phân biệt màu da, tôn giáo hoặc quốc tịch, có thể bày tỏ chính kiến của mình, học hành miễn phí và kiếm tiền mà không cần lo lắng về các loại thuế”, theo Wawrzynkiewicz, một trong những người sáng lập quốc gia trong mơ. Cho đến nay, các chính phủ Slovenia và Croatia chưa bình luận về quốc gia tự xưng mới nhất ở châu Âu.
Được mệnh danh là “quốc gia nhỏ bé nhất châu Âu”, Enclava hiện có 800 công dân. Mặc dù diện tích chỉ bằng một mảnh vườn, những người sáng lập khẳng định họ đang lên kế hoạch tạo ra một cộng đồng miễn thuế gồm những người có cùng mục tiêu sống.
Tin tức về tiểu quốc gia thần tiên đã lan nhanh trên mạng và đến nay đã có hơn 5.000 người nộp đơn xin làm công dân danh dự, theo AFP dẫn lời ông Wawrzynkiewicz. Trong khi đó, các công dân Enclava cũng đã bỏ phiếu bầu lãnh đạo trong cuộc bầu cử dân chủ ảo đầu tiên của vương quốc hồi tuần trước. Enclava đã chọn đồng tiền ảo Dogecoin (giống Bitcoin) là tiền tệ chính của mình, đồng thời công nhận 5 ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh, Ba Lan, Slovenia, Croatia và cả Quan thoại. Vương quốc tự xưng này cũng đang trong quá trình soạn thảo hiến pháp và chuẩn bị các loại giấy tờ nhận dạng điện tử cho công dân.
Mảnh đất tự do
Cũng như “Vương quốc Enclava”, “Cộng hòa tự do Liberland” chưa được bất cứ quốc gia hoặc tổ chức nào trên thế giới thừa nhận. Tuy vậy, điều này cũng không thể ngăn cản 300.000 người từ khắp mọi nơi trên thế giới nộp đơn xin làm công dân. Đã có 20 người được cấp quyền công dân danh dự, theo Đài CNN dẫn lời “nhà lập quốc” Vit Jedlicka, một chính trị gia bảo thủ người CH Czech có quan điểm chống Liên minh châu Âu.
“Chúng tôi là một phần của phong trào chủ nghĩa tự do tuyệt vời đang phát triển trên toàn cầu. Chính phủ ngày càng trở nên ít phổ biến”, ông Jedlicka nói với The Telegraph. Tổng thống tự xưng 31 tuổi này còn tiết lộ nhiều nhà đầu tư đã cam kết đổ hàng tỉ USD vào quốc gia nhỏ bé này, nơi việc nộp thuế chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện, theo Washington Post.
“Cộng hòa tự do Liberland” cũng chỉ mới ra đời hồi đầu tháng trước và tọa lạc trên mảnh đất có diện tích hơn 7 km2, nằm ở khu vực chưa được thừa nhận chủ quyền ở bờ tây sông Danube giữa Croatia và Serbia. Tuy mới được thành lập vào ngày 13.4, song Liberland đã có hiến pháp cùng quốc kỳ riêng với các biểu tượng chính là chim đại bàng và mặt trời. “Tổng thống” Jedlicka cũng lập ra trang web cho Liberland và đặt một tay rapper ở CH Czech sáng tác “quốc ca” của Liberland, theo tờ Guardian.
Đồng tiền ảo Bitcoin hiện là tiền tệ chính tại Liberland, và quốc gia này có kế hoạch chấp nhận tất cả mọi người làm công dân, miễn chưa từng có tiền án tiền sự cũng như tham gia các nhóm cực đoan nào. Dĩ nhiên, giới chức hai nước Croatia và Serbia đã phản đối tiểu quốc tự xưng Liberland. Washington Post ngày 11.5 đưa tin “Tổng thống” Jedlicka đã bị cảnh sát Croatia tạm giữ trong nhiều giờ khi tìm cách đến Liberland vào ngày 9.5. Mãi đến sáng hôm sau, ông mới được trả tự do.
Liên hiệp quốc các tiểu quốc
Theo Daily Mail, ước tính có khoảng 400 tiểu quốc gia nằm rải rác khắp thế giới. Nhiều vương quốc tí hon ra đời do người sáng lập thất vọng, bất mãn với chính quyền. Một trường hợp điển hình là Hutt River Province, một nhà nước độc lập tự xưng do nông dân Leonard Casley thành lập năm 1970 sau khi ông dính vào một vụ tranh chấp với chính quyền Tây Úc liên quan tới những hạn chế về hạn ngạch lúa mì của mình.
Tự xưng là “thái tử”, Leonard và vợ - “công nương” Shirley đã cai trị vùng đất nông nghiệp rộng 75 km2, phát hành hộ chiếu riêng. Tuy nhiên, chính phủ Úc chẳng ngó ngàng gì đến tiểu quốc này bất chấp việc “thái tử” Leonard từng một lần tuyên chiến với Canberra. Không nhận được phản hồi, ông đã ra lệnh đình chiến vài ngày sau đó, theo The Telegraph.
Tiểu quốc gia nổi tiếng nhất ở Anh là Sealand, được cựu quân nhân Paddy Roy Bate thành lập vào năm 1967. Sealand vốn là một ụ súng phòng không ở ngoài khơi bờ biển Suffolk. Quốc gia tự xưng NÀY cũng có cờ, tiền tệ, tem thư và cả hộ chiếu riêng. Tại Mỹ, “Cộng hòa Molossia” nằm trên một rẻo đất khoảng 24.000 m2 ở vùng sa mạc gần thành phố Reno, bang Nevada, được cai trị bởi “Tổng thống” Kevin Baugh (47 tuổi). Molossia có cả đồng tiền riêng.
“Công quốc Seborga”, một ngôi làng ở tây bắc nước Ý, là một trong những tiểu quốc lâu đời nhất hành tinh, được thành lập từ năm 1079. Seborga mới đây đã bầu người trị vì mới là một doanh nhân ngành dệt may 31 tuổi sống ở trong vùng. Trên thực tế, sức mạnh của internet đã giúp các tiểu quốc gia được nhiều người biết đến. “Đế chế Atlantium”, một vùng đất ở New South Wales (Úc), hiện có khoảng 2.000 công dân từ 100 quốc gia, theo “hoàng đế” George II, tên thật là George Cruickshank. Nhân viên kinh doanh 43 tuổi này đã lập ra “đế chế Atlantium” vào năm 1981 như là một nơi để vận động cho các vấn đề đang gây nhức nhối toàn cầu, bao gồm cả hôn nhân đồng tính và quyền được chết yên bình.
|
Bình luận (0)