Những tuổi xuân ở Trường Sa

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
22/01/2023 05:03 GMT+7

Nhiều người ra Trường Sa cứ tưởng trên đảo chỉ có bộ đội hải quân. Thực ra, ngoài quân số phòng thủ đảo của Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), trên các đảo còn rất nhiều lực lượng phối thuộc, đảm bảo khác.

Kỳ ức hơn 30 năm

Đại tá Vũ Quang Đồng, nguyên Chính ủy Sư đoàn Phòng không 377, hiện đang nghỉ hưu tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), nhớ lại thời điểm tháng 5.1988, khi đang là đại úy - trạm trưởng ra đa 20 đóng tại TP.Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk).

Khi đó, ông nhận lệnh, khẩn trương bàn giao công việc, về nhận nhiệm vụ mới tại Tiểu đoàn ra đa 297, Lữ đoàn Phòng không 378, Quân chủng Phòng không - Không quân (năm 1993, Lữ đoàn 378 được nâng cấp thành Sư đoàn 378 và năm 1997 đổi phiên hiệu thành Sư đoàn Phòng không 377 cho đến nay; đang đóng ở Cam Ranh, Khánh Hòa).

Chiến sĩ trẻ ra Trường Sa nhận nhiệm vụ, giữa tháng 1.2023

M.T.H

Cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 44 trên đảo Phan Vinh

M.T.H

Nhiệm vụ bí mật mà ông Đồng được giao lúc ấy là chỉ huy Trạm ra đa 11 ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ. Ngày 15.6.1988, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức lễ tái lập Trạm ra đa 11.

Ngay ngày hôm sau (16.6.1988), bộ đội Trạm ra đa 11 và Tiểu đoàn 297 tập kết khí tài (4 xe chuyên dụng), các trang bị, vật liệu làm nhà, đưa lên tàu vận tải đổ bộ 503 của hải quân.

Rạng sáng 20.6.1988, tàu 503 nhổ neo rời cảng Cam Ranh và sau 3 ngày đêm (23.6.1988) đến đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Trắc thủ ra đa Trung đoàn 292 (Sư đoàn Phòng không 377, Quân chủng Phòng không - Không quân) trong ca trực sẵn sàng chiến đấu

M.T.H

Do sóng to gió lớn, luồng vào đảo vì cát vùi lấp nên khi ủi bãi, tàu 503 bị mắc cạn cách bờ khoảng 15 m. Để đưa được 4 xe ra đa chuyên dụng lên đảo, chỉ huy hành quân quyết định phương án “bắc cầu” và mượn thêm 30 bộ đội đảo, cùng với lực lượng ra đa vừa khênh ghi sắt trên vai, vừa làm cọc tiêu cho từng chiếc xe cẩn thận bò lên.

“Chiều tối, chiếc xe cuối cùng vọt lên đảo Trường Sa. Lúc ấy mới thấy vai anh em rớm máu và ai nấy đều nằm soài ra bãi cát, thở”, ông Đồng nhớ lại.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 11 - đảo Trường Sa nhận bao lì xì của Báo Thanh Niên

M.T.H

Sau 2 ngày triển khai khí tài, chiều 26.6.1988, các đài ra đa P.12 và P.18 sẵn sàng chiến đấu. Đúng 8 giờ 27.6.1988, Trạm ra đa 11 mở phiên trực ban đầu tiên và cánh sóng ra đa lần đầu tiên được phát lên không trung vùng trời quần đảo Trường Sa.

8 giờ 30, đài ra đa P.18 đã phát hiện và quản lý 2 tốp máy bay Su-22 của Không quân nhân dân Việt Nam bay tuần tiễu ở Trường Sa, cùng canh giữ biển trời của Tổ quốc.

“Mắt thần” canh vùng trời

Trạm ra đa 11 hầm vòm, mái tôn cách đây gần 35 năm, giờ đã là khu doanh trại khang trang, kiên cố, hiện đại nằm ngay đầu nhọn phía đông bắc của đảo Trường Sa, cứ biển động là sóng cao gần chục mét đập ầm ầm vào bờ kè, nước mặn có khi tràn vào sân làm chết lụi cây cối, vườn rau.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) ra Trường Sa làm nhiệm vụ

M.T.H

Đại úy Trần Văn Cường (33 tuổi, quê H.Krông Nô, Đắk Lắk), Trạm trưởng ra đa 11 (Trung đoàn ra đa 292, Sư đoàn Phòng không 377, Quân chủng Phòng không - Không quân) là một trong những cán bộ có thâm niên “bám trạm - bám đảo” lâu nhất, liên tục.

