Những trạm xăng biết bay

12/03/2017 14:00 GMT+7

Nếu thiếu máy bay tiếp liệu ngay trên không, các loại chiến đấu cơ lợi hại bậc nhất của Mỹ chỉ còn là những con chim gãy cánh.

Không quân đội nước nào sở hữu những phi đội thần tốc và cơ động như Mỹ, có thể nhanh chóng đến từng điểm chính xác khi cần, dù ở vùng Vịnh, Đông Á, Bắc Cực hay châu Phi. Mỹ cần tung một chiếc A-10 Thần sấm II vần vũ liên tục để hỗ trợ bộ binh dưới mặt đất? Hay muốn cỗ máy ném bom đa nhiệm B-2 từ Missouri bay không nghỉ sang tận Đông Bắc Á? Hoặc muốn tung Chim ưng biển đa năng MV-22 Osprey chở thủy quân lục chiến bay thẳng từ trong đất liền ra một đầu cầu đổ bộ nào đó ngoài vùng biển xa tít? Tất cả đều không thể nếu thiếu sự kèm cặp của những gã “to bụng” già cỗi mang tên máy bay tiếp dầu. Ngay cả chuyên cơ Air Force One cũng sẽ không thể hoàn thành chức năng chở tổng thống Mỹ bay dài ngày khi cần nếu thiếu những trạm xăng trên không.
Chiến công thầm lặng
Thời chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, trong đợt xuất kích vào tháng 1.1991, có đến 7 pháo đài bay chiến lược B-52G thực hiện hành trình không nghỉ suốt 35 giờ đồng hồ từ bang Louisiana của Mỹ đến vùng Vịnh tấn công đối phương rồi quay về. Theo chuyên san Aviation Week, đây là chuyến bay quân sự lâu kỷ lục tính đến thời điểm đó, khiến B-52G ngốn cơ man giấy mực của báo giới và các nhà bình luận quốc phòng. Nhưng công lao thực sự thuộc về đội máy bay tiếp liệu trên không, cất cánh từ các căn cứ quân sự ở châu Âu để hỗ trợ cả 2 chiều đi và về của B-52G.
Trong suốt chiến dịch Cáo sa mạc của Mỹ tại vùng Vịnh, máy bay tiếp dầu KC-10A Extender đã được tận dụng tối đa, phục vụ chiến đấu cơ của không quân, hải quân lẫn thủy quân lục chiến Mỹ, đồng thời “thầu” cả máy bay của đồng minh như Anh và Ả Rập Xê Út.
Trước đó, máy bay tiếp liệu trên không cũng đóng vai trò thầm lặng nhưng quyết định đối với kết quả cuộc chiến Falkland/Malvinas giữa Argentina và Anh năm 1982. Sau đợt đột kích bất ngờ giành quyền kiểm soát Falkland từ tay lực lượng Anh ít ỏi đóng trên đảo, quân Argentina tập trung phòng thủ bờ biển mà lơ là vùng trời vì căn cứ không quân gần nhất của người Anh cũng nằm tít ở đảo Ascension, cách hơn 6.000 km.
Tuy nhiên, rạng sáng 1.5.1982, lực lượng Argentina choáng váng khi một quả bom nặng gần 10 tấn “từ trên trời rơi xuống”. Đó là thời điểm Anh quyết định tung oanh tạc cơ “hỏa thần” Vulcan xuất trận và dần khiến cán cân chiến sự đảo chiều, để rồi Argentina cuối cùng phải đầu hàng vào ngày 14.6.1982. Đáng chú ý, trong mỗi chuyến xuất kích, Vulcan chỉ ném quả bom duy nhất nhưng cần đến 11 “trạm xăng biết bay” tiếp sức ít nhất 7 lần cho hành trình khứ hồi không nghỉ gần 13.000 km.
Đầu năm nay, khi Mỹ đưa phi đội 10 tiêm kích tàng hình F-35B sang căn cứ ở Nhật Bản, có đến 9 máy bay tiếp liệu bay cặp theo, bơm cả thảy gần 350 tấn xăng cho đội chiến đấu cơ tối tân. Tổng cộng, chúng được bơm xăng đến 250 lần trong chặng đường kéo dài 7 ngày, theo Aviation Week.
Bên cạnh được tiếp nhiên liệu giúp duy trì hoạt động liên tục, nhờ các trạm xăng di động giữa không trung mà các loại máy bay quân sự có thể giảm đáng kể tải trọng nhiên liệu, để dành sức chở vũ khí và tăng cường đáng kể hiệu quả chiến đấu.
Những bà già gân
Theo Aviation Week, phi vụ tiếp liệu giữa không trung lần đầu tiên trên thế giới diễn ra vào năm 1923. Khi đó, 2 máy bay của không quân Mỹ bay với vận tốc chậm, chiếc trên chiếc dưới, đã tiếp dầu cho nhau thành công, gây chấn động ngành hàng không quân sự thế giới. Kỹ thuật còn hết sức thô sơ với các phi công cầm bình nhiên liệu đổ từ máy bay này sang máy bay kia thông qua một cái ống.
Đến nay, hầu hết máy bay tiếp liệu sử dụng hệ thống tiếp dầu bằng ống mềm hoặc ống cứng. Ống mềm như những con rắn dài, phía đầu gắn với bộ phận phình ra như một cái phễu. “Con rắn” uốn lượn vươn ra cho đến khi bắt được họng nhận dầu của máy bay bên dưới. Hệ thống ống cứng thì ngắn hơn nhiều, thường được gắn với 2 cánh nhỏ để có thể điều khiển kết nối với máy bay nhận dầu.
