Theo báo cáo trên chuyên san Nature, một nhóm các chuyên gia do trưởng nhóm Michael Gillon của Đại học Liege (Bỉ) dẫn đầu đã dùng kính viễn vọng Trappist để phát hiện 3 hành tinh cỡ trái đất đang xoay quanh sao lùn đặc biệt nguội cách địa cầu chưa đầy 40 năm ánh sáng. Đây là lần đầu tiên hành tinh được tìm thấy trên quỹ đạo quanh sao dạng này, mở ra một hướng đi mới trong nỗ lực truy tìm sự sống ngoài trái đất.
Được đặt tên là Trappist-1, ngôi sao trên ở gần hệ mặt trời và ánh sáng quá yếu, nên giới thiên văn học có điều kiện nghiên cứu khí quyển của bộ 3 hành tinh trên, và hy vọng có thể tìm được những dấu hiệu cho thấy có khả năng sự sống hiện diện. Họ đã sử dụng kính viễn vọng Spitzer để quan sát khí quyển của chúng, và kính Hubble cũng nhanh chóng nhập cuộc.
Hy vọng mới
Đồng tác giả báo cáo mới, chuyên gia Julien de Wit của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) cho hay sao Trappist-1 có kích thước cỡ sao Mộc, nằm ở chòm sao Bảo Bình. Các cuộc nghiên cứu trước đây thường tập trung vào các sao lớn hơn và sáng hơn như mặt trời của chúng ta, nhưng ánh sáng tỏa ra từ những ngôi sao này quá lớn, quét sạch mọi dấu vết của các hành tinh xung quanh.
Ngược lại, các sao lùn nguội hơn phát ra ánh sáng hồng ngoại, như Trappist-1, tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm những thế giới tiềm năng. Dựa trên những khác biệt này, các nhà thiên văn học của Đại học Liege đã đưa vào sử dụng kính viễn vọng Trappist với mục tiêu quan sát 60 sao lùn siêu nguội ở gần hệ mặt trời nhất. Và nỗ lực này đã được đền đáp.
Trưởng nhóm Gillon nhận xét rằng các hành tinh xung quanh những ngôi sao siêu nguội là nơi duy nhất mà con người có thể hy vọng phát hiện được sự sống bằng công nghệ hiện tại. Ở hệ sao Trappist-1, 2 hành tinh bên trong mất từ 1 ngày rưỡi đến gần 2 ngày rưỡi để xoay quanh sao trung tâm. Thời gian hoàn tất quỹ đạo của hành tinh thứ 3 vẫn chưa được tính toán chính xác. Và chúng nằm ở khoảng cách gần hơn Trappist-1 từ 20 - 100 lần so với trái đất - mặt trời.
Dù ở gần như thế, số năng lượng dưới dạng bức xạ từ sao trung tâm truyền đến các hành tinh trên vô cùng ít ỏi nếu so với sự ban phát rộng rãi của mặt trời đối với trái đất. Các nhà thiên văn học cho rằng 2 hành tinh bên trong có thể chứa những “không gian” cho phép sự sống tồn tại, trong khi hành tinh ngoài cùng nằm ở khoảng cách vừa phải để giữ nước được, và có lẽ là cả sự sống.
Spitzer và Hubble có thể trả lời một số câu hỏi về kích thước, khí quyển hành tinh, và hy vọng cũng phát hiện được nước và khí methan, nếu thực sự các phân tử này tồn tại.
Bình luận (0)