Mượn... nhưng không xin phép
Thông thường, trong các chiêu trò làm game, đi kèm với xào game luôn có một đội ngũ hỗ trợ tận tình, từ khâu giới thiệu, quảng cáo, làm banner, hình ảnh,... để hô biến sản phẩm đó trở nên mới mẻ, lạ miệng.
Thế nhưng, khi mà bản thân những sản phẩm xào xáo này chẳng đủ lôi cuốn, thì việc "quảng cáo" nó sao cho hấp dẫn nhất lại trở thành một vấn đề nan giải. Theo cách thiết thực nhất, game có thể xào, thì banner, quảng cáo, tốt nhất cũng "mượn nốt" cho thêm phần hấp dẫn.
Chẳng lấy đâu xa, vừa qua game mobile Xích Bích 3D của nhà phát hành Funtap đã giới thiệu đến game thủ với slogan "Một tay xoay vạn trận", kèm theo đó,banner trên Fanpage chính thức của sản phẩm cũng đề hình bàn tay cho hợp lý.
Thế nhưng, bàn tay với chiếc nhẫn ngọc ở ngón cái này đã sớm bị cộng đồng game thủ phát giác, khi nó chính là hình ảnh trước đây trong banner giới thiệu tựa game mobile Reign of Warlord của nhà phát hành VNG. Không rõ rằng, nhà phát hành Funtap có "hỏi mượn" đôi tay này cho sản phẩm Xích Bích 3D chưa, hay chỉ xài tạm vài hôm rồi trả.
Còn trước đó, sản phẩm Tru Tiên Kiếm của nhà phát hành VTC Mobile thậm chí còn sử dụng rất nhiều hình ảnh được lấy từ game mobile Kiếm Vũ của nhà phát hành Gamota để giới thiệu, quảng cáo cho các event, chương trình của mình đưa ra.
Dùng một lần thì còn có thể nói là không may, nhưng đằng này, cộng đồng game thủ đã phát hiện đơn vị này sử dụng rất nhiều lần hình ảnh trong game của Kiếm Vũ để giới thiệu về sản phẩm mới của họ. Thậm chí, nhà phát hành Gamota đã phải tuyên bố "không có sản phẩm nào mang tên Tru Tiên Kiếm, và không mượn quảng bá giùm".
Những hệ quả phải gánh chịu
Nếu như xét kỹ lại, việc các sản phẩm đi sau này "mượn" hình ảnh của không ít tựa game đã ra mắt trước là có chủ đích rõ ràng. Reign of Warlord đang là tựa game chiến thuật thời gian thực (SLG) được cộng đồng đánh giá cao trong thời gian gần đây, khi mang đến một thế giới Tam Quốc rộng lớn, hùng vĩ và chân thực.
Còn Kiếm Vũ của nhà phát hành Gamota cũng được xem là một trong những game mobile nhập vai bối cảnh tiên hiệp nổi bật trong giai đoạn vừa qua.
"Mượn lại những hình ảnh của các tựa game hot, xào xáo, thay đổi thông tin để nó trở nên mới mẻ", công thức này được xem như kiểu quảng cáo "dựa hơi" để tồn tại, hơn là việc tự lực gánh sinh bởi chính những gì mà sản phẩm đang có. Trong giới phát hành game, hành động này còn được cho là cạnh tranh không lành mạnh.
Ở khía cạnh xa hơn, không dùng hình ảnh game của mình, lấy cắp hình ảnh tựa game khác để giới thiệu, bản thân nhà phát hành đó đang không tôn trọng chính sản phẩm của mình, hoặc cơ bản, họ nghĩ rằng sản phẩm này thực sự thiếu chất lượng, không đủ sức lôi kéo game thủ. Bản thân một game online mới ra mắt ở thị trường Việt Nam không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về chất lượng sản phẩm, mập mờ thông tin thì sẽ khó có thể tồn tại lâu dài
Chưa kể, hành động dùng hình ảnh, banner của game khác để giới thiệu sản phẩm của mình được xem là một hình thức lừa đảo game thủ, với mục đích kiếm lời trước mắt cho nhà phát hành. Điều đó được xem như một việc làm thiếu tôn trọng khách hàng của một bộ phẩn nhỏ nhà phát hành trong nước. Đi xa hơn, nhà phát hành đó đang đánh mất đi lòng tin của mình từ game thủ, cho một vài sản phẩm không quá nổi bật và thiếu hẳn sự cạnh tranh trên thị trường.
Bình luận (0)