Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 7: Còn ai nhớ tiếng đàn Bơ-răng, Bơ-ró ?

01/07/2013 03:25 GMT+7

Nghệ nhân Phan Chí Thành là người duy nhất biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống của người Ba Na ở làng Trà Hương (xã Cát Lâm, H.Phù Cát, Bình Định) như Bơ-răng, Bơ-ró, Hơ-đoong, Tơ-thiếp…

>> Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 6: Mai một nón lá Cần Thơ
>> Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 5: Tiếng sến 3 dây
>> Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 4: Truyền thần thất truyền

Của tin còn lại chút này

Tiếng đàn của nghệ nhân Phan Chí Thành vang lên trong Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định lần thứ 12 (diễn ra tháng 4.2013) khiến bao người ngẩn ngơ. Ông chơi đàn Bơ-răng, Bơ-ró rồi đến đàn Hơ-đoong… bằng tất cả niềm đam mê lẫn chất hoang dã của mình. Nhưng không ít người phải ngậm ngùi khi biết ông là nghệ nhân cao tuổi nhất (85 tuổi) tham dự ngày hội và chẳng có ai là truyền nhân.

Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 7: Còn ai nhớ tiếng đàn Bơ-răng, Bơ-ró ? 1
Ông Thành chơi đàn Bơ-răng - Ảnh: Hoàng Trọng

“Lớp trẻ ở làng Trà Hương bây giờ cũng mê đàn, mê hát nhưng chỉ thích máy móc hiện đại, còn những nhạc cụ truyền thống thì không mặn mà. Tôi cũng đã bày, đã dạy cho nhiều người nhưng rồi chẳng có ai theo. Kiểu này chắc tôi chết đi thì sẽ mang theo những cây đàn Bơ-răng, Bơ-ró, Hơ-đoong… vì để lại cũng không còn ai chơi và quan tâm đến chúng nữa”, ông Thành xót xa.

Ngón nghề “độc” mà ông Thành mang đến những hội diễn nghệ thuật truyền thống là loại nhạc cụ Cổ vũ (hình dạng giống cái mõ của người Kinh). Ở Bình Định, ngoài ông Thành, chẳng còn ai có thể chơi được loại nhạc cụ này. Theo ông Thành, Cổ vũ là nhạc cụ gắn bó với cuộc sống hằng ngày của người Ba Na xưa. Tổ tiên của ông thường dùng Cổ vũ làm hiệu lệnh trong những lúc đi săn, đi rẫy… Khi phát hiện con thú thì thổi Cổ vũ có tiết tấu nhanh, thúc giục người săn tiếp cận con thú. Khi tiết tấu Cổ vũ ở mức trung bình, nếu thổi vào buổi sáng là báo cho mọi người thức dậy để lên nương lên rẫy, nếu thổi khi ông mặt trời xuống núi là kêu gọi mọi người hãy về nhà sau một ngày lao động. Khi người ta thổi Cổ vũ có tiết tấu chậm rãi, đó là lúc cuộc sống thanh bình, no ấm…

Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 7: Còn ai nhớ tiếng đàn Bơ-răng, Bơ-ró ? 2
Ông Thành chơi nhạc cụ Tơ-thiếp

Khách đến nhà, ông Thành rất ít nói về mình mà thường đem đàn ra chơi và giới thiệu về chúng. Đàn Bơ-răng có thùng đàn bằng trái bầu khô, cần đàn là một ống nứa có 12 dây. Còn đàn Bơ-ró có tới 2 quả bầu khô làm thùng đàn, cần đàn cũng bằng ống nứa nhưng chỉ có 2 dây. Theo ông Thành, đàn Bơ-răng được chơi trong những dịp đám cưới, mừng lúa mới, lễ hội, cúng giàng… còn đàn Bơ-ró chỉ chơi trong bối cảnh buồn, khi người ta có tâm sự.