Năm 2012, anh Cường tốt nghiệp Học viện Phòng không - Không quân, sau 3 năm công tác tại bộ đội tên lửa 274, anh được chuyển sang Trung đoàn ra đa 292 (Sư đoàn 377). Đến tháng 7.2015, anh ra đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) nhận nhiệm vụ chỉ huy ở Trạm ra đa 21, liên tục trong 18 tháng, mãi đến 12.2016 mới về bờ.

Niềm vui của cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 11 khi văn công ra Trường Sa và đến thăm đơn vị

M.T.H

Tháng 1.2021, anh Cường tiếp tục ra đảo Trường Sa chỉ huy Trạm ra đa 11, liên tục 24 tháng, giữa tháng 1.2023 mới kết thúc nhiệm vụ.

Cả chục ngày cùng dập dềnh trên tàu thay thu quân - cấp hàng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nỗi hồi hộp nhất của anh Cường là sắp tới về nghỉ phép, cậu con trai Trần Nguyễn Quốc Kiên có nhận ra bố không.

“Khi em xuống tàu ra đảo, con trai mới 1 tuổi. Vợ em bế con từ nhà ngoại ngoài TP.Đà Nẵng vào Cam Ranh thuê nhà ở cổng đơn vị để cả gia đình được gần nhau mấy tháng. Mong là cháu không quên”, Cường nói đi nói lại…

Tìm ngày đúng Tết

M.T.H

Ngoài quần đảo Trường Sa bây giờ, các trạm ra đa của Quân chủng Phòng không - Không quân phát sóng liên tục 24/24 giờ, phát hiện mục tiêu và cung cấp tình báo xa, nhanh, đúng, đủ, liên tục, kịp thời, không để Tổ quốc bị bất ngờ.

Để làm tốt nhiệm vụ này, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ gác lại hạnh phúc, đủ đầy trong đất liền, ra tuyến đầu, bền bỉ, kiên cường bám đảo, canh giữ vùng trời.

Bộ đội Đồn biên phòng Trường Sa "khoe" bao lì xì của Báo Thanh Niên

M.T.H

Rất nhiều người trong số họ công tác ngoài đảo từ 1,5 - 2 năm liên tục và chuyển hết trạm này sang trạm khác, đợt này sang đợt khác, đến 4 - 5 lần, cộng dồn đến cả chục năm…

“Đếm sóng, đo gió”

Anh Võ Thanh Hải là cán bộ phụ trách Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN-MT).

Chiến sĩ trực canh đang theo dõi mục tiêu

M.T.H

Anh Hải năm nay 42 tuổi, nhà ở P.Hoài Hảo, TX.Hoài Nhơn, Bình Định và đã có hơn 10 gắn bó với các trạm khí tượng hải văn ở quần đảo Trường Sa.

Anh Hải kể: “Trước đây, mỗi đợt đi đảo kéo dài liên tục 2 năm. Bây giờ chỉ còn 9 - 12 tháng”. “Ngày thường thì công việc cuốn đi, nhưng những ngày tết thì ai cũng đau đáu ngóng về quê nhà trong đất liền”, anh thành thật.

Tết Nguyên đán Quý Mão này, cấp trên giải quyết cho mấy anh em đã phục vụ dài ngày ở trạm Trường Sa về nghỉ tết, anh Hải do có thâm niên nên tình nguyện ở lại đảm trách công việc cùng 2 công nhân trẻ là Lê Thành Hưng và Phan Nhật Thành.

Những ngày cuối tháng chạp, anh Hải nhờ tàu tiếp tế mang ra mấy chậu hoa nhỏ xinh và cẩn thận đặt lên cửa sổ. Mỗi sáng, cả 3 anh em cùng chăm tưới và bảo: “Có hoa là có mùa xuân và cũng đỡ nhớ nhà”.

Anh Võ Thanh Hải (phải) và Phan Nhật Thành chăm sóc chậu hoa, chuẩn bị đón xuân mới Quý Mão

M.T.H

Anh Hải là một trong những gia đình có “truyền thống Trường Sa” của ngành khí tượng thủy văn. Bố là ông Võ Thống, cựu Trạm trưởng Trường Sa, Song Tử Tây gần 20 năm. Chú ruột là Võ Thái Hoàng, công tác tại Trường Sa từ 2004 đến năm 2007. Em ruột là Võ Thành Tín, ở Trường Sa từ 2012 - 2017. Em rể Trần Cao có gần 5 năm ngoài đảo…

Nụ cười Trường Sa

M.T.H

Những ngày giáp tết, đi khắp quần đảo, đến đâu PV Thanh Niên cũng gặp màu hoa tươi mới, vừa mang ra từ đất liền. Màu hoa bên xanh mướt lá non chồi biếc và nụ cười, của những người đang gắn bó tuổi thanh xuân với tuyến đầu Tổ quốc, thành mùa xuân bất tử, chỉ có ở Trường Sa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.