Những trụ cột trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông

02/07/2023 07:10 GMT+7

Mới đây, ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, đã có bài phát biểu tại Hội thảo thường niên về Biển Đông lần thứ 13 được tổ chức bởi Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ).

Theo đó, ông Kritenbrink khẳng định tuy không phải là một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Mỹ muốn tham gia duy trì sự ổn định và hòa bình ở vùng biển này, đảm bảo các bên có tuyên bố chủ quyền phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Đó là một phần then chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) mà Mỹ đang theo đuổi.

Những trụ cột trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông - Ảnh 1.

Ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương

CSIS

Lý do là Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với hàng hải quốc tế, khi dòng chảy thương mại qua vùng biển này có giá trị lên đến 3.000 tỉ USD mỗi năm. Biển Đông cũng là nơi chiếm đến 12% sản lượng đánh bắt hải sản toàn cầu. Chính vì thế, việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông có liên quan trực tiếp lợi ích chung của khu vực và nhiều quốc gia.

Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink cũng nhấn mạnh sự ủng hộ đối với việc các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông thực hiện các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước này, mà không bị can thiệp, đe dọa hoặc ép buộc.

3 trụ cột của Washington

Qua đó, Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink nêu ra 3 trụ cột trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông.

Thứ nhất là ngoại giao. "Cùng với các đối tác có cùng chí hướng, chúng tôi đang thúc đẩy sự tôn trọng luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ, tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình", ông phát biểu.

Thứ hai là các chương trình xây dựng năng lực hàng hải. Ông nêu: "Chúng tôi có một số chương trình xây dựng năng lực hàng hải cho các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải và quân đội của khu vực. Và những chương trình này cung cấp cho các quốc gia nhận thức về lĩnh vực hàng hải và khả năng tuần tra các yêu sách của họ". Ông cho biết trong 5 năm qua, Mỹ đã cung cấp các chương trình hỗ trợ quân sự và thực thi pháp luật với tổng trị giá lên đến 1,6 tỉ USD cho các nước Đông Nam Á để xây dựng năng lực và nhận thức hàng hải.

Những trụ cột trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông - Ảnh 2.

Tàu chiến Mỹ, Nhật Bản và Úc trong một lần tập trận chung ở Biển Đông

Hải quân Mỹ

Trụ cột thứ ba là các hoạt động của quân đội Mỹ, bao gồm các hoạt động tự do hàng hải và các hoạt động hiện diện thường xuyên, để thể hiện rằng tất cả các quốc gia đều có quyền hoạt động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Qua đó, ông Kritenbrink cho biết các hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) mà quân đội Mỹ đã và đang thực hiện chỉ là một phần trong chính sách tổng thể của nước này ở Biển Đông.

Tăng cường hợp tác, không thúc ép "chọn phe"

"Thông qua Hiệp định Hàng hải Indo-Pacific và thông qua Hiệp định Đối tác Indo-Pacific về Nhận thức lĩnh vực hàng hải (IPMDA) đều do nhóm "bộ tứ" (gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ) hỗ trợ, chúng tôi đang giúp tăng cường tính minh bạch trong khu vực bằng cách hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á giám sát các khu vực hàng hải của họ và các tuyến đường biển quốc tế thông qua những vệ tinh quỹ đạo trái đất thấp xác định tàu bằng lưu lượng vô tuyến và hệ thống theo dõi tự động", ông Kritenbrink cho biết và nhấn mạnh nỗ lực tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực. Ông nhắc lại các thỏa thuận đạt được gần đây với Philippines và cho biết hai bên sẽ còn đẩy mạnh hợp tác.

Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink cũng đánh giá cao sự hợp tác của Nhật Bản, Úc với Mỹ để phối hợp các hoạt động ở Biển Đông. Đồng thời, ông khẳng định Mỹ mong muốn tăng cường hợp tác với Ấn Độ ở Biển Đông.

Trao đổi thêm tại hội thảo trên, đề cập việc một số nước ở Đông Nam Á lo ngại việc Washington tìm cách thúc ép phải "chọn phe", nhưng ông Kritenbrink cho biết: "Chúng tôi không buộc các quốc gia phải lựa chọn. Những gì chúng tôi đang làm là đảm bảo rằng các quốc gia có quyền lựa chọn và khả năng đưa ra quyết định của riêng họ mà không bị ép buộc". 

Lo ngại hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Cũng trong bài phát biểu, Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink đã đưa ra chỉ trích nhằm vào các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cho rằng Bắc Kinh đã có nhiều hành vi gây lo ngại ở vùng biển này.

"Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào việc các quốc gia ở Biển Đông thực hiện các quyền hợp pháp của họ đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ", Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink phát biểu.

Bên cạnh đó, ông cho biết trong chuyến thăm vừa qua đến Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại rằng quan điểm của Washington tiếp tục bác bỏ các yêu sách hàng hải phi pháp mà Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông.

 Ý kiến

Sau hội thảo trên, một số chuyên gia tham gia hội thảo cũng đã chia sẻ với Thanh Niên về nhận định xoay quanh phát biểu của ông Kritenbrink.

Tính nhất quán trong chính sách của Mỹ

Trợ lý Bộ trưởng Kritenbrink đã tập trung vào tính nhất quán trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông, tập trung vào việc xây dựng năng lực của các đối tác và bảo vệ luật pháp quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng liên minh trong nỗ lực đó, bao gồm cả việc củng cố các liên minh của Mỹ với Philippines, Nhật Bản và Úc.

Ông Gregory Poling (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc CSIS)

Chính sách bao trùm

Phát biểu của Kritenbrink đã được đón nhận nồng nhiệt và có một số điểm chính. Một trong những lĩnh vực quan trọng là sự tập trung của ông vào chính sách Biển Đông bao trùm, xem xét tất cả các đòn bẩy trong chính sách của Mỹ chứ không chỉ dựa vào FONOPS (dù đây là hoạt động quan trọng).

Tôi cũng đánh giá cao sự tập trung của ông ấy vào nhu cầu thực sự lắng nghe các quốc gia trong khu vực và hợp tác chặt chẽ với các đối tác và đồng minh trong khu vực. Cuối cùng, điều quan trọng là ông đề cập đến vai trò quan trọng của Ấn Độ cả trong khu vực và trong vấn đề này.

TS Jonathan Berkshire Miller (Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Nhật)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.