Thật khó có thể tưởng tượng rằng dù sở hữu những chiến đấu cơ siêu hiện đại, xương sống của đội máy bay tiếp dầu của quân đội Mỹ hiện nay vẫn là những “bà già U-70” mang tên KC-135. Đây là sản phẩm của Boeing, hãng đã sản xuất tầm 2.000 máy bay tiếp liệu cả thảy. Phi đội tiếp dầu của không quân Mỹ có đến 400 chiếc loại này, bên cạnh 59 chiếc KC-10 hiện đại hơn nhưng cũng đã trên 35 tuổi.
Trong nhiều năm qua, Lầu Năm Góc liên tục vạch ra các dự án thay thế phi đội tiếp liệu “bà già” nhưng liên tục gặp trục trặc và bê bối. Đến nay, Boeing thắng thầu hợp đồng trị giá 35 tỉ USD cung cấp 179 “trạm xăng biết bay” thế hệ mới mang tên KC-46 cho không quân Mỹ. Con số này cũng chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 số máy bay tiếp liệu mới mà quân đội Mỹ mong muốn.
Với khả năng có thể tiếp dầu cho nhau bằng cả ống mềm lẫn ống cứng, KC-46 mang nhiều tính năng vượt trội so với KC-135, đồng thời được tăng cường năng lực phòng thủ trong bối cảnh máy bay tiếp dầu càng ngày càng trở thành mục tiêu đánh phá vì vai trò quan trọng của chúng. BBC đưa tin KC-46 sẽ được trang bị lớp giáp tinh vi chống tên lửa cũng như radar hiện đại để phát hiện mọi mối đe dọa từ xa. Boeing cũng đã lên kế hoạch phát triển các đời máy bay tiếp theo như KC-Y và KC-Z mang khả năng tàng hình để có thể hoạt động sâu hơn trong chiến trường.
Bên cạnh đó, từ năm 2015, hải quân Mỹ bắt đầu thử nghiệm tiếp liệu trên không cho chiến đấu cơ không người lái (UAV) X47-B. Ngoài ra, loại UAV mang tên MQ-25A cũng đang được thử nghiệm “truyền máu” cho máy bay truyền thống. Tương tự, không quân đang tính tới viễn cảnh UAV tiếp liệu cho những UAV khác, bao gồm những loại do thám, chiến đấu chủ lực hiện nay như Global Hawk và MQ-9 Reaper. Tuy nhiên, tất cả vẫn đang nằm trong bước thử nghiệm ban đầu và Giám đốc tiếp thị cho KC-46 của Boeing - ông Mike Hafer - cho rằng ít nhất máy bay tiếp dầu truyền thống sẽ còn “sống” thêm 30 năm nữa.
Tiếp liệu cho máy bay dân dụng?
Đây là viễn cảnh cực kỳ hấp dẫn cho cả nhà kinh doanh hàng không và hành khách dẫu rào cảm tâm lý không phải là nhỏ. Cứ tưởng tượng một con chim sắt chở mấy trăm thường dân phải áp sát một máy bay đầy bụng dầu căng ứ giữa không trung sẽ thấy nguy cơ là rất lớn. Tuy nhiên, tiếp dầu trên không sẽ giảm thiểu đáng kể tần suất phải sử dụng các sân bay đông đúc và đắt đỏ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn do giảm tần suất cất/hạ cánh, không cần phải quá cảnh và tiết kiệm được bao nhiêu nhiên liệu cũng như thời gian chờ đợi.
Hiện EU đang triển khai dự án mang tên Recreate với chi phí thăm dò tiền khả thi vào khoảng hơn 3,2 triệu USD để nghiên cứu khả năng hiện thực hóa ý tưởng tiếp liệu dân dụng. Theo ý tưởng của các nhà nghiên cứu, các máy bay sẽ sử dụng hệ thống tiếp liệu tự động để giảm bớt gánh nặng đè lên vai phi công dân sự. Ngành hàng không thế giới, đang vận chuyển trên 3 tỉ lượt người mỗi năm, sẽ rẽ sang một bước ngoặt lịch sử mới nếu làm được chuyện “thường ngày ở huyện” đối với máy bay quân sự.
Tiếp liệu giữa chín tầng mây là quá trình cực kỳ nguy hiểm khi 2 con chim sắt khổng lồ không cùng chủng loại, với tầm cao và tốc độ khác nhau phải “đánh vật” ở độ cao 6.000 - 9.000 m, vừa bay với vận tốc chính xác như nhau (có khi lên đến 500 km/giờ) vừa kết nối với nhau bằng một cái ống. Trong nhiều trường hợp, 2 máy bay cho và nhận nhiên liệu chỉ cách nhau vỏn vẹn 22 m.
Lịch sử thế giới đã chứng kiến những tai nạn tiếp dầu thảm khốc. Chẳng hạn vụ B-52G của Mỹ húc vào ống tiếp nhiên liệu của một chiếc KC-135 hồi năm 1966, khiến pháo đài bay rách toác trước khi rơi xuống, còn “trạm xăng di động” phát nổ ngay lập tức. Toàn bộ đội bay 4 thành viên của KC-135 thiệt mạng cùng 3 người trên B-52G. Chỉ 4 người còn lại của B-52G kịp nhảy dù thoát thân, theo trang History.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.