 

Trong căn nhà rộng chưa đầy 30 m2 của ông Thành, hiện có khoảng 20 nhạc cụ truyền thống của người Ba Na, như: Bơ-răng, Bơ-ró, Bơ-lá, Hơ-đoong, Tơ-thiếp (tù và), Roong-boong, Pơ-lơng-khơng, Tơ-rưng… và nhiều loại sáo dài, ngắn khác nhau. Tất cả những nhạc cụ này ông đều biết chơi và có thể làm ra hoặc sửa chữa chúng.

“Trên địa bàn H.Phù Cát có 2 làng là nơi sinh sống của đồng bào Ba Na nhưng chỉ có nghệ nhân Phan Chí Thành là người duy nhất chơi và làm được các nhạc cụ truyền thống. Nếu không sớm có kế hoạch và biện pháp bảo tồn thì sẽ không còn ai biết chơi những loại nhạc cụ này nữa”, ông Võ Văn Long, Giám đốc Trung tâm văn hóa - thông tin - thể thao H.Phù Cát, cho biết.

Càng về già, ông càng gắn bó hơn với cây đàn Bơ-ró. Những đêm trăng sáng, tiếng đàn Bơ-ró lại ngân lên, vang vọng giữa núi rừng tĩnh mịch. Mỗi lần chơi đàn Bơ-ró, ông Thành thấy tâm trạng chùng xuống và mong có ai đó hiểu được lòng mình. “Cồng chiêng đã mất, các loại nhạc cụ truyền thống ngày càng hư hỏng nhưng ngoài tôi ra thì không còn ai quan tâm và sửa chữa được. Bản sắc của các sinh hoạt cộng đồng, lễ hội… ở làng Trà Hương ngày càng nhạt dần vì thiếu tiếng đàn, tiếng sáo truyền thống”, nghệ nhân Phan Chí Thành tâm sự. 

Hành trình cô đơn

Ông Thành rời làng Trà Hương lên H.Vĩnh Thạnh (Bình Định) theo cách mạng từ tuổi thiếu niên. Tên của ông cũng do một cán bộ cách mạng đặt cho, Chí Thành có ý nghĩa có chí tiến thủ, biết vươn lên thì sẽ thành công. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Thành làm công an tại H.Vĩnh Thạnh và sau đó là H.Tây Sơn (Bình Định). Năm 1986, ông về hưu, sống ở làng M3 (xã Vĩnh Thịnh, H.Vĩnh Thạnh) cho đến năm 2000 mới về lại làng Trà Hương.

Thời trai trẻ, tiếng đàn của ông Thành đã làm rung động trái tim biết bao cô gái. Ba người trong số đó đã đồng ý làm vợ ông. Người vợ đầu mất sớm, người thứ hai đang sống tại làng M3. Ông hiện ở với người vợ thứ ba là bà Đinh Thị Nga (56 tuổi). Bà Nga đau nằm một chỗ đã mấy năm nay, 4 miệng ăn trong nhà (ông nuôi 2 cháu ngoại mồ côi mẹ) đều trông cậy vào suất lương hưu của ông Thành. Hằng ngày, ông phải đi làm nương, làm rẫy nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau.

Tuổi già, cộng với những năm tháng trải qua đầy gian khổ, hai vai ông Thành đã khọm xuống. Nhưng mỗi khi ôm đàn, gương mặt ông, đặc biệt là đôi mắt, vẫn phảng phất nét tinh anh của chàng trai Ba Na ngày xưa. “Từ thời trai trẻ cho đến bây giờ, mỗi khi rời khỏi nhà là tôi mang theo cây đàn, cây sáo để lúc nào thích thì chơi. Tôi chơi đàn, thổi sáo trong tất cả các lễ hội của làng và bất kỳ lúc nào có nhã hứng. Khi buồn hay vui, tôi đều dùng tiếng đàn để bày tỏ nỗi lòng”, ông Thành tâm sự.

Hoàng Trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.